Tác hại của một nền giáo dục vì thành tích
- Huỳnh Chí Viễn
- •
“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.” (Nelson Mandela)
Từ ngày vụ nâng điểm ở Hà Giang bị phanh phui, rất nhiều người bạn của tôi trên facebook đã share câu nói này như một lời cảnh báo về giáo dục nước nhà. Tôi không biết bao nhiêu phụ huynh hay bao nhiêu giáo viên đã đọc và chiêm nghiệm về câu nói này vì hơn bao giờ hết, nó này đang nói lên thực trạng và tương lai của Việt Nam. Nếu những người làm công tác giáo dục và phụ huynh không lên tiếng mà vẫn cứ dửng dưng thờ ơ coi chất lượng giáo dục thấp cùng những gian lận trong giáo dục là chuyện thường ngày ở huyện thì nạn nhân không ai khác hơn chính là con cháu của chúng ta.
Trong những câu chuyện hàng ngày của những phụ huynh “quan tâm” tới việc học của con cái, tôi vẫn nghe những chủ đề quen thuộc như chạy cho con vào học trường điểm, cho con luyện thi với thầy này cô kia để đảm bảo thi đậu, học thêm Toán Lý Hóa và Anh văn hay lo cho con đi du học nước ngoài đối với những gia đình có điều kiện nhưng tuyệt nhiên không ai đả động gì tới việc làm thế nào để chống lại những tiêu cực về giáo dục để cho con cháu mình được hưởng một nền giáo dục tốt hơn xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Ở các nước tiến bộ nơi mà giáo dục phổ thông là bắt buộc và hoàn toàn miễn phí suốt từ mẫu giáo lên đến lớp 12, phụ huynh vẫn phản đối ầm ầm nếu Bộ giáo dục đưa ra những cải cách không hợp lý hoặc có dấu hiệu gian lận. Còn ở ta, phụ huynh học sinh vẫn è cổ cày kiếm tiền để đóng tiền cho con ngày một nhiều hơn nhưng chưa ai dám mở miệng hó hé về những nghịch lý trong giáo dục mà chính họ và con họ là những nạn nhân.
Nghịch lý này tồn tại được là do đâu? Nếu cần phải truy nguyên ngọn ngành thì nó bắt nguồn từ cách nhìn sai lạc về mục đích giáo dục. Thử hỏi 100 người Việt về mục đích của việc học là gì thì tôi dám bảo đảm trên 90 người sẽ trả lời rằng để kiếm được thật nhiều tiền và có địa vị cao trong xã hội. Nếu đọc tới đây mà bạn vẫn tự hỏi điều này có gì là sai thì bạn cũng nằm trong đa số đó. Một nền giáo dục thực sự tốt không nhắm tới mục tiêu kiếm được nhiều tiền hay quyền lực mà nó sẽ giúp con người đạt được những mục tiêu sau đây:
1. Xây dựng một lối sống văn minh, nhân bản và hướng thiện.
2. Cống hiến cho lợi ích chung của cộng đồng để từ đó nhận được thù lao (tiền bạc, địa vị) tương xứng.
3. Có được một đời sống tinh thần phong phú, biết cảm thụ và trân trọng những giá trị phi vật chất (âm nhạc, hội họa, văn chương, kịch nghệ…)
4. Có một đời sống tâm linh lành mạnh cho dù có hoặc không có tôn giáo.
5. Có khả năng phản biện và tư duy logic cao trong suy luận.
6. Có sự say mê trong học tập và rèn luyện được thói quen tự học.
Những mục tiêu nói trên đối với một xã hội thực dụng và tôn sùng hưởng thụ vật chất nói cho cùng không có một chút hấp dẫn nào cả trong khi học tập và rèn luyện là một quá trình đầy gian khổ và cực nhọc. Tầm nhìn hạn hẹp và ấu trĩ sẽ thấy những mục tiêu trên rất mơ hồ và vô ích. Cũng như khi bạn nói với một đứa trẻ mẫu giáo hay tiểu học rằng con cố gắng học giỏi để trở thành người có ích cho đời, bạn sẽ không thuyết phục được nó bằng cách nói rằng nếu con học giỏi con sẽ được thưởng món đồ chơi yêu thích hoặc được ăn gà rán KFC. Dĩ nhiên đứa trẻ sẽ chọn việc học giỏi để đánh đổi lấy những phần thưởng trước mắt hấp dẫn đối với nó hơn là những khái niệm trừu tượng xa vời. Một nền giáo dục thực dụng cũng sẽ hướng người học tới những động lực ngắn hạn như thế. Ở mức thấp nhất, động lực đó là điểm số, là các loại danh hiệu, là bằng cấp. Ở mức cao hơn động lực đó là chức vụ, địa vị, và cơ hội để có thật nhiều tiền. Đây là những động lực đánh thẳng vào dục vọng bậc thấp của con người vì nó rất cụ thể, dễ hình dung và dễ đạt được, thỏa mãn cái tôi cá nhân hoặc của một tập thể nhỏ (gia đình, dòng họ, làng xã…) vì chúng có thể mang đi khoe được và đáng sợ hơn nữa là những giá trị này có thể đạt được bằng mánh khóe hoặc tiền bạc nếu thực lực không cho phép.
Vì sao một nền giáo dục vì điểm số và bằng cấp lại phá hủy những giá trị giáo dục cần thiết?
Đã từ lâu, điểm số và bằng cấp được sử dụng như thước đo năng lực của học sinh và điều này được áp dụng đối với hầu hết các nền giáo dục trên thế giới. Và dĩ nhiên ở mỗi cuối cấp, học sinh đều phải trải qua kì thi tốt nghiệp và nhận được bằng tốt nghiệp nếu qua được kì thi này. Tuy nhiên, những nền giáo dục tiến bộ chỉ xem điểm số hoặc bằng cấp như là những cột mốc cây số trên suốt chặng đường dài học tập. Nền giáo dục không quá coi trọng điểm số khiến người học quan tâm hơn đến nội dung học được cũng như khi lái xe trên đường cao tốc, nếu bạn không chỉ chăm chăm theo dõi những cột mốc cây số bên đường, bạn sẽ có những trải nghiệm và học hỏi thú vị hơn trong chuyến đi. Nhưng một nền giáo dục coi điểm số và bằng cấp là mục tiêu thì đó là một sai lầm vô cùng to lớn vì người học sẽ đánh đổi những trải nghiệm thiết thực mà chỉ tập trung vào việc đếm mình đã vượt qua bao nhiêu cột mốc cây số. Và dĩ nhiên, đứng chụp hình bên một cột mốc cây số hoặc một cổng chào của một thành phố để khoe với mọi người rằng tôi đã đến đó dễ hơn và hiệu quả hơn là kể lại những điều mình đã trải qua trong suốt cuộc hành trình. Việc khoe điểm số và bằng cấp cũng dễ hơn là thể hiện cho người ta biết những kiến thức mình đã học.
Trong cuộc sống thực dụng và tôn sùng vật chất, những thứ đáng khoe và được người ta trầm trồ khen ngợi là tiền là biệt thự, là xe hơi, là chức quyền chứ không phải là ý thức sống văn minh hay là lương tâm của con người. Giữa việc phải làm việc đàng hoàng nghiêm túc và cống hiến lâu dài mang lại lợi ích cho xã hội rồi từ đó mới được hưởng thù lao và việc tìm cách giành giật những lợi lộc cho mình mà mặc kệ cộng đồng, mặc kệ xã hội, dĩ nhiên điều thứ hai sẽ dễ làm hơn và nhanh giàu có nổi tiếng hơn. Để cảm thụ được nghệ thuật chân chính như âm nhạc, hội họa, văn học, con người phải được đào tạo bài bản về cả kiến thức lẫn tâm hồn. Nhưng để giải trí qua loa bằng hài nhảm, nhạc nhảm, phim thị trường thì chỉ cần đánh vào những tình cảm cơ bản hỉ nộ ái ố qua loa là đủ. Đối với tâm linh cũng vậy, đi chùa lễ phật cầu tài cầu lộc cho dù có phải giẫm đạp lên nhau để tranh giành vẫn dễ hơn là chiêm nghiệm về những giá trị và đức tin tôn giáo. Biết phản biện và dám phản biện chẳng những đòi hỏi trí tuệ mà còn đòi hỏi cả dũng khí và sự hy sinh những quyền lợi vật chất trước mắt. Còn nếu nhắm mắt gật đầu cho qua để bảo vệ lợi lộc thì dễ quá, cần gì phải suy nghĩ nhiều cho mệt đầu hoặc bức xúc cho thêm nặng nề? Và cuối cùng nếu đã đạt được bằng cấp cần thiết để kiếm được tiền bạc chức quyền rồi thì tại sao phải tiếp tục học chi cho mệt? Học đã cực khổ mà không mang lại thêm lợi lộc vật chất gì thì chấm dứt sau khi lấy bằng là vừa, kiến thức có giữ lại được hay có sử dụng được hay không đâu quan trọng bằng việc đã có tiền có của có địa vị.
