Vì sao người TQ nhất định phải chen lấn mà không xếp hàng?
Những người sinh ra và lớn lên tại phương Tây, khi mới đến Trung Quốc hay Việt Nam, đều không thốt lên lời khi chứng kiến cảnh chen chúc lên xe buýt của người dân ở hai quốc gia này. Rõ ràng là từng người có thể xếp hàng và lần lượt đi lên, nhưng họ lại cứ chen lấn, xô đẩy, ai cũng muốn chen lên đi trước, khiến tình cảnh trở nên hỗn loạn và cánh cửa xe buýt vốn đã hẹp liền trở nên kẹt cứng. Nhìn cảnh tượng người người vội vã chen lấn này, người phương Tây quả là đã được ‘đại khai nhãn giới’.
Tại sao lại phải chen lấn? Vấn đề này không thể tách khỏi hoàn cảnh chung của xã hội Trung Quốc. Một người dân bình thường phải đối mặt với đủ các vấn đề: tiền thuê nhà cao, tiền lương thấp, vật giá cao, trong cuộc sống hay công việc đều phải chịu áp lực trùng trùng, từ đó khiến cho tâm thái vội vàng gấp áp, bồn chồn nóng nảy trở nên phổ biến. Đứng trước một vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân, họ luôn sợ sẽ bị thiệt, nên khó mà giữ được tâm khí bình hòa. Việc xếp hàng lần lượt từng người từng người lên xe, với đa số người Trung Quốc mà nói thì xem ra rất khó làm được.
Tại Việt Nam, tình hình cũng không có nhiều khác biệt. Hễ đến giờ cao điểm là tại các trạm xe buýt, người ta đã chuẩn bị sẵn tinh thần để “lao lên xe”, không quản cửa dành cho hành khách lên hay xuống xe. Nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra khi có hành khách đến trạm cần xuống mà không thể xuống được bởi người ta không ngừng chen lên từ bên dưới, và phải tiếp tục đi đến trạm kế tiếp. Đó là chuyện ở trên xe buýt, phía dưới lòng đường tình trạng giao thông cũng không khả quan hơn, ai cũng chuẩn bị sẵn tinh thần chen lấn, đi vào làn đường của phương tiện khác để có thể đi nhanh, đi trước.
Không chỉ riêng chuyện lên xe buýt, nếu như khi một thương hiệu hoặc nhãn hàng nào đó giảm giá bán sản phẩm, thì tình trạng người dân chen lấn vào mua hàng cũng không kém phần hỗn loạn. Vì vậy, không ít người cảm thấy kinh ngạc khi chứng kiến hình ảnh từ trẻ nhỏ đến người già tại Nhật Bản đứng yên lặng xếp hàng sau trận động đất sóng thần, hay hình ảnh dòng xe ô tô tuần tự nối đuôi nhau rời thành phố sau cơn bão tại Mỹ.
Ở các nước phương Tây, nếu nhìn bên ngoài có thể sẽ không thấy họ đứng xếp hàng tuần tự. Nhưng dù đông người hay ít người, mọi người đều lịch sự và tuyệt đối không có chuyện tranh nhau chen lên trước. Tất nhiên, ở Trung Quốc một số nơi cũng có thể thấy người ta xếp hàng, nhưng nguyên nhân là bởi khi đó sẽ có người đảm nhiệm vai trò duy trì trật tự cho hành khách lên xe. Còn ở phương Tây, cho dù ở thành phố lớn hay thị trấn nhỏ, người ta đều tự động tự giác lần lượt lên xe, không cần phải có người chuyên duy trì trật tự.
Người Trung Quốc tranh nhau lên xe, cử chỉ và hành vi thô tục quả thực không có chút văn minh nào, chứ chưa nói đến sự khiêm nhường lễ nghĩa ở đây. Họ không hề để ý đến hình tượng bản thân, cố gắng hết sức làm sao chen nhanh chân lên được xe buýt và chiếm lấy chỗ ngồi tốt nhất, vậy thì việc cản trở người khác nào có xá gì? Ai cũng sợ không có chỗ ngồi, hoặc còn muốn chỗ ngồi tốt nhất. Nếu xe đông mà không lên nhanh thì hết chỗ, sẽ phải đứng. Do đó thường những người thanh niên khỏe mạnh, thường sẽ chen chân lên ngồi trước. Còn những người bệnh tật yếu ớt, phụ nữ hay người già thường phải lên sau và không còn chỗ ngồi. Vấn đề ở đây là, không phải vốn dĩ những người bệnh tật hay già cả cần phải được ngồi nhất hay sao?
Điều này dường như còn phản ánh một hiện tượng khác của xã hội, đó chính là phân phối bất công, “yếu thì bị thịt, mạnh thì ăn”. Những người có tiền có quyền chiếm hết đa số tài nguyên xã hội. Đối với những người yếu thế và nghèo khó vốn không dễ để có thể sinh tồn trong xã hội Trung Quốc, thì họ nhắm mắt làm ngơ, thậm chí thấy phiền toái. Họ còn muốn đuổi những người lao động này đi thông qua sự kiện “trục xuất người lao động nhập cư” khỏi Bắc Kinh vừa qua.
Vậy tại sao ở phương Tây không có loại tranh giành xô lấn này? Từ xã hội phương Tây mà nói, thu nhập và phân phối tương đối công bằng, những người già hay bệnh tật đều được hưởng an sinh xã hội, việc thực thi chế độ phúc lợi xã hội cũng hết sức tôn nghiêm, người ta không cần phải tranh giành gì cả. Người ta lại càng chú trọng đến văn minh lễ nghi và khiêm nhường bao nhiêu thì hiện tượng tranh giành chen lấn này lại càng ít bấy nhiêu.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc văn hóa xếp hàng tâm lý sợ thiệt Người Việt Nam