Sơn Trà
- Phạm Trung Tuyến
- •
Sơn Trà được nhắc đến sớm nhất là ngày 1/9/1858, khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên trong cuộc xâm lược Việt Nam. Khu vực này sau đó được biết đến nhiều trong vai trò là một vị trí quân sự, và khu nghỉ ngơi Đông Dương. Sơn Trà chỉ được nhắc đến cùng với câu chuyện bảo tồn thiên nhiên khi đã trở thành một quận Nội thành của thành phố Đà Nẵng, đã trở thành một quần thể du lịch sầm uất nhất Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, Sơn Trà đang được quy hoạch thành Khu du lịch quốc gia. Điều đó khiến bán đảo này trở thành một điểm nóng trong cuộc tranh luận về bảo tồn hay phát triển . Nhiều người lo ngại nếu quy hoạch này được thực hiện, số phận những con voọc còn sót lại ở đây sẽ gặp rủi ro. Song,, với Quy hoạch chỉ cho phép tối đa 1600 phòng nghỉ được xây dựng, trong khi thành phố đã cấp phép cho xây dựng hơn 5000 phòng thì đối tượng bị rủi ro nhiều nhất không phải là voọc, mà là những doanh nghiệp đã được cấp phép xây dựng ngoài quy hoạch. Voọc thì không biết nói, nhưng các đối tượng bị ảnh hưởng khác thì có.
Anh Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng, và cũng là TGĐ Furama, khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên ở Đà Nẵng, bảo: Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà. – Đó là một tuyên bố không thể đanh thép hơn. Song, điều quan trọng là giữ Sơn Trà như thế nào?
Nếu như không chọn bao nhiêu phòng, như tuyên bố của anh Vinh, điều đó có nghĩa Sơn Trà phải là một khu bảo tồn thiên nhiên, và tuyệt đối không có bất cứ dự án du lịch nào. Nhưng điều đó chỉ có thể khả thi nếu năm 1858, Hoàng đế Nã Phá Luân III của Đại Pháp ra lệnh cho Đô đốc Charles Rigault de Genouilly nổ súng vào Sơn Trà, kèm theo một thông điệp là với mục đích biến nơi đây thành Khu bảo tồn thiên nhiên thế giới. Tất nhiên, điều đó là không thể, bởi Nã Phá Luân không biết con Voọc là con gì.
Bảo tồn và phát triển, đó là một mâu thuẫn luôn xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Thực tế, trong suốt lịch sử được biết đến của Sơn Trà thì phát triển luôn là lựa chọn thay cho bảo tồn. Tất nhiên, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì nhu cầu bảo tồn sẽ trở nên cấp thiết hơn. Ví dụ như hiện nay, khi mà Sơn Trà trên thực tế đã trở thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, và hạ tầng du lịch, giao thông đã được xây dựng, và khai thác trên toàn bán đảo.
Không thể biến một quận nội thành của một thành phố thành một khu bảo tồn thiên nhiên. Điều duy nhất có thể làm đối với Sơn Trà hiện nay là bảo tồn nguyên trạng những gì còn lại. Tức là chỉ cho phép duy trì những khu vực đã xây dựng, khai thác. Những khu vực đã cấp phép, nhưng chưa hoàn thiện, khai thác thì chính quyền phải dùng ngân sách để đền bù, thu hồi. Nếu ngân sách thiếu, có thể huy động từ các tổ chức xã hội, các chủ doanh nghiệp có tâm với môi trường, những cá nhân yêu voọc… Nhưng như thế, nghĩa là cần xác định rõ các khu vực có thể thu hồi khi chưa kịp xây dựng, hoàn thiện và khai thác, tức là số phòng cụ thể, chứ không thể là “chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà.”
Khi phát biểu: “Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà“, anh Huỳnh Tấn Vinh có nghĩ đến những cổ đông của Furama Sơn Trà mà anh hiện làm tổng giám đốc không nhỉ? Hơn nữa, tôi cho rằng đó là một thông điệp có tính chất đánh đố, và không có tinh thần xây dựng!
Facebook nhà báo Phạm Trung Tuyến
Xem thêm:
Từ khóa Khu bảo tồn thiên nhiên Đà Nẵng bán đảo Sơn Trà