Tháng 9/2016, một quyết định của UBND TP Phan Thiết được ban hành, đặt lộ trình hạn chế phạm vi hoạt động, sau đó tiến tới cấm hẳn nghề bẫy tôm hùm con tại vùng biển Phan Thiết. Quyết định ấy gần như rơi vào lặng im, giữa rất nhiều thông tin phát “lộc” nhờ nghề “săn tôm hùm nhí”. 

Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND do UBND TP Phan Thiết ban hành quy định về khu vực cấm nghề bẫy tôm hùm con trên vùng biển Phan Thiết có hiệu lực thi hành kể từ 30/9/2016.

Theo lộ trình, từ ngày 30/9/2016 đến ngày 28/2/2018, cấm nghề bẫy tôm hùm con tại các khu vực Vùng biển từ khu vực giáp ranh giới hành chính giữa thành phố Phan Thiết và huyện Bắc Bình (thuộc khu phố Long Sơn – Suối Nước, phường Mũi Né) đến điểm cuối khu vực biển Đồi Dương – Thương Chánh thuộc phường Hưng Long; và 3 khu vực thuộc vùng biển xã Tiến Thành: Khu vực điểm đầu của dự án Ngọc Quyên đến điểm cuối của dự án Bờ Biển Vàng, khu vực điểm đầu của dự án Trùng Dương đến điểm cuối của Chợ xã Tiến Thành và khu vực từ khu du lịch Sea Lion 2 đến giáp ranh giới hành chính huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

Kể từ ngày 1/3/2018, cấm đặt bẫy khai thác tôm hùm con trên toàn bộ vùng biển của TP Phan Thiết.

Đây là quyết định được thực hiện trong chủ trương cấm hoàn toàn nghề khai thác tôm hùm con của thành phố. Ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho hay: “Khi đặt cạnh những lợi ích của nghề này mang lại so với những tác động xấu thì rõ ràng, nghề bẫy tôm hùm con cần được hạn chế phạm vi hoạt động, tiến tới cấm hoàn toàn theo lộ trình“.

Giữa một “rừng” thông tin phát “lộc” nhờ nghề “săn tôm hùm nhí”, liệu quyết định trên có đi ngược lại lợi ích của ngư dân?

tôm hùm nhí
Những con tôm hùm con chỉ nặng từ 10-30g cũng bắt tràn lan bất chấp quy định chỉ được bắt tôm hùm con có trọng lượng từ 150g trở lên. Trong hình, những con tôm hùm trắng có giá bán mấy trăm đồng mỗi con (Ảnh: vietlinhjsc.com)

Hàng triệu con tôm hùm con bị bắt, chết mỗi năm

Tôm hùm luôn được coi là đặc sản nên có giá trị kinh tế rất cao. Theo báo cáo năm 2014 của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), với trên 43.000 lồng bè tôm hùm nuôi, sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 1.400 tấn, nguồn thu đạt hơn 3.500 tỷ đồng cho khoảng 10.000 hộ.

Theo Quyết định số 1412 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy hoạch ngành nghề này là đến năm 2020, mục tiêu tổng sản lượng tôm hùm nuôi lồng đạt khoảng 2.000 tấn/năm, giá trị hàng hóa đạt 3.200 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, sản lượng nuôi lồng tăng lên 2.200 tấn/năm, giá trị hàng hóa 4.300 tỷ đồng/năm; sản xuất được 1 triệu con giống nhân tạo, đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm.

Thế nhưng một nghịch lý là cho đến nay nguồn tôm hùm giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Mặc dù Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm giống hơn 20 năm qua, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc cho trứng nở thành tôm hùm trắng (có kích thước bằng sợi chỉ) thì chết.

Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), ông Phạm Khánh Ly cho biết không riêng ở Việt Nam, Úc và Nhật cũng chưa thành công trong việc cho tôm hùm sinh sản nhân tạo. Nhật Bản là nước thành công nhất cũng chỉ mới cho sinh sản và ươm nuôi đến giai đoạn tôm bò cạp (bằng ngón tay người trưởng thành), và là ươm nuôi trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Khan hiếm nguồn giống trong khi nhu cầu nuôi lồng bè cao khiến qua nhiều năm, giá tôm hùm giống bị đẩy từ 70.000 – 80.000 đồng/con (2003) lên đến 220.000 đồng/con (đầu năm 2007), thậm chí ở mức 350.000 – 360.000 đồng/con (cuối năm 2016).

