Viết dưới giá treo cổ
- Võ Xuân Sơn
- •
Đây không phải tác phẩm của nhà văn Séc Fucik, mà là nói về cái thòng lọng mang tên Luật khám bệnh, chữa bệnh, được gắn vào cái giá treo cổ do cơ quan điều tra và Viện KSND Hòa Bình dựng lên, đang vòng quanh cổ BS Hoàng Công Lương, chờ cái sàn Tòa án dưới chân BS Lương sập xuống.
Cách đây vài ngày, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề của BS Hoàng Công Lương. Và, người bác sĩ có thể gọi là giỏi nhất của tỉnh Hòa Bình về chạy thận, được bà con, bệnh nhân, và cả các thân nhân bệnh nhân tử vong trong thảm họa chạy thận Hòa Bình yêu quý, đã phải bỏ bệnh nhân, bỏ trại bệnh, để chuyển qua làm cái công việc mang tên công nghệ thông tin.
Khoản 4 điều 18 Luật khám chữa bệnh 2009 về Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam quy định như sau: “Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.“
Và điểm g khoản 1 của Điều 29 Luật khám chữa bệnh 2009 về thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề, quy định về những trường hợp phải thu hồi Chứng chỉ hành nghề như sau: “Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này“.
Chiếu theo những qui định nàycủa Luật khám chữa bệnh 2009, Sở Y tế Hòa Bình đã làm đúng theo luật. Vấn đề là cái luật này có đúng hay không. Nếu xét theo nguyên tắc, thì khi tòa án chưa kết tội, không thể coi người bị truy tố là tội phạm. Ở đây, luật khám chữa bệnh coi người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự là tội phạm, và cấm hành nghề bằng biện pháp cao nhất: thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Điều này thể hiện sự thiếu nhân văn và bất hợp lý trong Luật khám chữa bệnh. Đây cũng là vấn đề của hệ thống luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, gây nên sự phản đối trong nhân dân, nhất là Luật An ninh mạng vừa mới được Quốc hội thông qua.
Trong trường hợp của BS Lương, chúng ta đều thấy rõ, BS Lương không có trách nhiệm quản lý, từ đó không thể quy kết tội “thiếu trách nhiệm” cho BS Lương. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra đã cố tình không hiểu điều này, cố tình gán ghép nguyên tắc của ngành y (lớp đàn anh phải có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn chuyên môn y khoa cho lớp đàn em), với trách nhiệm quản lý, để ấn định tội danh cho BS Lương.
Cho đến nay, chưa rõ mục tiêu thật sự của việc cố tình gán ghép tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của cơ quan điều tra Hòa Bình với BS Lương là gì. Tuy nhiên, cá nhân tôi, và phần lớn dư luận, đều cho rằng, việc cố tình gán tội cho BS Lương là để chạy tội cho ông Trương Quý Dương, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tại thời điểm xảy ra thảm họa chạy thận làm chết 9 người bệnh.
Thật vô lý khi người có trách nhiệm trực tiếp trong việc ban hành quy trình đã không thực hiện trách nhiệm của mình, người có trách nhiệm trực tiếp trong việc giám sát các hoạt động liên doanh, liên kết, đã không thực hiện trách nhiệm của mình, để cho bên đối tác thuê mướn người không có khả năng đến bệnh viện bảo trì hệ thống, gây ra thảm họa, làm chết 9 người, lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó thì BS Lương, người không có trách nhiệm gì về quản lý, lại bị truy tố và thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Có cái nào vô lý hơn hay không?
Xã hội nào cũng có những điều vô lý. Nhưng trong một xã hội dân chủ thực sự, khi một điều luật được đưa ra, người ta tham khảo ý kiến của các bên liên quan. Trong những xã hội đó, những người liên quan luôn hiểu rằng, những điều luật đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mình.
Ở chế độ XHCN của chúng ta, việc tham khảo ý kiến chỉ là hình thức. Bất cứ ai nói điều gì trái với ý của lãnh đạo đều được coi là phản động. Từ đó, người dân dần có thói quen nhắm mắt gật đầu, đặt trọn số phận của mình vào tay đảng, vào tay nhà nước do đảng cầm quyền, cho dù đảng này, nhà nước này có thể bị lũng đoạn bởi một số thế lực xấu.
Chúng ta, những nhân viên y tế, không thể chối bỏ trách nhiệm của mình, khi để cho những điều khoản bất nhân, vô lí như vậy tồn tại trong Luật khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi hiểu ra điều này thì đã muộn.
Bây giờ, cái thòng lọng Luật khám chữa bệnh đang siết quanh cổ BS Hoàng Công Lương. Với quyết tâm khép tội BS Lương của cơ quan điều tra Hòa Bình, với sự vô cảm của các cấp lãnh đạo, với sự đấu tranh của dư luận, vụ án sẽ kéo dài. Vụ án càng kéo dài, BS Lương càng mất cơ hội hành nghề, và có nguy cơ phải làm lại từ đầu.
Và, tất cả nhân viên y tế chúng ta đều là ứng cử viên tiềm năng cho cái giá treo cổ mà BS Lương đang đứng bên dưới. Hãy suy nghĩ và hành động. Đừng thờ ơ và giao phó số mệnh của mình vào tay người khác như đã làm trước đây với việc nêu ý kiến về Luật khám chữa bệnh trước đây.
Theo Facebook BS Võ Xuân Sơn
Xem thêm:
Từ khóa bác sĩ Hoàng Công Lương Luật khám chữa bệnh 2009 chạy thận nhân tạo Hòa Bình đạo đức ngành y