Nỗi đau mang tên ‘công lý’ và lời tâm sự của anh công an cùng vị thẩm phán
- FB LS Lê Ngọc Luân
- •
Sau khi tôi đăng clip về buổi xin lỗi dành cho ông Hàn Đức Long (người bị kết án oan hơn 11 năm tù trong vụ án giết người và hiếp dâm bé gái 5 tuổi xảy ra ở Bắc Giang) đã có rất nhiều tin nhắn inbox muốn biết suy nghĩ của tôi thế nào, họ nói, nếu được thì hãy viết một bài.
Trong đó có một anh hiện đang làm công an và một người thẩm phán. Đây là hai người mà tôi dành sự tôn trọng và quý mến. Quá trình hành nghề, chúng tôi thường trao đổi, chia sẻ nghiệp vụ cho nhau (dù mỗi người mỗi lĩnh vực). Anh thẩm phán nói, khi thấy người nhà nạn nhân bức xúc ném dép vào ông Phó chánh án (dù không phải là người xử vụ đó) ông hổ thẹn và đau lòng, anh không trách những người dân kia mà anh luôn thấu hiểu nỗi đau mất con, đặt vào trường hợp ấy để san sẻ và yêu thương nhiều hơn.
Anh công an nói, cảm ơn luật sư đã đăng clip (dù báo chí đã đăng và đưa thông tin). Khi thấy hình ảnh, với tư cách là người công an, anh xem đó là bài đắt giá và không oán trách sự bức xúc của người dân vì đó là lỗi của mình. Bản thân tôi thấy lòng mình như thắt lại. Hung thủ giết cháu bé là một câu hỏi chưa có lời đáp. Còn ông Long, người bị oan sai cũng không được trọn vẹn để hưởng điều “nhỏ nhoi” cho ngần ấy thời gian trong nhà tù oan nghiệt.
Nghe hai anh chia sẻ, tôi nói, các anh cũng đừng quá nặng nề, ngành nghề nào cũng chịu những áp lực và sự trăn trở cả, luật sư cũng thế. Tôi biết, dù luật quy định “toà án độc lập khi xét xử, chỉ tuân theo pháp luật”. Người trong nghề thừa hiểu là thế nhưng có những trường hợp đành “bất lực”.
Tuy nhiên, không vì điều bất lực ấy mà có thể tạo ra oan sai bởi, không ai chấp nhận và hệ quả đau đớn chỉ người dân bất hạnh gánh lấy mà thôi. Luật sư chỉ là người cùng góp tiếng nói để tìm ra sự thật của vụ án nhưng một số cơ quan xem chúng tôi như “cái gai”, tại sao lại như vậy.
Tôi hứa sẽ dành tặng hai anh cuốn sách có tên: “Hành trình về Phương Đông“, khi đọc xong, tôi tin các anh sẽ có cảm nhận cuộc đời không chỉ có một kiếp hiện tại và tiền bạc danh lợi đôi khi chỉ là thứ phù du mà thôi.
Quay trở lại thắc mắc của một số anh/chị. Tôi thấy buồn và tôi tin, ông Phó Chánh án Toà Cấp cao tại Hà Nội cũng sẽ không giận (hay nói cách khác không được giận) vì những chiếc dép ném vào mình. Nếu ai nhìn vào hình ảnh ấy, đó sẽ là bài học cho nền tư pháp nước nhà. Con người ai cũng có sai lầm không thể tránh khỏi nhưng hãy cố gắng vì một điều gì đó đẹp hơn, dù là nhỏ nhoi.
Rất nhiều người thể hiện cảm xúc, bình luận trên facebook của tôi, nào là chửi bới, hả hê, buồn phiền, phẫn nộ, chia sẻ… Trong mọi trường hợp, cần đặt hoàn cảnh mình vào của người dân để hiểu vì sao họ lại thể hiện điều đó? Có lẽ, niềm tin vào công lý, lẽ công bằng và tình người trong xã hội đã chết.
Ai là người có lỗi? Bản thân tôi cho rằng chúng ta ít nhiều có trách nhiệm. Chính quyền “cố ý” hoặc không đưa ra được những quy định hợp lòng dân, người tốt có lúc im lặng, không nói lên tiếng nói trước sự bất công… Vì lẽ đó, chúng ta hãy cùng chung tay vì một xã hội tối đẹp và nhân ái hơn.
Charlie Chaplin nói: “Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của lòng nhân đức, và vì vậy, trong khía cạnh của cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn qua con mắt yêu thương“.
Xin cảm ơn tất cả mọi người.
(GOLD KEY Law Firm)
Xem thêm:
Từ khóa công lý phẫn nộ trách nhiệm án oan xin lỗi