Một số nguyên tắc cơ bản của ngành y đã bị phá vỡ
- Võ Xuân Sơn
- •
Đang trong lúc mọi người vui mà nói cái gì ngược lại, thì có thể bị coi là kẻ phá thối. Tôi không muốn bị coi là kẻ phá thối trong vụ mổ tách hai cháu bé dính nhau vừa qua. Hy vọng là hôm nay, sự vui sướng đã hạ nhiệt chút ít.
Theo những gì thể hiện trên truyền thông về ca mổ tách cặp song sinh mấy ngày nay, thì có thể nói, một số nguyên tắc cơ bản của ngành y đã bị phá vỡ.
Đầu tiên là nguyên tắc vô trùng trong phòng mổ. Tôi xem thấy một tấm hình. Trên tấm hình đó, trong khi kíp mổ đang thực hiện cuộc mổ, thì có hàng loạt điện thoại, ống kính máy chụp hình chĩa vào, quay, chụp. Tức là có rất, rất nhiều người hiện diện trong phòng mổ, khi cuộc mổ tách hai cháu đang diễn ra.
Còn nhớ hồi tôi còn sinh viên, vô phòng mổ ở Bình dân, Chợ rẫy hay Nhân dân Gia định (hồi đó người ta hay gọi là Bệnh viện Nguyễn Văn Học), tất cả các phòng mổ đều có quy định số người tối đa được phép vào phòng mổ cùng một lúc. Cô Hồ Hải, trưởng phòng mổ Bệnh viện Chợ Rẫy thời đó, nổi tiếng với việc đi đếm số người trong từng phòng mổ, và khắt khe cả với những giáo sư nổi tiếng, dứt khoát chỉ cho số người đúng quy định vào phòng mổ.
Ngay cả bây giờ, bất cứ nhân viên mới nào của chúng tôi khi vô phòng mổ, đều phải được huấn luyện trước cách di chuyển. Ngay cả khi một bác sĩ nào đó đến xem mổ, chúng tôi cũng phải chú ý cách họ di chuyển, nếu không đúng, chúng tôi vẫn phải nhắc nhở.
Có một lần, một anh bạn tôi bị thoát vị đĩa đệm. Anh ấy thuộc hàng đại gia, và lại rất tin tưởng một bệnh viện quân đội. Anh ấy yêu cầu tôi mổ cho anh ấy ở bệnh viện đó. Bệnh viện cũng đồng ý và mời tôi đến mổ. Khi tôi vào mổ, có khoảng một trung đội sinh viên vô phòng mổ xem tôi mổ.
Họ nói chuyện rất nhiều, nhưng tôi vẫn cố gắng tập trung vào cuộc mổ. Khi gần xong thì tôi nhìn thấy một anh khá lớn tuổi, đang kiễng chân ngồi trên mâm dụng cụ vô trùng của tôi. Khỏi nói thì các bạn cũng biết, anh bạn tôi sau mổ ra sao. Tôi mất luôn bạn từ hồi đó.
Vấn đề tiếp theo là đánh giá cuộc mổ thành công. Đối với hầu hết các phẫu thuật viên, khi cuộc mổ kết thúc, đó mới chỉ là kết thúc của giai đoạn đầu tiên của điều trị. Để đánh giá cuộc mổ thành công hay không, thì ít nhất phải qua giai đoạn hậu phẫu.
Mà đó cũng chỉ là thành công bước đầu. Còn thì có thể phải chờ đợi thời gian lâu hơn, thậm chí, với ca mổ tách dính, có khi cả chục, hai chục năm sau, thậm chí là lâu hơn nữa, mới có thể đánh giá chính xác sự thành công của cuộc mổ. Tất nhiên, đối với ca mổ tách dính vừa qua, việc kết thúc cuộc mổ mà không có biến chứng gì, mọi việc diễn ra theo đúng dự định, đã là một sự thành công. Nhưng đừng vì vậy mà vội cho rằng cả quá trình là thành công rực rỡ.
Khi tôi mới ra trường, các đàn anh đã nhắc nhở, đừng bao giờ nói với người nhà bệnh nhân, rằng ca mổ thành công tốt đẹp, nhất là ngay sau khi mổ. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chỉ nói với người nhà bệnh nhân, rằng ca mổ đã diễn tiến đúng như dự định, còn kết quả thế nào thì phải chờ một thời gian nữa rồi mới nói được.
Có thể vì mục tiêu tuyên truyền, vì nhu cầu phải trở thành nổi tiếng (tôi không nói đến các bác sĩ tham gia mổ), vì nhiệm vụ chính trị… mà chúng ta phải làm cho ca mổ này trở thành một sự kiện ồn ào. Nhưng với các bác sĩ, hãy đừng vội mừng, hãy đừng để những hào quang của truyền thông làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho các cháu.
Một điều nữa, truyền thông đang ra sức ca ngợi vị giáo sư 79 tuổi tham gia 2 ca mổ tách dính, cách nhau 25 năm. Về mặt chính trị, đó có thể là thành công. Nhưng ngành y Việt nam nghĩ gì, khi phải để một cụ già 79 tuổi cầm dao mổ trong một ca mổ đặc biệt khó khăn? Giáo sư nghĩ gì về khả năng đào tạo lớp đàn em, học trò của mình, để đến khi mình 79 tuổi vẫn chưa có người thay thế?
Và, hệ thống đào tạo y khoa Việt nam sau năm 1975 nghĩ gì khi không thể đào tạo người thay thế cho vị giáo sư già, được đào tạo từ cái thời người ta còn chưa biết phải làm gì đối với các ca song sinh dính nhau?
Bác sĩ Võ Xuân Sơn
Từ khóa cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi song sinh dính liền nguyên tắc trong phòng phẫu thuật