Người nghèo Việt Nam đang cần gì?
- Lê Trai
- •
Có ý kiến cho rằng, những khác biệt vùng/miền, giới tính, dân tộc và trình độ học vấn gây nên sự bất bình đẳng giữa các thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, ngay cả khi giải quyết được những vấn đề nói trên thì còn một sự bất bình đẳng dai dẳng nữa mà người nghèo đang ngày ngày phải đối mặt.
Hố sâu phân hóa giàu-nghèo
Bạn tôi làm phục vụ trong nhà bếp của một khách sạn-nhà hàng tại khu du lịch. Một lần đi bỏ rác, bạn bắt gặp những con vịt sau khi phi-lê phần lườn (phục vụ thực đơn sáng bún vịt, miến vịt cho khách thuê phòng), bị quẳng bỏ. Những đĩa thức ăn cầu kỳ, ngon lành và lạ lẫm từ tiệc buffet, sau khi tiệc kết thúc nhanh chóng trở thành thực phẩm phế bỏ, được bán rẻ cho chăn nuôi.
Trên trang facebook của một nhà báo nọ có cuộc trò chuyện nhỏ giữa anh với một người hảo tâm. Với 2 triệu đồng quyên góp, anh sẽ nhờ giáo viên mua cá khô, bột canh, dầu ăn, mì gói, thịt hộp… để chuyển cho tụi nhỏ. Những thứ mà người giàu thường tránh vì chúng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tim mạch, sỏi thận, lại trở thành thức ăn cung cấp dinh dưỡng cho những đứa trẻ đói khát vùng cao. Đôi khi tôi rùng mình suy nghĩ, những thức ăn đầy ắp từ tiệc buffet, những con vịt bị quẳng bỏ vào thùng rác dường như ở một thế giới khác, dù có bị bỏ đi thì chúng vẫn thuộc về một thế giới khác, xa lạ và xa hoa với những đứa trẻ đang xúc cơm ăn kèm muối ớt từ bịch ni lông.
Tại Việt Nam, mức độ phân hóa xã hội được đo lường bằng hệ số Gini (hệ số đo lường mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư). Chỉ số theo dõi này qua các năm như sau:
Theo chuẩn quốc tế, hệ số Gini bằng 1,00 có nghĩa là đạt tới sự bất bình đẳng tuyệt đối trong thu nhập. Hệ số ở mức 0,4 trở lên thể hiện sự bất bình đẳng ở mức nguy hiểm. Chỉ số trên cho thấy, ở Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo luôn ở mức nguy hiểm trong nhiều năm qua.
Sự khác biệt về thu nhập dẫn đến sự khác biệt rõ ràng về chất lượng sống giữa nhóm giàu với nhóm nghèo. Điều này thể hiện một phần góc độ bất bình đẳng cơ hội mà người nghèo phải chịu khi bị hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Theo Điều tra mức sống hộ gia đình 2010 của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, mức chi của người giàu so với người nghèo gấp 3,8 lần cho các dịch vụ y tế, 6 lần cho giáo dục và 131 lần cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí.
Theo số liệu do Bộ GDĐT và UNICEF công bố năm 2014, hơn 1 triệu trẻ em Việt Nam không được đến trường. Chiếm đa số trong đó là trẻ em nghèo, trẻ em sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, trẻ em dân tộc thiểu số, khuyết tật, trẻ phải lao động và trẻ em di cư… Sự bất bình đẳng xã hội đang gây tác động lớn đối với thế hệ trẻ kế cận của Việt Nam.
>> Người Việt thờ ơ với chính trị hay là bị mắc kẹt ở nghèo đói và tham nhũng?
Người dân cần được bảo vệ bởi trật tự pháp luật
Có ý kiến cho rằng, những khác biệt vùng/miền, giới tính, dân tộc và trình độ học vấn gây nên sự bất bình đẳng giữa các thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, khi các yếu tố gây chênh lệch do khác biệt về vùng/miền, dân tộc, học vấn… chưa được cân bằng, thì những khuyết thiếu trong thực thi pháp luật lại đang khoét sâu hơn vào lằn ranh phân hóa giàu-nghèo.
Trong vụ nổ súng tại Đắk Nông, bị can Đặng Văn Hiến sinh ra không được chọn mình là tộc Kinh thay vì tộc Nùng, cũng không được chọn nơi sống khác ngoài khu vực rất nghèo và thiếu thốn huyện Bù Đăng để phải bám rừng kiếm sống. Nhưng anh biết người nhà ông Hanh bị bảo vệ công ty Long Sơn đánh, chém gãy cả chân tay, biết ông Thanh bị đánh tới chấn thương sọ não, thương tích tới 90%. Hai đứa trẻ, trong đó một đứa mới 2 tuổi, cùng vợ và các anh em anh sẽ gặp nguy hiểm trước cuộc vây ráp trong đêm của hàng chục bảo vệ công ty. Hoàn cảnh bức bách khiến anh nổ súng, sau 2 phát đạn chỉ thiên (theo clip phỏng vấn độc quyền, báo Dân Việt, 29/10/2016).
