Biểu ngữ chống ông Tập Cận Bình xuất hiện nhiều nơi ở Trung Quốc
- Bình Minh
- •
Sự kiện người đàn ông giăng biểu ngữ lớn phản đối ông Tập Cận Bình ở cầu Tứ Thông (quận Hải Điện, Bắc Kinh) diễn ra trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 của ĐCSTQ), đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mới ở Đại Lục.
Các khẩu hiệu và áp phích biểu tình tương tự như ở cầu Tứ Thông đã xuất hiện tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Ninh Ba, Chiết Giang và những nơi khác, thu hút sự chú ý và thảo luận của dư luận.
Ngày 13/10, một số biểu ngữ phản đối xuất hiện trên cầu Tứ Thông, đường vành đai 3, quận Hải Điện, Bắc Kinh. Một người đàn ông đã treo 2 biểu ngữ lớn.
Bên trái viết: “Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm; không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách; không cần lãnh tụ, cần bầu cử; không làm nô lệ, làm công dân.” Bên phải ghi: “Bãi khóa, bãi công, bãi chức quốc tặc Tập Cận Bình.”
Người đàn ông này còn dùng loa liên tục hô hào những câu khẩu hiệu như “Cần lương thực! Cần tự do! Cần bầu cử!”, đồng thời đốt khói đen tỏa dày đặc, nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người đi bộ và các phương tiện qua lại.
Đây là lần đầu tiên kể từ vụ thảm sát phong trào học sinh, sinh viên “ngày 4/6” năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, một biểu ngữ trực tiếp thách thức chế độ ĐCSTQ đã xuất hiện trên đường phố Bắc Kinh.
Internet lan truyền rằng tên trên Twitter của người đàn ông biểu tình này là Bành Tái Chu, tên thật là Bành Lập Phát, ông là đối tác của Công ty TNHH Công nghệ Mạng Điềm Qua Bắc Kinh.
2 ngày trước khi vụ việc xảy ra, ông Bành Tái Chu đã đăng một thông điệp trên Twitter, kêu gọi sinh viên bãi khóa, công nhân đình công, quân đội nổi dậy và tài xế bấm còi để bày tỏ sự phản đối trước Đại hội 20 của ĐCSTQ. Ông đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ, hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Sau sự kiện cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh, mặc dù toàn bộ mạng Internet ở Trung Quốc Đại Lục đã chặn tin tức, nhưng lại làm dấy lên làn sóng biểu tình mới tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Giang Tô, Hà Bắc, Ninh Ba, Chiết Giang và nhiều nơi khác, nhiều trường đại học cũng xuất hiện những biểu ngữ gây sốc.
一位江苏大学生在校园厕所的革命💪 pic.twitter.com/B3e2hfc5qS
— 華湧 (@HuaYong798) October 17, 2022
(Nội dung tweet: Cuộc cách mạng của sinh viên đại học Giang Tô tại nhà vệ sinh trong khuôn viên trường.)
Về vấn đề này, một số cư dân mạng bình luận: “Ở Quảng Đông cũng có một trường đại học tấm biển bị tháo dỡ, không có ảnh”; “Đi vệ sinh sau này cần phải qua kiểm tra an ninh, mua bút phải đăng ký chứng minh thư”; “Thoạt nhìn thì thấy buồn cười nhưng xem xong lại cười đau khổ”; “Nhà vệ sinh là nơi cuối cùng con người ở ngoài vòng pháp luật”; “Một số cư dân mạng còn nhắc nhở: ‘Hãy chú ý an toàn, đừng để lộ chữ viết tay, dấu vân tay! Tốt nhất nên in và đeo găng tay.”
Về cách phản đối mới không thể ngăn cản này của người dân Đại Lục, cư dân mạng “Trí Tri” nhận xét: “Đảng thích nói bậy không chớp mắt. Nhà vệ sinh công cộng đã trở thành tài sản riêng từ khi nào vậy? Việc viết nguệch ngoạc nơi công cộng là trái đạo đức sao?”