Nền giáo dục tôn sùng điểm số và thành tích sẽ cho bạn đúng những thứ mình muốn nếu bạn học vì tiền tài địa vị. Bạn sẽ được dạy cách ganh đua cạnh tranh quyết liệt để đạt được phần thắng nhưng không bao giờ được dạy cách giúp đỡ người khác. Nếu có hợp tác thì cũng chỉ vì lợi dụng lẫn nhau rồi cuối cùng sẽ loại trừ nhau vì chẳng ai đủ tin ai để hợp tác thật sự. Khi mạnh ai nấy tranh giành để làm lợi cho bản thân, họ sẽ không từ thủ đoạn để hại người khác và mặc kệ lợi ích chung, cái gì phá được thì phá, cái gì bán được thì bán miễn sao đổi ra tiền còn sau này thì mặc kệ, tôi đâu có sống tới 100 năm sau đâu mà lo. Phá cạn nơi này thì ta bỏ đi nơi khác, dễ mà. Nghệ thuật mà nhức đầu khó hiểu quá đòi hỏi cảm thụ chiêm nghiệm nọ kia thì thôi vứt hết, mở hài nhảm xem, mở nhạc nhảm nghe để giải trí cười cợt tí cho vui rồi lăn ra ngủ. Xét cho cùng thì tâm hồn bạn có đẹp cũng chẳng đem khoe được, xe đẹp nhà đẹp khoe người ta mới nể chứ? Thần Phật hay Chúa trời nếu không đáp ứng được lời cầu nguyện xin được giàu sang phú quý may mắn phúc thọ thì cũng chẳng cần thiết còn quỷ sứ ma vương mà làm được điều đó thì cũng sẵn sàng xây chùa xây đền để thờ. Dạy cho học sinh biết cách suy nghĩ phản biện đòi hỏi giáo viên cũng phải có tư duy cao và đầu tư nhiều công sức nghiên cứu học tập. Chi bằng cứ bắt học sinh học thuộc lòng rồi trả bài như con vẹt, vừa dễ chấm điểm, vừa đỡ mất công phân tích suy luận của chúng vừa đỡ phải tự ái khi lỡ có đứa học sinh nào phản biện giỏi hơn mình. Và nếu tập cho học sinh thói quen tự học, lỡ bọn nó không thèm đi học thêm nữa thì giáo viên chết đói à? Phải bắt chúng dựa dẫm vào mình mới có thể kiếm ăn được.
Tóm lại một nền giáo dục như thế sẽ lấy đi của một đất nước những gì gọi là nguyên khí quốc gia bao gồm tri thức, lương tri và lòng tự tôn của con người, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nghệ thuật. Những người được mệnh danh là trí thức có học có bằng cấp chỉ học đủ để làm tôi mọi cho người khác đổi lấy nhu cầu vật chất nhưng không thể sáng tạo hay tự lực tự cường làm chủ người khác. Và lúc đó, một đất nước dẫu có tồn tại trên bản đồ thì cũng là là tồn tại trên danh nghĩa mà thôi.
Theo Facebook Giáo viên, tác giả Huỳnh Chí Viễn
Xem thêm:
Từ khóa gian lận thi cử Người trí thức nguyên khí quốc gia mục đích giáo dục