Người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế không được chọn mảnh đất mình sinh sống, nhưng họ có quyền quyết định việc xây dựng và hoạt động của Công ty Formosa Vũng Áng. 3/4 tỉnh đang gánh chịu thiệt hại từ thảm họa ô nhiễm môi trường biển trên lại đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của mưa lũ. Họ không có tiếng nói trước thiên tai, nhưng họ có quyền đồng ý hay không việc xây dựng những công trình thủy điện làm thay đổi sinh thái, hủy hoại hàng ngàn hecta rừng phòng hộ đầu nguồn khiến lũ về sớm, về nhanh.
Những vụ đánh người thậm tệ với kẻ hành hung là… viên thanh tra thuộc Sở GTVT TP Hà Nội đối với nữ nhân viên hàng không, là viên chức ngân hàng cầm cò xăng đập vỡ đầu nhân viên bán xăng, là đám học sinh nữ đánh bạn, dùi đầu thuốc lá, bắt bạn liếm chân, là một viên chức kiểm lâm vừa tát, đạp, đấm 2 nhân viên trạm thu phí vì bị chặn barie do không mua vé… Những sự việc ấy không chỉ cho thấy tình trạng phân hóa xã hội, mà chỉ ra rằng sự áp bức bằng quyền lực bạo lực đang không ngừng gia tăng. Người nghèo, kém địa vị trong xã hội bị coi thường nhân phẩm và sức khỏe, trong khi một bộ phận thế hệ trẻ tiếp nhận quan niệm giáo dục lệch lạc rằng bạo lực là cách mà thế giới này vận hành.
Người nghèo cần gì?
Trong cuốn sách nổi tiếng “Tại sao các quốc gia thất bại”, hai nhà kinh tế học Daron Acemoglu & James Robinson viết: “Vì sao luật phải được áp dụng ngang nhau cho tất cả mọi người? Nếu nhà vua và giới quý tộc có quyền lực chính trị và phần còn lại không có, thật tự nhiên rằng bất cứ điều gì là ngay thẳng đối với vua và giới quý tộc phải bị cấm và đối với những người còn lại có thể bị trừng phạt.”
Trong xã hội Việt Nam, quyền bình đẳng trước pháp luật đang được nhắc nhiều hơn trong nhiều sự việc diễn ra gần đây, nổi bật như thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Công ty Formosa gây ra, lũ lụt do đập thủy điện xả lớn bất ngờ, hay những vụ hành hung tạo nên nhiều phản biện xã hội như vụ “gạt tay vào má” ở tháng 9 tới những cú đá, đấm người của quan chức trong tháng 10…
Trên thương trường, chỉ sau “một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” (lời Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn), cuộc sống của hàng chục triệu người tiêu dùng nước mắm và công ăn việc làm của hàng chục vạn người sản xuất nước mắm đã bị đánh đu trên lợi ích của một tập đoàn và một số cơ quan báo chí và nhà báo đưa tin.
“Nếu luật áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, thì không cá nhân hay nhóm nào, (…) đã có thể leo lên trên luật, và những người dân thường bị buộc tội xâm phạm tài sản tư nhân vẫn đã có quyền đối với một sự xét xử công bằng” – Daron Acemoglu & James Robinson
Có thể thấy rất rõ sự “thiếu” luật dẫn tới sự bất bình đẳng như thế nào, về quyền sống, quyền được lên tiếng của người dân. Đó không chỉ đơn thuần là bất bình đẳng thu nhập, bất bình đẳng cơ hội, mà nói đúng hơn là sự khuyết thiếu về việc thực thi pháp luật để đảm bảo tính nhân quyền, nhân văn.
Vậy để trả lời cho câu hỏi: “Người nghèo Việt Nam đang cần gì?”, thì đó là sự thực thi pháp luật một cách công bằng. Gần đây nhất, trong vụ nổ súng ở Đắk Nông, việc xét xử hành vi phạm tội của bị can Hiến không chỉ dừng ở tiếng súng làm chết 3 người, 16 người bị thương, mà cần xét tới tính thiết yếu của tài nguyên đất đai đối với người dân, của những sai phạm của Công ty Long Sơn khi thậm chí tuyển dụng cả những bảo vệ là trẻ em, nhiều lần tự ý giải tỏa bằng bạo lực trên đất tranh chấp, gây thương tật vĩnh viễn cho người dân.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa chênh lệch giàu nghèo phân hóa giàu nghèo trong xã hội khoảng cách giàu nghèo thực trạng người nghèo Việt Nam Công bằng pháp luật