Mua sắm đôi khi không chỉ là nhu cầu mà còn do sở thích. Hằng năm chúng ta bỏ ra một số tiền khá lớn cho khoản mua sắm, nhưng hầu như lúc nào chúng ta cũng hứng thú với việc sắm sửa.

Có thể hầu hết mọi người đều yêu thích mua sắm, và thỉnh thoảng cũng mắc một số sai lầm chẳng hạn như mua những món không cần thiết hay mua một món không hợp với mình.

Các chuyên gia về mua sắm đã tổng kết ra một số sai lầm mà chúng ta thường hay mắc phải, hãy thử xem bạn tránh được bao nhiêu sai lầm bên dưới nhé!

1. Mua sắm cuồng nhiệt vào mùa giảm giá

Khi mua được một món hàng với giá hời thì có thể bạn cảm thấy thật tuyệt. Tuy nhiên trước khi mùa sale đến thì bạn nên dọn lại tủ quần áo của mình và chắc chắn rằng bạn sẽ chỉ mua những món cần thiết.

Có thể khi sale thì món hàng đó có giá rất rẻ nhưng lại không cần thiết đối với bạn, và kết quả tất yếu là bạn sẽ không sử dụng đến chúng.

Đối với những cửa hàng bạn thường xuyên mua sắm, thì bạn nên nhờ nhân viên bán hàng ở đó thông báo với bạn khi những món đồ bạn yêu thích bắt đầu được giảm giá. Để bạn có thể mua được món mình thích với giá hợp lý.

me shopping
(Ảnh: Shutterstock)

2. Luôn luôn tin vào lời khuyên của bạn bè

Đi mua sắm với bạn bè thì lúc nào cũng thú vị nhưng đôi khi nó lại là một vấn đề lớn. Nếu bạn không có một phong cách thời trang riêng biệt thì bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi người bạn của mình. Hoặc có thể bạn sẽ trở thành một bản sao không hoàn chỉnh của cô ấy vì lý do bạn không thích hợp với phong cách đó.

Những người bạn có thể sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích, nhưng cũng có lúc họ sẽ đưa ra những ý kiến từ góc độ cá nhân họ hoặc những ý kiến không phù hợp với bạn.

3. Không lên ngân sách cho việc mua sắm

Khi bạn lên kế hoạch cho việc mua sắm sẽ giúp bạn quản lý được chi tiêu của mình, bạn sẽ không bị rơi vào trường hợp túng thiếu do mua sắm quá đà.

Nếu trường hợp bạn sử dụng thẻ tín dụng, thì việc lên kế hoạch mua sắm trở nên rất quan trọng. Nếu không có kế hoạch, bạn có thể sẽ đối mặt với vấn đề nợ nần với ngân hàng do khoản tiền mua sắm vượt quá khả năng chi trả hàng tháng.

Lên ngân sách cho việc mua sắm và sử dụng tiền mặt để thanh toán có lẽ là một cách hữu ích giúp bạn quản lý được chi tiêu trong mùa sale.

4. Chúng ta thường không kiểm tra tủ quần áo của mình có gì trước khi mua sắm

Đã bao giờ bạn gặp tình huống khi về đến nhà sau một ngày mua sắm vất vả và phát hiện ra chiếc áo mình vừa mua có kiểu dáng không khác mấy chiếc mình đã có trong tủ.

Do đó, để tránh việc mua những món tương tự nhau, chúng ta nên xác định nên mua gì trước khi mua sắm và phải thật nghiêm khắc thực hiện theo kế hoạch, chỉ mua những món thật cần thiết, có thể phối với những thứ khác đã có sẵn trong tủ. Đừng mua chỉ vì chúng đẹp hoặc vì chúng được bán với giá rẻ.

5. Chọn quần áo không đúng kích cỡ

Một trong những sai lầm lớn nhất là bạn chọn quần áo không đúng size. Cần lưu ý một vấn đề, kích cỡ quần áo của từng nhãn hiệu sẽ có sự chênh lệch nhất định, có thể bạn mặc cỡ vừa của nhãn hiệu A nhưng với nhãn hiệu B bạn chỉ mặc cỡ nhỏ.

Cho nên cách tốt nhất khi mua quần áo là bạn nên thử lên người và mẹo để chọn kích cỡ để thử chính là bạn nên lấy một chiếc đúng kích cỡ của mình và một chiếc với cỡ nhỏ hơn hay lớn hơn một số.

6. Thường chú trọng vào số lượng hơn là chất lượng

Bạn nên cân nhắc yếu tố chất lượng trước tiên, vì một món đồ chất lượng sẽ có thể sử dụng được lâu hơn và giá trị hơn.

Thay vì mua nhiều túi xách giảm giá của những nhãn hiệu phổ thông, bạn nên cân nhắc đến một chiếc túi có thương hiệu vì giá trị cũng như chất lượng của nó. Những món đồ thời trang đến từ những thương hiệu nổi tiếng luôn đi kèm với chất lượng hoàn hảo và thật sự đáng giá cho bạn bỏ ra số tiền lớn để mua chúng.

7. Mua những đôi giày cao gót chỉ vì bạn thích

Đối với phụ nữ thì giày và túi xách dường như là đam mê bất tận. Khi đối diện với những đôi giày bạn gần như không thể nào cưỡng lại được sức hút từ chúng.

Bạn cần xác định mục đích khi mua đôi giày này là gì, cần có các tiêu chí để xác định xem chúng ta có nên mua chúng hay không. Chúng thích hợp mang cho dịp nào? Có thể kết hợp với trang phục nào mà chúng ta đã có sẵn? Thích hợp để đi dạo hay để mang khi tiệc tùng?… Nếu đôi giày không phù hợp với các tiêu chí được đề ra thì tốt nhất là không nên mua chúng, vì bạn sẽ chẳng có cơ hội nào để sử dụng chúng đâu.

Thêm một vấn đề nữa cần lưu ý, đó chính là chiều cao của giày cao gót. Chúng ta nên chọn những đôi cao vừa phải để có thể di chuyển một cách thoải mái, mặc dù những đôi cao gót luôn trông đẹp hơn nhưng lại dễ làm bàn chân bạn mỏi và bắp chân căng ra gây đau đớn cho cả đôi chân của bạn.

8. Quên lên danh sách những món đồ cần mua

Lên danh sách sẽ giúp bạn biết rõ bạn cần mua chính xác món đồ nào, vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian mua sắm, vừa giúp bạn tập trung mua đúng theo kế hoạch đã lên trước đó.

mê shopping
(Ảnh: Shutterstock)

9. Mua những món không thể kết hợp với những thứ khác

Bạn không nên mua những món đồ không thể kết hợp với bất cứ thứ gì có sẵn trong tủ quần áo của mình. Thay vào đó hãy nghĩ đến một tủ quần áo nhỏ gọn, nhưng tất cả các món đều có thể kết hợp với nhau tạo nên sự đa dạng trong phong cách của bạn.

Có thể bạn chỉ cần ba chiếc áo kiểu có thiết kế khác nhau và ba chiếc áo thun thì có thể kết hợp với một chiếc quần tây kiểu cổ điển, quần jeans và một chân váy xinh xắn thì bạn đã có những bộ trang phục đa dạng theo phong cách của mình.

10. Theo đuổi thời trang “ăn liền” – fast fashion

Những sản phẩm của fast fashion thường là những món có kiểu dáng tương tự như các sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng nhưng được bán với giá bình dân. Thêm một đặc điểm nữa chính là kiểu dáng và mẫu mã của dòng thời trang này đổi mới và ra mắt liên tục.

Chất lượng cũng tỉ lệ thuận với giá cả, do đó thông thường tuổi thọ của những món đồ thời trang này không kéo dài được lâu. Hãng M&S từ Anh quốc ước tính có khoảng 10.000 sản phẩm bị bỏ đi trong mỗi năm phút ở nước này, quả thật là con số không nhỏ.

11. Chúng ta ít khi mua đầy đủ nguyên cả bộ trang phục

Khi mua trang phục, chúng ta ít khi chú trọng đến việc mua trọn một bộ, mà thông thường sẽ đi dạo xung quanh và chọn những món riêng lẻ ngẫu nhiên.

Khi bạn lên kế hoạch để mua một bộ trang phục đầy đủ thì có nghĩa là bạn đã suy nghĩ ra được chúng sẽ được mặc cho dịp nào, mặc để đi đến đâu đó… chứ không phải chỉ mua ngẫu nhiên không mục đích.

Minh Nguyệt (Theo Good Housekeeping)

Xem thêm: