Tự cứu mình như thế nào
- Võ Xuân Sơn
- •
Tôi nhận được bài báo viết về vụ người nhà tấn công bác sĩ khi đang cấp cứu tại hiện trường ở Thái Bình ngay sau khi báo đăng.
Tôi đã đọc bài báo ngay lúc đó. Cảm giác tức giận xâm chiếm tôi. Tôi đã không viết gì cho đến chiều tối, khi cơn giận lắng xuống bớt. Ngay cả khi viết xong, tôi cũng không đưa lên trang Chống Bạo hành y tế, để tránh cho trang bị ảnh hưởng bởi những kẻ không thích nghe “trung ngôn nghịch nhĩ”. Cả ngày nay, sự việc ở Thái Bình cứ ám ảnh tôi mãi.
Thái Bình là nơi mà bác sĩ Giàu đã bị đâm chết. Sau cái chết của bác sĩ Giàu, phong trào tấn công nhân viên y tế phát triển mạnh. Từ hôm qua đến giờ, tôi thèm được là người Mỹ. Ở Mỹ, có lẽ tôi và các đồng nghiệp sẽ được coi là người. Chứ không như ở đây, chúng tôi được coi là nô lệ. Họ đòi hỏi chúng tôi phải cống hiến, phục vụ, còn họ cứ thoải mái chửi mắng, mạt sát, nhục mạ, đánh, đấm, đâm, chém…
Sở dĩ tôi mong ước được là người Mỹ, bởi vì, sau khi bác sĩ Michael Davidson, bác sĩ phẫu thuật tim của bệnh viện Brigham and Women’s bị một thân nhân bệnh nhân bắn chết ngày 22/01/2015, cả hệ thống luật pháp của Mỹ đã hành động và chỉ vài tháng sau, những điều luật mới ra đời, những điều luật cũ được sửa đổi, các hướng dẫn để bảo vệ nhân viên y tế đã bị bắt buộc phải thực hiện ở nhiều bang.
Nếu là người Mỹ, cái chết của bác sĩ Giàu sẽ trở nên có ý nghĩa, như một lời cảnh báo cho hệ thống chính trị của nước Mỹ, rằng nếu họ không bảo vệ được công dân, đặc biệt là những công dân đang làm việc trong hệ thống an sinh xã hội, thì xã hội sẽ rối loạn.
Nhưng ở Việt Nam, cái chết của bác sĩ Giàu đã trở nên vô nghĩa. Bởi vì suy cho cùng, hệ thống an sinh xã hội của đất nước này có rối loạn thì những kẻ lẽ ra phải có trách nhiệm sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì cả. Chúng sẽ hưởng an sinh xã hội của các nước khác, hoặc những đồng tiền mà chúng bòn rút của người dân sẽ an sinh cho chúng.
Chính vì quyền lợi của những kẻ lẽ ra phải có trách nhiệm với sự an nguy của người dân, với sự an nguy của nhân viên y tế, với hệ thống an sinh xã hội, không gắn với quyền lợi của người dân, của xã hội này, nên họ chỉ quan tâm đến việc duy trì quyền lực, vì quyền lợi của họ gắn liền với khả năng duy trì quyền lực. Còn ai sống chết thế nào không ảnh hưởng đến họ, họ không cần quan tâm.
Nhiều bạn đưa ý kiến, nếu bị đánh thì cứ bỏ đó, không cấp cứu nữa. Đứng trên góc độ tự bảo vệ mình, và để tránh những sai sót chuyên môn, đây là cách xử sự đúng. Nhưng như vậy thì những kẻ điên loạn kia sẽ ra sao? Chúng sẽ giết các bạn. Chúng ta, những thầy thuốc, muốn duy trì mạng sống của mình thì cứ phải để cho họ đánh, và vừa chịu đòn, vừa cấp cứu cho người bệnh.
Chúng ta có thể đình công, chúng ta có thể biểu tình, nếu chúng ta không sợ bị dìm trong biển máu. Chúng ta có thể đánh lại, thậm chí có thể giết chết những kẻ đe dọa tính mạng của chúng ta. Chúng ta cũng có thể từ chối chữa bệnh… Nhưng tất cả những biện pháp ấy đều là tiêu cực. Cách duy nhất tích cực là hệ thống bảo vệ xã hội này phải có biện pháp ngăn chặn bạo lực, trước tiên là bạo lực nhắm vào nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế đang làm việc.
Nhưng, trên thực tế, chẳng ai trong cái hệ thống ấy bênh vực chúng ta cả. Chúng xách ghế đuổi theo chúng ta, chúng đánh chúng ta, chúng tát chúng ta, nhưng rồi chúng chẳng bị gì cả. Cùng lắm là phạt hành chính. Chúng là ai? Chúng chính là bọn lưu manh, bọn trọc phú, là quan chức, là chủ tịch phường… Cả hệ thống chính trị luôn nhặng xị lên với một vài phát biểu thì lại im thin thít khi chúng ta bị hành hung, bị nhục mạ.
Nói cho ngay cũng có quan chức quan tâm đến chúng ta. Bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là quan chức cấp cao duy nhất quan tâm đến bạo hành y tế. Cho dù mối quan tâm của bà còn lâu mới đủ độ cần thiết, nhưng bà đã là người quá dũng cảm trong cái hệ thống chính trị nặng về duy trì quyền lực này. Nhiều bạn trách bà, nhưng tôi thấy bà rất đơn độc trong chuyện này. Ngoài một số nhân viên cấp dưới ủng hộ bà, không mấy ai trong hệ thống quyền lực muốn bà thể hiện điều đó.
Chúng ta phải tự cứu lấy chúng ta. Nhưng cứu cách nào cũng không xong. Biện pháp tích cực duy nhất thì có vẻ như vô vọng.
Những người nắm quyền có thể vô trách nhiệm với xã hội này, nhưng chúng ta thì không thể. Khác với họ, chúng ta sống ở đây, con cái chúng ta sống ở đây, tương lai của chúng ta, của con cháu chúng ta, của đất nước ta, của dân tộc ta là ở đây.
Chúng ta phải làm cho cái hệ thống chính trị kia hiểu rằng, nếu họ không quan tâm đến an nguy của người dân, nếu họ không quan tâm đến sự ổn định của xã hội, nếu họ cứ nhất định biến chúng ta thành nô lệ, thì trước sau gì họ cũng sẽ không thể duy trì được quyền lực.
Những cố gắng chống bạo hành y tế của tôi trong mấy năm qua đã thất bại. Tôi mong rằng “trung ngôn” này sẽ được nghe thấy. Còn nếu vì “trung ngôn” này mà tôi bị xử lý, thì mong rằng các bạn sẽ không để nó vô nghĩa như cái chết của bác sĩ Giàu.
Theo facebook Bác sĩ Võ Xuân Sơn
Xem thêm:
Từ khóa bác sĩ hành hung bác sĩ Côn đồ hành hung bác sĩ Bác sĩ bị hành hung ở Bệnh viện