“Trước hết, chúng ta phải làm rõ khái niệm đạo đức nơi công cộng, nó chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh xã hội dân sự. ĐCSTQ coi thiên hạ là của riêng mình, phủ nhận xã hội dân sự, tùy ý định đoạt tài sản công và tư. Trong các trường hợp công khai của Trung Quốc, chỉ có bạo lực và phản kháng. Các người có quyền đăng thông tin tuyên truyền tẩy não, thì tôi cũng có quyền truyền bá tinh thần phản kháng.”
Một số người cũng đặt câu hỏi tại sao những khẩu hiệu này lại tập trung ở nhà vệ sinh. Về vấn đề này, China Digital Times đưa tin, một số cư dân mạng cho rằng: “Đây là một phương thức tham gia biểu tình ít rủi ro hơn. Nhà vệ sinh thường là điểm mù giám sát, và nguồn khẩu hiệu viết tay tương đối khó điều tra.”
Tuy nhiên, một số người chỉ trích kiểu “cách mạng” này không phải là một động thái dũng cảm thực sự, nhưng quan điểm này đã bị bác bỏ chung. Những người phản đối tin rằng sự phản kháng có mức độ rủi ro thấp và ngưỡng thấp, có thể dễ dàng cho phép nhiều người bình thường hơn tham gia, thực hiện bước đầu tiên của hành động. Nếu nhiều người tham gia hơn cũng sẽ làm tăng chi phí duy trì sự ổn định của ĐCSTQ.
Sự phát triển nhanh chóng của phương thức biểu tình mới này ở Đại Lục, đặc biệt là xuất hiện tại các trường đại học ở nhiều nơi, đã khiến các nhà chức trách vô cùng lo lắng.
Theo Moment News, các khẩu hiệu và áp phích phản đối đã xuất hiện trong các nhà vệ sinh trên khắp Trung Quốc. Để ngăn chặn “cuộc cách mạng” này, và ngăn không cho mọi người dán các áp phích phản đối có liên quan đến cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh, trên Internet thông báo Đại học Thanh Hoa đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ các xưởng in.
Văn phòng An ninh của Đại học Thanh Hoa, Chi nhánh Hải Điện của Sở Công an Thành phố Bắc Kinh và Cục An ninh Nội bộ đã ban hành một “thông báo”, yêu cầu tất cả các cửa hàng photocopy phải thực hiện ngay lập tức hệ thống giám sát và đăng ký khách hàng, yêu cầu các chủ cửa hàng gánh vác trách nhiệm chính, “để đảm bảo rằng mọi bản in và photo phải được nhân viên của cửa hàng xem xét.”
Sự kiện này rõ ràng nhắm vào Đại hội 20 ĐCSTQ, đây là đại hội rất quan trọng đối với lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình. Dư luận phổ biến cho rằng ông Tập sẽ phá bỏ quy tắc của ĐCSTQ tại đại hội này để bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 3 với tư cách là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.
Trong 2 năm qua, do ĐCSTQ phong tỏa cực đoan theo chính sách “Zero-COVID”, cuộc suy thoái kinh tế do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ gây ra càng trở nên tồi tệ hơn. Một lượng lớn các công ty đã đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, và người dân đang phải vật lộn để tồn tại. Nhưng ĐCSTQ vẫn phớt lờ những điều này, và tiếp tục lừa dối người dân bằng những lời dối trá.
Nội dung biểu ngữ của ông Bành Tái Chu nhắm thẳng vào ông Tập Cận Bình chứ không phải chính quyền ĐCSTQ, cho thấy động lực đằng sau rất có thể là thế lực chống Tập ở Bắc Kinh.
Lực lượng chống Tập đã đưa ra những tin tức giật gân trước thềm Đại hội 20. Điều này cho thấy sau Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19, cuộc đấu tranh nội bộ trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ vẫn rất khốc liệt.
Từ khóa cầu Tứ Thông Đại hội 20 của ĐCSTQ phản đối tập cận bình