Phong trào Giấy trắng đã cứu rỗi phẩm giá người Trung Quốc
- Trần Phá Không
- •
Ông Trần Phá Không là nhà báo, nhà bình luận chính trị, nhà văn, chuyên gia truyền hình và YouTuber người Mỹ gốc Hoa. Dưới đây là bài bình luận của ông về Phong trào Giấy trắng đang diễn ra sôi sục tại Trung Quốc Đại Lục trong thời gian gần đây.
Vào cuối tháng 11, một loạt cuộc biểu tình rầm rộ bất ngờ quét qua Trung Quốc. Người dân Trung Quốc cuối cùng cũng đứng lên và nói “KHÔNG” với các chính sách zero-COVID cực đoan và việc phong tỏa thành phố của ông Tập Cận Bình.
Từ thành phố Urumqi (Tân Cương) đến Thượng Hải, từ Thượng Hải đến Thành Đô, từ Quảng Châu đến Trịnh Châu, từ Vũ Hán đến Lan Châu, từ Thâm Quyến đến Bắc Kinh… hình thế như lửa bùng cháy thảo nguyên.
Các cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc không chỉ nhằm vào chính sách zero-COVID và đóng cửa thành phố cực đoan của ông Tập, mà còn chống lại chế độ chuyên quyền, độc tài, tái nhiệm và thụt lùi. Họ đã hô vang: “Tập Cận Bình từ chức! Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hạ đài!”, ngọn lửa giận dữ bùng lên trong cơn tức giận bị kìm nén từ lâu.
Mọi người xuống đường với những tờ giấy trắng trong tay, và cuộc đấu tranh của họ được gọi là Phong trào Giấy trắng hay Cách mạng Giấy trắng.
Một tờ giấy trắng vừa là lời chia buồn, vừa là lời tố cáo: Thương tiếc những người đã chết vì bị mắc kẹt trong đám cháy ở Urumqi, không được giải cứu bởi lệnh phong tỏa khắc nghiệt; và cáo buộc chính quyền Tập Cận Bình về những chính sách biến thái mang tính định hướng chính trị, coi mạng người như cỏ rác.
Đây là thời đại đen tối mà quyền tự do ngôn luận bị bóp nghẹt cực độ, và người dân thường bị kết tội vì lời nói của mình. Người ta chỉ có thể sử dụng giấy trắng để tránh mọi cáo buộc có thể xảy ra. Một tờ giấy trắng không nói bất cứ điều gì, nhưng lại nói lên tất cả, nói hết những gì muốn nói mà không thể viết ra. Một tờ giấy trắng kể hết mọi chuyện trong thiên hạ.
Đã bao lần, mọi người từng nghĩ rằng Trung Quốc đang lâm nạn, chỉ xứng đáng làm một nước “Tây Triều Tiên”, hoặc một “Trại súc vật” (Animal Farm – tiểu thuyết trào phúng chỉ trích nước Liên Xô thời Stalin của nhà văn Anh sinh tại Ấn Độ George Orwell). Đã bao lần, mọi người nghĩ rằng Trung Quốc đang lâm nạn, chỉ xứng đáng làm nô lệ và thái giám.
Nhưng, cuối cùng người Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời của riêng mình: “KHÔNG”! Có người muốn biến Trung Quốc thành Tây Triều Tiên hay Trại súc vật, nhưng người Trung Quốc không đồng ý! Một số người muốn người Trung Quốc mãi mãi là nô lệ và thái giám, nhưng người dân Trung Quốc không đồng ý!
Cách mạng Giấy trắng, sự phản kháng không sợ hãi của người dân Trung Quốc, đã thức tỉnh Trung Quốc và gây chấn động thế giới. Ở một mức độ đáng kể, cuộc cách mạng này đã khôi phục phẩm giá quốc gia và sự toàn vẹn quốc gia của người dân Trung Quốc, khiến thế giới phải ngưỡng mộ.
Nhân dân Trung Quốc đã đứng lên chiến đấu, chứng minh cho thế giới thấy: Trung Quốc không phải là Trung Quốc của Tập Cận Bình, của quân đội họ Tập, hay của ĐCSTQ. Trung Quốc là Trung Quốc của nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc của mỗi người Trung Quốc, mỗi người dân đều là chủ nhân của đất nước.
Trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, anh Bành Tái Chu, người được mệnh danh là anh hùng dũng cảm và cô độc, đã hô vang khẩu hiệu trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh.
Khẩu hiệu này hiện đã được chứng minh là đại diện cho nguyện vọng của hầu hết người dân Trung Quốc:
“Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm; không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách; không cần lãnh tụ, cần bầu cử; không làm nô lệ, làm công dân.” “Bãi khóa, bãi công, bãi chức quốc tặc Tập Cận Bình.”
Chỉ 1 tháng sau, từ Bành Tái Chu đến “anh trai Trùng Khánh”, từ nữ sinh Lý Khang Mộng của Học viện Truyền thông Nam Kinh đến cả một thế hệ sinh viên đại học, những người trẻ sinh sau năm 2000 từng được mệnh danh là “tiểu phấn hồng” (thanh niên yêu nước mù quáng), dẫu âm thầm hay hét lớn, đều tạo nên những tiếng vọng như vậy.
Đây là tiếng nói mạnh mẽ nhất của thời đại, và là dân ý chân thực nhất trong xã hội Trung Quốc: Chống lại chế độ độc tài độc đảng, và càng chống lại chế độ độc đảng chuyên chế chồng chất trong tay một kẻ độc tài.
Phong trào Giấy trắng, một cuộc cách mạng huy hoàng, đã chọc thủng huyền thoại quyền lực của Tập Cận Bình. Ông Tập tin rằng sau cuộc đảo chính lớn của Đại hội 20, ông ta đã đánh đuổi tất cả các phe phái chống Tập trong đảng, và lên ngôi hoàng đế mà không bị thách thức.
Cách mạng Giấy trắng cũng chọc thủng câu chuyện thần thoại của chế độ ĐCSTQ. Họ đã tẩy não người dân suốt một thời gian dài: người Trung Quốc chỉ xứng đáng với chế độ độc tài độc đảng; cũng như chọc thủng huyền thoại duy trì sự ổn định sau năm 1989.
ĐCSTQ tin rằng sau vụ thảm sát ngày 4/6, người dân Trung Quốc đã vô cùng sợ hãi, và sẽ không bao giờ dám thách thức quyền lực và sự chuyên chế của đảng này một lần nữa.
Nhưng cuộc Cách mạng Giấy trắng đã nổ ra bất ngờ như một trận cuồng phong. Người dân Trung Quốc đã đứng lên! Thanh niên Trung Quốc đã đứng lên, sinh viên đại học Trung Quốc đã đứng lên, du học sinh Trung Quốc đã đứng lên, và những người Trung Quốc sinh sau năm 2000 đã đứng lên!
Trong tương lai gần, họ sẽ trở thành chủ nhân thực sự của đất nước này. Rốt cuộc thì ông Tập Cận Bình, một người đã gần 70 tuổi, cũng không thể đấu lại những thế hệ sinh sau năm 2000 đang ở tuổi đôi mươi.
Cuộc Cách mạng Giấy trắng đã để lại những khải thị và dự đoán rằng: Thế hệ trẻ của Trung Quốc, sớm hay muộn, cũng sẽ trở thành những kẻ đào mồ chôn Tập Cận Bình, ĐCSTQ và chế độ độc đảng.
Từ khóa Người Trung Quốc Trần Phá Không biểu tình ở Trung Quốc Dòng sự kiện Phong trào Giấy trắng