Chốt phương án 19.700 tỷ đồng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
- Nguyễn Quân
- •
Phó Thủ tướng Chính phủ – ông Trịnh Đình Dũng chọn phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trên quỹ đất sẵn có của quân đội với vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, xây dựng trong 3 năm.
Theo yêu cầu quy hoạch, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất bảo đảm 40-50 triệu hành khách/năm, 3 phương án được đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra.
Phương án 1, xây mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh (đường băng), đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía Bắc sân bay và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để đảm bảo khai thác.
Với phương án này, có thể nâng tổng công suất của Tân Sơn Nhất hiện nay là 25 triệu khách/năm (năm 2016 đã đạt 32 triệu khách) lên khoảng 60 triệu khách/năm. Tuy nhiên, phương án này cần từ 10 đến 15 năm xây dựng, giải tỏa hơn 140 ngàn hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng.
Phương án 2, xây dựng đường lăn song song và sân đỗ máy bay phía bắc, xây dựng nhà ga lưỡng dụng (quân sự – dân sự) T3 công suất 10 triệu hành khách, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu hành khách.
Phương án này cần khoảng 61.000 tỷ đồng, thời gian xây từ 8-10 năm để nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách/năm.
Phương án 3, xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường băng và sân đỗ; xây đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường băng; cải tạo đường băng phía Bắc hiện nay; xây nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay.
Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất đề nghị chọn phương án 3 để hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước ngày 25/2/2017.
Về nguồn vốn đầu tư, hạng mục đường lăn, sân đỗ sử dụng vốn nhà nước, do doanh nghiệp nhà nước thực hiện; các hạng mục nhà ga hành khách, khu dịch vụ… sẽ kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá; các tuyến giao thông kết nối với bên ngoài thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư của UBND TP.HCM.
Ngoài ra, tại cuộc họp, Sở GTVT TP.HCM báo cáo các phương án phân luồng, xây dựng các công trình giao thông tháo gỡ ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, có 8 dự án đã được phê duyệt, đang được triển khai.
Về các dự án thoát nước, chống ngập cho khu vực sân bay, Bộ Quốc phòng tạm giao đất để Bộ GTVT thực hiện đầu tư xây dựng hồ điều tiết, diện tích khoảng 1,3 ha.
Sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải
Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải khi công suất đến năm 2020 là 25 triệu hành khách, nhưng thực tế đang phải phục vụ 28 triệu lượt hành khách/năm.
Lãnh đạo một số hãng hàng không trong nước xác nhận sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng căng thẳng về bãi đỗ. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 57 bãi đỗ nhưng số lượng máy bay có nhu cầu đỗ qua đêm thường cao hơn số lượng được sân bay điều phối.
Theo kế hoạch phát triển của các hãng đến năm 2020, tổng đội bay là 263 chiếc, sẽ vượt 33 chiếc so với khả năng đáp ứng 230 chỗ đỗ máy bay.
Theo đó, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco … nghiên cứu triển khai kế hoạch đưa máy bay về Cần Thơ đỗ qua đêm.
Việc này vấp phải sự phản ứng từ dư luận, khi sân bay đang trong tình trạng quá tải do nhu cầu khai thác bay, tăng chuyến, mở mới các đường bay nội địa, thì việc dành 157 ha đất để xây sân golf 36 lỗ và cụm công trình nhà hàng, khách sạn trong sân bay là khó hiểu.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết nếu bỏ sân golf để làm thêm đường băng nữa cách đường băng cũ 1,5 km có thể nâng cấp Tân Sơn Nhất có công suất 40 – 45 triệu khách/năm trở lên.
Theo đó, việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu chỉ cần làm thêm 30 điểm đỗ, nhà ga, một đường băng (sau khoảng 10 năm nữa), nên chi phí rộng rãi sẽ chỉ khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD sẽ đáp ứng được phục vụ trên 50 triệu hành khách/năm.
Diện tích sân golf đang tương đương 26% tổng diện tích đất sân bay hiện tại (590,48ha).
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa sân bay Tân Sơn Nhất Bộ GTVT mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sân golf Tân Sơn Nhất tổng ngân sách mở rộng sân bay phương án mở rộng sân bay TSN