Giá mua cao khiến tôm hùm giống bị khai thác ồ ạt. Năm 1999, số lượng ước đạt 500 ngàn con, năm 2003 tăng vọt lên 3,5 triệu con. Tới mùa vụ khai thác 2005-2006, số lượng con giống giảm xuống còn hơn 2,4 triệu con, 2006 – 2007 còn hơn 2,3 triệu con, 2007 -2008 tăng lên hơn 3 triệu con giống/năm.

tôm hùm nhí
Bẫy được giăng kín trên biển. (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn)

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Bích Thuý (VNCNTTS III), người đã gần 20 năm gắn bó với các đề tài khoa học xung quanh con tôm hùm, với khoảng 1.600 tấn tôm hùm thịt, chỉ cần khoảng 2 triệu con giống nếu nâng được tỷ lệ sống của tôm con lên mức trung bình 60-70%. Khi đó hơn 1 triệu con tôm giống còn lại sẽ là nguồn lợi vô tận cho thiên nhiên. [3]

Theo đó, tình trạng hàng triệu con tôm hùm con bị bắt, chết mỗi năm đang gây hậu quả tận diệt nguồn giống tự nhiên. Thực tế, tình trạng mất mùa tôm hùm giống diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, tại một số tỉnh như Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế… Còn tại Quảng Bình những năm trước, mỗi ngày xuất đi hơn 10 tấn tôm hùm trưởng thành; có năm đánh bắt được hàng trăm tấn tôm hùm thương phẩm. Nhưng đến nay, cả tôm hùm thương phẩm và tôm hùm con đều ngày càng trở nên cạn kiệt. [4]

>> “Tôm hùm vua” khổng lồ nặng hơn 10kg được một người ăn chay giải cứu

Khai thác kiểu tận diệt con giống

Theo Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ được phép khai thác tôm hùm giống có trọng lượng tối thiểu là 160g. 

Quyết định số 2354/QĐ-UBND ngày 8/10/2012 của tỉnh Quảng Bình quy định từ ngày 1/4 đến ngày 31/7 hàng năm, cấm khai thác tôm hùm mang trứng, tôm hùm non. 

Tuy nhiên, theo số liệu năm 2008, số lượng tôm hùm con bị bắt có kích thước dưới quy định là rất lớn.

Cụ thể, tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế), tôm hùm bông có trọng lượng 100-400 g/con bị đánh bắt khoảng 100-300 kg/ngày/thuyền; tôm hùm đá 80-200g/con bị bắt khoảng 200-500kg/ngày. Tại vùng biển Cát Lợi (Nha Trang, Khánh Hoà) loại tôm nhỏ từ 10-30g/con cũng bị “càn quét” tới 200kg/thuyền/ngày. Đặc biệt, loại tôm cực nhỏ, chỉ 0,3-1g/con cùng bị đánh bắt bằng lưới tới 1.000-3.000 con/ngày tại vùng biển Bình Định, Phú Yên. [3]

CÒn tại vùng Khánh Hòa, tôm hùm giống được khai thác quanh năm, với vụ chính từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, vụ phụ từ tháng 5 đến tháng 9. [7]

Cách khai thác làm hủy hoại môi trường biển

Có ba cách bắt tôm hùm giống phổ biến: lưới mành, bẫy, lặn. Cả ba đều gây tác động xấu tới môi trường sinh thái biển và khả năng sống sót của tôm hùm con.

Hình thức lặn bắt chủ yếu lùng sục khu vực rạn ngầm, rạn san hô, cỏ biển, gây nên các tác động vật lý, hóa học (nếu sử dụng chất độc như cyanua), ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển và khả năng sống sót của tôm giống khi đưa vào ương nuôi.

