Với quyết tâm ngăn chặn việc tái phong toả khi làn sóng virus corona mới tấn công Việt Nam từ hồi cuối tháng 7, các nhà chức trách nước này đã bắt tay hành động. Chính quyền đã kêu gọi công chúng tải xuống Bluezone, ứng dụng ‘theo dõi tiếp xúc’ được thiết kế để phát hiện sự lây lan tiềm tàng của COVID-19.

Bluezone
Ứng dụng Bluezone (Ảnh: Bluezone)

Ra mắt vào giữa tháng 4, Bluezone nằm trong số hàng chục ứng dụng ‘theo dõi tiếp xúc’ được xây dựng trên toàn cầu để thông báo cho công chúng về bất kỳ sự cố phơi nhiễm tiềm năng nào.

Sau khi tải xuống, nhờ công nghệ GPS hoặc Bluetooth, các ứng dụng này có thể truy cập thông tin cá nhân của người dùng cũng như vị trí và những người họ đã liên hệ. Lịch sử liên lạc như vậy sẽ được chia sẻ với các cơ quan chức năng nhằm để làm dữ liệu.

Việc phát triển các ứng dụng dạng này đang diễn ra trong bối cảnh vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi giữa sự hữu dụng của ứng dụng và sự tin tưởng của công chúng. 

Bluezone Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Nó được ra mắt vào thời điểm mà Việt Nam gần như đã thành công trong việc đánh bại đợt đại dịch thứ hai, có nghĩa là ứng dụng này không có cơ hội để chứng tỏ hiệu quả hay các ưu điểm của mình.

Nhưng gần như ngay sau khi làn sóng mới nhất xuất hiện ở Việt Nam, các nhà chức trách, bao gồm cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã không khó khăn gì khi kêu gọi công chúng tải xuống ứng dụng.

Mục tiêu rất tham vọng: 50 triệu người dùng hoạt động (active users) trong tổng số 97 triệu dân.

Lời kêu gọi của chính phủ đã được công chúng đón nhận một cách hào hứng khác thường. Theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng dành cho thiết bị di động Sensor Tower, cho đến giữa tháng 7, tỷ lệ chấp nhận ứng dụng của Việt Nam ở mức rất thấp với chỉ khoảng 0,4% dân số, nghĩa là khoảng 390.000 người đã tải xuống. Nhưng kể từ khi làn sóng mới nhất xuất hiện vào cuối tháng đó, ứng dụng đã được tải xuống hơn 20 triệu lần, dựa trên số liệu chính thức của chính phủ.

Đánh giá của Straits Interactive (một công ty tư vấn bảo vệ dữ liệu có trụ sở tại Singapore) về các ứng dụng ‘theo dõi tiếp xúc’ ở 6 quốc gia Đông Nam Á đã xếp hạng Việt Nam dưới Singapore về tiêu chí ‘quyền riêng tư liên lạc.’ Tuy vậy, Việt Nam có điểm tổng thể cùng hạng với Thái Lan và Philippines, và ở trên Malaysia và Indonesia.

Tuy vậy, một thiếu sót lớn ở Bluezone là nó “không có thông báo hoặc tuyên bố cụ thể về quyền riêng tư”, đánh giá lưu ý.

Trên quy mô toàn cầu, bộ công cụ theo dõi dấu vết của MIT Technology Review đã thu thập dữ liệu về gần 50 ứng dụng như vậy, xếp hạng chúng trên 5 chỉ số chính và chỉ định một ngôi sao cho mỗi tiêu chí.

Bluezone đã nhận được hai sao, với việc những người đánh giá gắn cờ ứng dụng vì ‘không hạn chế việc sử dụng dữ liệu mà nó thu thập’ và ‘không nói rằng liệu dữ liệu có bị hủy sau này hay không.’

Có lẽ câu hỏi hóc búa nhất đối với ứng dụng Việt Nam nằm ở việc các nhà chức trách đã liên tục đặt ra yêu cầu về việc sử dụng ứng dụng này để tiếp cận 60% dân số nhằm chống lại đại dịch, một ngưỡng dựa trên nghiên cứu phát hành vào tháng Tư của Oxford.

Nhưng chính các tác giả của nghiên cứu Oxford đã nói vào tháng 6 rằng phát hiện của họ đã bị hiểu sai sâu sắc và rằng “mức độ chấp nhận ứng dụng thấp hơn nhiều vẫn có thể cực kỳ quan trọng để đối phó với COVID-19”.

Ví dụ điển hình: mặc dù ứng dụng của Iceland – một trong những ứng dụng thành công nhất trên thế giới, đã ghi nhận tỷ lệ chấp nhận khoảng 40%, nó vẫn không phải là một ‘viên đạn bạc’ và không thể thay thế việc theo dõi liên hệ theo cách thủ công.

Điều này đã đặt ra một số câu hỏi: tại sao chính phủ Việt Nam một mặt tiếp tục ca ngợi về lợi ích của ứng dụng ‘theo dõi tiếp xúc’ của mình, nhưng mặt khác lại lấp liếm những dữ liệu quan trọng đối với sự hiểu biết và thảo luận của công chúng về nó? Tại sao các nhà chức trách lại cần một lượng lớn dữ liệu thông tin cá nhân như vậy mà không rõ họ sẽ làm gì với chúng?

Như các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, nhiều chính phủ trên thế giới có thể tìm cách che đậy ý định sử dụng giám sát thông qua công nghệ để củng cố và hợp pháp hóa hơn nữa các chế độ kiểm duyệt của họ dưới ngọn cờ chống lại sự lây lan của virus corona. Tài nguyên mà các chế độ đó đang sử dụng là gì? [Chính là] quyền truy cập thông tin cá nhân của công dân.

Sẽ là quá sớm hoặc thậm chí không công bằng khi kết luận rằng đây là quỹ đạo mà các nhà chức trách Việt Nam cuối cùng đang hướng tới, ít nhất là vào lúc này. Đó là chưa kể đối với nhiều người Việt Nam, thậm chí có thể đáng để từ bỏ một chút quyền riêng tư nếu nó có nghĩa là cứu mạng người, một lý do chính đáng có thể khiến cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về quyền riêng tư ở thời điểm này trở nên xa xỉ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là đánh đổi giữa quyền riêng tư và việc cứu mạng sống.

Việt Nam đang chống chọi với làn sóng virus corona mới nhất vào thời điểm mà lòng tin của công chúng vào chính phủ đặc biệt cao. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi hành vi COVID-19 do YouGov, một công ty phân tích dữ liệu của Anh và Imperial College London tổng hợp, gần 97% người Việt Nam được thăm dò ý kiến ​​từ tháng 5 đến tháng 7 cho biết chính phủ đang xử lý khủng hoảng “rất” hoặc “phần nào” tốt. Cuộc khảo sát đã phỏng vấn khoảng 21.000 người mỗi tuần ở 29 quốc gia.

Chính trong bối cảnh đó, mặc dù đợt bùng phát mới nhất đã chứng kiến ​​27 người chết tính đến thứ Hai, nhưng người dân Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện tinh thần tuân thủ cao các biện pháp quyết liệt của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch, trong đó bao gồm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, kiểm dịch quy mô lớn, truy tìm tiếp xúc nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam thu phục được trái tim và trí óc của công chúng là mức độ minh bạch bất thường trong quản trị và truyền thông cộng đồng liên quan tới đại dịch. Do đó, sẽ là một rủi ro đối với chính phủ khi đánh cược sự minh bạch khó có thể xảy ra như vậy đối với bất kỳ âm mưu nào phía sau.

Niềm tin của công chúng luôn khó thu phục được; nó thậm chí còn khó hơn để khôi phục một khi bị phá vỡ.

Dien Nguyen An Luong

Dien Luong là nghiên cứu sinh trao đổi tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên The New York Times, The Washington Post, The Guardian, Al Jazeera và các ấn phẩm khác. Bài bình luận này được xuất bản lần đầu tiên trên trang web của Viện ISEAS-Yusof Ishak vào ngày 21 tháng 8 năm 2020.

Xuân Lan biên dịch

Xem thêm: