Sở TN-MT Thừa Thiên Huế: Dải nước màu đỏ là do tảo nở hoa
- Thủy Minh
- •
Sở TN-MT Thừa Thiên – Huế vừa có báo cáo chính thức kết quả phân tích về dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Chân Mây – Lăng Cô ngày 22-23/2.
- Nghi ngại dải nước đỏ trên biển Đà Nẵng là… trứng ruốc?
- Thêm một dải nước đỏ dài 30m xuất hiện ở vùng biển Hà Tĩnh
Ngày 28/2, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên – Huế có báo cáo chính thức về dải nước màu đỏ tại vùng biển Chân Mây – Lăng Cô gây xôn xao dư luận.
Theo Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên – Huế, nguyên nhân gây ra hiện tượng dải nước đỏ trên vùng biển trên là do sự xuất hiện của một loài tảo với số lượng lớn có tên là Noctiluca scintillans. Loài tảo này được xác định là không sản sinh độc tố.
Sở TN-MT cho biết Noctiluca scintillans là loài tảo gặp phổ biến ở ven biển Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Thức ăn của loài này là các loài tảo nhỏ, động vật nguyên sinh, chất hữu cơ lơ lửng và thường phát triển mạnh gây đổi màu nước trong giai đoạn chuyển mùa xuân-hè, khi gặp môi trường nước phù hợp, giàu dinh dưỡng và dồi dào thức ăn.
Màu nước biển khi tảo nở hoa có thể là màu xanh đậm, màu vàng nâu hay màu đỏ máu. Do kích thước lớn nên có thể nhận biết rõ sự đổi màu nước, ngay cả khi mật độ không cao quá.
Theo kết quả Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên – Huế công bố, chất lượng nước biển tại thời điểm quan trắc (ngày 23/2) cho thấy các chỉ số như pH, oxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), amoni (NH4+ tính theo N), xyanua (CN-), sắt (Fe), thủy ngân (Hg), tổng Phenol, cadimi (Cd), chì (Pb),… đều đảm bảo giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Số lượng tảo trong nước biển giữa các vùng biển có sự khác biệt lớn, tại vùng biển Cảnh Dương có 561.000 tế bào/lít, tại vùng biển Chân Mây – Lăng Cô có 350.000 tế bào/lít (trong vùng xuất hiện dải đỏ), trong khi đó ở vùng biển Thuận An là 60 tế bào/lít (vùng không xuất hiện dải đỏ).
Theo Sở TN-MT, hiện tượng tảo nở hoa do Noctiluca scintillans thường sẽ biến mất sau 3-5 ngày, tùy theo môi trường và địa hình thủy vực.
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các dải nước đỏ xuất hiện lần lượt tại khu vực biển ven bờ ở các tỉnh miền Trung khiến người dân nghi ngại về tình trạng nước biển bị ô nhiễm. Tại Thừa Thiên – Huế, dải nước đỏ không chỉ được ghi nhận vào ngày 22 và 23/2 tại các vùng biển trên, mà còn được phát hiện tại khu vực biển ven bờ chân đèo Hải Vân (ngay đầu phần địa giới Thừa Thiên – Huế) vào ngày 27/2.
>> 154 loại hải sản tầng đáy miền Trung khuyến cáo không nên ăn
Trước đó, sáng ngày 22/2, nhiều người dân Thừa Thiên – Huế phát hiện nhiều dải nước màu hồng, đỏ dọc bãi biển Bình An (xã Lộc Vĩnh) và tại vùng biển ven bờ dọc theo vịnh Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). Sáng ngày 23/2, dải nước màu đỏ vẫn còn xuất hiện ở khu vực cách bờ biển xã Lộc Vĩnh hơn 1km. Ngày 23/2, những dải nước màu đỏ đã nhạt hơn và xuất hiện ở khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô), kéo dài hơn 80m. Nhiều ngư dân ở xã Lộc Vĩnh cho biết dải nước rộng khoảng 1m, kéo dài thành dải dài trên biển và bị sóng đánh dạt vào khu vực bờ kè cảng Chân Mây. Chi cục Bảo vệ Môi trường và Trung tâm Quan trắc Tài nguyên tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lấy các mẫu nước tại khu vực biển Bắc Hải Vân, cửa biển Lăng Cô và biển Bình An (xã Lộc Vĩnh) để kiểm tra. |
Thủy Minh
Xem thêm:
Từ khóa Huế ô nhiễm nước do tỏa nở hoa ô nhiễm biển Chân Mây – Lăng Cô dải nước màu đỏ tại vùng biển Chân Mây biển miền Trung dải nước màu đỏ ở Huế