Đối với hình thức khai thác bằng lưới mành, tôm hùm giống bị bắt đa số ở giai đoạn hậu ấu trùng (Puerulus) và bắt đầu chuyển sang tôm non, rất dễ bị tác động, xây xát mạnh do va chạm với lưới trong quá trình thao tác. Vì vậy, tôm thường có sức đề kháng kém, dễ bị tác động bởi sự thay đổi của yếu tố môi trường khi đem về thả nuôi nên tỷ lệ sống và khả năng chống chịu bệnh tật không cao. Trong giai đoạn tháng nuôi đầu tiên tỷ lệ sống khoảng 76% sau 30 ngày nuôi. [5]

Đáng chú ý nhất là việc khai thác san hô làm bẫy. Lợi dụng tập tính của loài tôm hùm sống ở các bãi đá, rạn san hô nơi có nhiều hang hốc…  ngư dân khai thác san hô làm bẫy. Các phiến đá san hô có trọng lượng khoảng 2-5kg, được đục nhiều lỗ sâu, để nhử tôm hùm con chui vào ẩn nấp. Các phiến đá sẽ được nối với nhau bằng dây, dài hàng trăm mét và thả xuống biển. 

tôm hùm nhí
San hô bị khai thác trái phép để làm bẫy tôm hùm giống. (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn)

Việc khai thác san hô để làm bẫy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể sinh vật biển, làm mất nơi trú ẩn, sinh sản và nguồn cung cấp thức ăn cho các loài cá, cua, ốc… Rạn san hô bị hủy hoại đồng nghĩa với việc các loài hải sản không còn khu vực trú ngụ và sinh sản, hệ sinh thái bị mất đi.

Ngoài việc gây tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển, giảm khả năng sống sót của tôm hùm con, lưới mành và bẫy còn gây tổn hại tới nguồn lợi thủy sản khai thác không chủ đích. Với hai cách bắt này, thủy sản khai thác không chủ đích kèm theo chiếm tỷ lệ lớn, trung bình chiếm lần lượt là 92,17% và 76,06% tổng số sản lượng khai thác, trong đó cao nhất là nhóm cá nhỏ còn ở giai đoạn con giống, kích thước nhỏ và chưa thành thục. Đối với lưới mành, các loại thủy sản này được sử dụng nhưng giá trị không cao, trong khi đó với cách bẫy, hầu hết bị vứt đi hoặc chết. [6]

Tạm kết

Việc khai thác tôm hùm giống tự nhiên tràn lan làm giảm sản lượng của tôm hùm trưởng thành, giết chết nhiều cá thể tôm hùm giống và các loài thủy sản không chủ đích khai thác, tác động xấu tới môi trường đáy với sinh cảnh rạn đá, rạn san hô, san hô + cát, cát bùn, xáo trộn sinh cảnh.v.v…

Theo đó, việc đánh bắt tràn lan tôm hùm giống tự nhiên thu lợi trước mắt, nhưng gây tác động lâu dài và nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái biển. Điều này liên quan tới trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban ngành, về việc thiếu quy hoạch trong nuôi trồng tôm hùm, thiếu nghiên cứu, đánh giá tác động của việc khai thác tôm hùm giống tràn lan, những chậm trễ trong việc cấp vốn, nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm giống, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương…

Những quyết định cứng rắn như Quyết định số 07 của TP Phan Thiết tuy muộn, nhưng là thực sự cần thiết để cứu lấy nguồn thủy sản và đa dạng sinh thái biển. Điều này không đi ngược lại lợi ích của ngư dân, mà trái lại, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững cho ngư dân.

Vĩnh Long

Tài liệu sử dụng: 

[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 1412/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/4/2016

[2] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008

[3] Báo Nông Nghiệp Việt Nam, “Làm gì để cứu lấy tôm hùm (2)”, ngày 8/7/2008

[4] Báo Nông Nghiệp Việt Nam, “Đi ăn tôm hùm cấm“, ngày 15/8/2008

[5] Nguyễn Phương Nam và TS Phan Trọng Huyến, “Thực trạng nghề khai thác tôm hùm giống tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định“, Tạp chí Khoa học – Công nghệ Thủy sản, Số 3/2013

[6] Phan Văn Mỹ, Luận văn “Đánh giá hiện trạng nguồn lợi tôm hùm giống vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng và đề xuất giải pháp khai thác hợp lý“, Đà Nẵng, 2013.

[7] Vũ Như Tân và Trần Văn Dũng, “Giải pháp khai thác bền vững nguồn lợi tôm hùm giống tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa“, Viện KH&CN Khai thác Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang

[8] UBND TP Phan Thiết, Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 22/9/2016

[9] UBND Quảng Bình, Quyết định số 2354/QĐ-UBND ngày 8/10/2012

Xem thêm: