Việt Nam là nước ‘bất hạnh’ trên thế giới?
- Nguyễn Văn Tuấn
- •
Năm ngoái và đầu năm nay Việt Nam được một nhóm kinh tế có tên là New Economics Foundation xếp hạng là một trong 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (và thứ 2 ở Châu Á). Kết quả đó làm cho nhiều người Việt ngạc nhiên. Thì đây, năm nay, một nhóm độc lập khác có tên là World Happiness Report (WHR) xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia bất hạnh nhất thế giới!
Nhóm WHR dựa vào 6 tiêu chí để xếp hạng hạnh phúc. Sáu tiêu chí đó là: (1) thu nhập; (2) tuổi thọ bình quân; (3) hệ thống an sinh xã hội; (4) tự do; (5) tin tưởng; và (6) rộng lượng. Dùng dữ liệu có trên web, và sau khi dùng mô hình thống kê, họ xếp hạng 156 quốc gia. Mười quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là: Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Hà Lan, Canada, Tân Tây Lan, Thụy Điển, và Úc. Xem qua các nước này thì cảm nhận chủ quan là … có lý.
Ngạc nhiên (?) thay, Mĩ đứng hạng 18, chỉ trên Anh một hạng, nhưng thua Áo, Costa Rica, Ireland, Đức. Thật ra, chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy Mĩ đứng sau các nước như Áo và Đức, vì cuộc sống ở Mĩ không phải là quá dễ dàng. Có một điều chắc chắn là phẩm chất cuộc sống ở Mĩ cao hơn Việt Nam. Do đó, một bảng xếp hạng với kết quả Mĩ có chỉ số hạnh phúc thấp hơn Việt Nam là khó tin, nhưng nếu cao hơn Việt Nam thì có vẻ hợp lí hơn.
Còn Việt Nam? Tính điểm (tối đa 10) thì điểm hạnh phúc của Việt Nam là 5.1, tức trên trung bình một chút. Với điểm này, Việt Nam đứng hạng 95 (trên 156 quốc gia) về hạnh phúc. Với hạng này, Việt Nam thấp hơn Nhật (hạng 51), Tàu (86), Nigeria (91), Mông Cổ (94), nhưng cao hơn Nam Dương (96), Somalia (98), Bhutan (97). Nói chung, về hạnh phúc, Việt Nam chỉ đứng chung bảng với các nước kém phát triển và lạc hậu về an sinh xã hội.
Các nước láng giềng như Mã Lai (hạng 35) và Thái Lan (46) đều có chỉ số hạnh phúc cao hơn Việt Nam khá xa; các nước này đứng chung bảng với Tây Ban Nha, Qatar, Chile, Ba Lan, Ý, Slovenia.
Rất khó nói bảng xếp hạng nào đúng hay sai, vì khái niệm hạnh phúc không phải dễ đo lường như các khái niệm khoa học tự nhiên. Nhưng nếu nhìn vào 6 tiêu chí của nhóm WHR tôi thấy có thể chấp nhận được, vì quả thật trong thực tế nó phản ảnh phần nào hạnh phúc của một cộng đồng. Có tiền, sống lâu, được hệ thống an sinh xã hội hỗ trợ khi cần, được tự do lựa chọn cuộc sống, sống với sự tin tưởng lẫn nhau, và rộng lượng với nhau thì quả là hạnh phúc rồi. Bởi vậy, tôi thấy cách tính toán của WHR cho ra một bức tranh thực tế hơn.
Đối chiếu lại với cuộc sống ở Việt Nam, chúng ta dễ thấy rằng mình thiếu hay kém cả 6 tiêu chí. Trong thực tế, đa số người Việt có thu nhập thấp, tuổi thọ thì thuộc nhóm trên trung bình, nhưng hệ thống an sinh xã hội gần như chưa tồn tại, thiếu tự do biểu đạt và lựa chọn, người ta thiếu tin tưởng với nhau và cũng thiếu tính rộng lượng. Nhưng dĩ nhiên, không phải ai cũng vậy, có người này người kia. Thành ra, khi trung bình hóa thì Việt Nam chỉ đứng hạng 95 trên 156 quốc gia về hạnh phúc.
Kết quả này làm cho giới nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam phải suy nghĩ về phương pháp đo lường. Giới cầm quyền có tâm và tầm chắc cũng phải suy nghĩ (chứ không nên tin vào bảng báo cáo rằng dân Việt Nam là một trong 5 nhóm hạnh phúc nhất thế giới). Một nước còn nghèo, thì thiếu chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và kém hạnh phúc chẳng có gì phải ngạc nhiên. Nhưng bảng xếp hạng hạnh phúc này nó làm cho mỗi người Việt Nam phải vươn lên và sống tử tế với nhau.
Tái bút: Cái hay của nhóm WHR là họ công bố dữ liệu gốc để bất cứ ai cũng có thể phân tích theo cách suy nghĩ của mình. Dữ liệu của họ có thể tải về từ website: http://worldhappiness.report/ed/2018/
Theo facebook GS Nguyễn Văn Tuấn
Xem thêm:
Từ khóa báo cáo hạnh phúc Tự do ngôn luận người nghèo Việt Nam