Quyền được tôn trọng dù học “dốt”
- FB MAI PHẠM
- •
Trong xã hội Việt Nam, xưa nay đi học thường chỉ có người học giỏi được khen ngợi, vinh danh. Học sinh nào không may học kem kém một chút thường hay bị thầy cô, cha mẹ chê trách khiến nhiều em có thể trở nên bi quan, tự ti, cho rằng mình là kẻ bất tài, vô dụng ngay từ bé.
Ở đây tôi xin không nói đến số học sinh “cố tình” học kém – nghĩa là những người có khả năng học tốt nhưng vì nhiều lý do mà không cố gắng hết sức để học giỏi (ví dụ dành thời gian đi chơi nhiều hơn đi học). Chỉ xin đề cập đến những học sinh thật sự không có khả năng học tập dù các em đã có cố gắng hết sức.
Những học sinh học kém này có thật sự vô dụng?
Xin khẳng định là hoàn toàn không. Vì nếu như các học sinh giỏi ra đời làm bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, thì các học sinh không có khả năng học tốt (để có thể học lên đến đại học) có thể làm công nhân, nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm nuôi sống một xã hội, hay trở thành những người lính, y tá, bảo vệ, lao công góp phần làm cho xã hội an toàn hơn, lành mạnh hơn.
Hãy thử tưởng tượng một tuần không có người quét rác, liệu chúng ta có thể sống nổi giữa những đống rác khổng lồ hôi thối khắp nơi trong thành phố. Hay số người làm nông dân, công nhân bỗng dưng chỉ còn vài trăm người trên khắp cả nước vì hầu như ai cũng đã học rất giỏi và trở thành bác sĩ, kỹ sư hết cả rồi. Cả xã hội sẽ lấy gì mà ăn, mà sử dụng cho cuộc sống hàng ngày.
Tạo hóa rất tài tình, đã tạo ra những khả năng đa dạng cho những con người khác nhau để họ cùng nhau tạo nên một xã hội cân bằng. Có người lao động trí óc thì cũng cần rất nhiều người lao động chân tay để xã hội có thể tồn tại và phát triển. Và Giáo Dục Cần Phải Chuẩn Bị Năng Lực Cũng Như Tâm Thế Sẵn Sàng Lao Động Cho Bất Kỳ Người Lao Động Nào, cả người làm việc trí óc lẫn người làm việc chân tay, để đời sống xã hội có thể vận hành trơn tru, hoàn hảo.
Việc một xã hội thừa thầy, thiếu thợ như tình trạng chúng ta đang thấy hiện nay, có lẽ cũng xuất phát từ quan niệm lâu nay trong nhà trường, gia đình và xã hội chỉ vinh danh những người học giỏi và phần nào đó coi những người học kém là vô dụng. Cần phải nhanh chóng thay đổi điều này nếu muốn xã hội chúng ta phát triển cân bằng và lành mạnh. Đã đến lúc, người học kém cũng cần phải được tôn trọng, vì khi ra đời họ cũng sẽ có vai trò quan trọng trong xã hội không kém người học giỏi, như những ví dụ ở trên đã cho thấy.
Hy vọng rằng, các cha mẹ và thầy cô, thay vì trách móc, chê bai các em học dốt, học kém là bất tài, vô dụng, sẽ nói với con em mình, học sinh mình, những đứa trẻ không may học kém: “Các con hãy tin ở chính mình. Các bạn học giỏi làm việc bằng trí óc, trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo. Các con học không giỏi, dù đã cố gắng hết sức, thì với sức khỏe, đôi chân cứng cáp, đôi tay khéo léo và sự cần cù, chăm chỉ, các con có thể trở thành những công nhân giỏi, nông dân giỏi, thợ may giỏi, y tá giỏi, v.v … và làm ra sản phẩm nuôi sống, chăm sóc và làm đẹp cho con người.”
Nếu các thầy cô và cha mẹ có thể động viên và chuẩn bị sự tự tin và tinh thần sẵn sàng lao động cho con em và học sinh của mình, cả những cháu học giỏi và những cháu học kém như vậy, tôi tin rằng chúng ta có thể hy vọng vào một xã hội tương lai cân bằng hơn. Một xã hội với tất cả các công dân đều sẵn sàng lao động và tự hào vì sự lao động trung thực, chân chính của mình nhất định sẽ là một xã hội no ấm.
Từ khóa Giáo dục tôn trọng Giáo dục con nghề nghiệp Đổi mới giáo dục