Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết sẽ đưa vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh ra xét xử trong quý I/2018.

trinh xuan thanh
Sẽ xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh trong Quý I/2018. (Ảnh: laodong.vn)

Ngày 4/12, Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã trình bày báo cáo công tác tòa án tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội.

Theo báo cáo, TAND thành phố sẽ phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan liên quan tập trung đưa ra truy tố xét xử theo thẩm quyền vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương trong Quý I năm 2018.

Cũng theo báo cáo, trong năm 2017, TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 30.777 vụ, tăng 2.029 vụ; đã giải quyết 27.755 vụ, đạt tỷ lệ 90,1%, tăng 79 vụ so với năm 2016. Số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê, số vụ án bị hủy, sửa năm 2017 giảm so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tổng số án bị hủy là 193 vụ (chiếm 0,69% số án đã giải quyết, giảm 29 vụ so với năm 2016). Tổng số án sửa là 657 vụ (chiếm 2,36% số án đã giải quyết, giảm 161 vụ so với năm 2016). Tuy nhiên, số án quá hạn tăng 72 vụ so với năm 2016.

Một số vụ như Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”; vụ “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin; vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; vụ Đặng Minh Châu và đồng phạm phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (gần 1.200 bánh heroin); vụ án Nguyễn Tiến Dũng và đồng phạm phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (đường đây mua bán ma túy tổng hợp xuyên quốc gia)…đã được xét xử.

Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, tại cuộc họp báo vào tháng 8/2017, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết hồ sơ gốc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2015) bị thất lạc.

Thời điểm xảy ra sự việc, Bộ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh. “Tuy nhiên, hiện Bộ chỉ còn giữ một bản gốc, còn một bản có đóng dấu công văn đến lưu văn thư thì đang thất lạc. Bộ đang kiểm tra, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan; khi có kết luận cụ thể sẽ công khai” – ông Thừa nói.

Cũng liên quan tới vụ án trên, UBKT TƯ đã kiểm tra, xác minh theo đề nghị của Bộ Nội vụ về việc Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cung cấp cho báo chí công văn số 766 ngày 17/10/2013 của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Công Thương xin Trịnh Xuân Thanh về làm cán bộ tỉnh này.

Cho rằng công văn 766 là tài liệu mật vì liên quan đến công tác cán bộ nên Bộ Nội vụ đã tiến hành bỏ phiếu kỷ luật ông Trần Anh Tuấn. Đáng chú ý, chỉ ba ngày sau cuộc bỏ phiếu (theo quy định là phải giữ bí mật tuyệt đối), thì chi tiết kết quả bỏ phiếu hình thức kỷ luật đối với ông Tuấn (kỷ luật hình thức cách chức) lại bị lộ ra ngoài.

Sau khi xác minh, UBKT TƯ kết luận Thứ trưởng Trần Anh Tuấn không vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật, vì công văn số 766 không thuộc diện mật. Việc Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ kiểm điểm, bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật theo quy định là phải bảo mật nhưng rồi để lộ công việc, kết quả này ra bên ngoài gây ảnh hưởng tới uy tín của cán bộ, nhất là khi chưa có kết luận cuối cùng là cần rút kinh nghiệm.

Trước sự việc trên, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào ngày 1/12, báo chí có đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng “UBKT TƯ đã kết luận là Thứ trưởng Trần Anh Tuấn không làm lộ mật, thông tin ông Tuấn cung cấp cho báo chí không phải là văn bản mật, mà thông tin bỏ phiếu kỷ luật Thứ trưởng Tuấn bị lộ ra ngoài mới là lộ mật. Qua vụ việc này, Bộ Nội vụ rút ra bài học kinh nghiệm gì? Có truy và xử lý kỷ luật những người làm lộ thông tin về kết quả bỏ phiếu không, có xin lỗi ông Trần Anh Tuấn không?“.

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Thăng cho biết thế nào là tài liệu mật đã có quy định trong quyết định số 18 năm 2012 của Thủ tướng, Thông tư số 36 Bộ Công an quy định danh mục tài liệu mật, đặc biệt trong Quy định 181, ngày 15/11/2017 thay thế Quy định 102 về kỷ luật Đảng cũng đã nêu rõ tài liệu mật là tài liệu đang trong quá trình điều tra, thanh tra chưa được công bố.

Còn tại phiên họp 19, UBKT TƯ không nêu việc lộ thông tin liên quan đến Bộ Nội vụ, mà bằng thông báo riêng.  UBKT TƯ cũng yêu cầu Bộ phải bảo mật thông tin.

Từ đó, thứ trưởng Thăng nêu nghi vấn ngược lại: “Không hiểu nhà báo lấy ở đâu thông tin trên, đề nghị Bộ Công an và UBKT TƯ xem xét việc này“.

Trần Tâm

Xem thêm: