Những nguyên tắc quan trọng để bạn trở nên lịch thiệp trong giao tiếp ngày nay
- Minh Nguyệt
- •
Trong cuộc sống hàng ngày, có những nguyên tắc tồn tại trong giao tiếp, thói quen, ứng xử… khiến một người luôn trông lịch thiệp và hấp dẫn hơn trong mắt người khác. Chúng ta vẫn luôn cố gắng để mình có thể trở thành một người lịch thiệp. Thật ra đó không phải là những gì quá khó khăn để đạt được, chỉ cần bạn để tâm chú ý, suy nghĩ vì những người xung quanh thì bạn chắc chắn sẽ dễ dàng trở thành một người lịch thiệp.
Thế nào là một người lịch thiệp? Đó là người có thái độ nhã nhặn lịch sự, lễ độ khi tiếp xúc, hành vi phù hợp với quan niệm về phép tắc xã giao của xã hội; có cách ứng xử tử tế, tế nhị để tỏ lòng nhân hậu của mình, hoặc có thể nói đó là nghệ thuật “tự quên mình vì người khác” – đây vừa là sự thiện tâm, sự khéo léo của lý trí, vừa là sự trong sáng của lời nói có ngôn từ đẹp và sự duyên dáng của thái độ cư xử.
Người lịch thiệp là người khoan dung, không gây phiền toái và luôn làm vừa lòng mọi người. Đứng đắn mà không kiêu ngạo, kín đáo mà không thâm hiểm, mọi cử chỉ đều đúng mực, mọi lời nói đều minh bạch rõ ràng.
Phép lịch sự là thực tiễn đúc kết từ cuộc sống, bạn có thể tìm hiểu từ trong sách vở, nhưng phần đông chúng ta thường học hỏi qua sự giao lưu với những người từng trải, học hỏi từ những người có kiến thức trác việt. Phép lịch sự là một tập quán, nó tự chuyển hóa trong xã hội lành mạnh, do đó chúng ta luôn phải đi tìm kiếm nó. Bởi lẽ không có cuốn sách nào dù là hay nhất chỉ rõ được cử chỉ, giọng nói, dáng vẻ của một người lịch sự.
Chúng ta có thể phân biệt hai mặt của phép lịch sự: lịch sự trong hành động, cử chỉ hành vi, nó tạo nên sự tích cực trong xã hội. Lịch sự từ tâm hồn chính là mọi hành động hướng tới lẽ thiện, biểu lộ sự “biết sống”, biết hòa nhập với mọi người và cùng mọi người tạo ra đời sống xã hội, đó là nhân cách của người được giáo dục kỹ lưỡng. Để vận dụng các nguyên tắc “biết sống”, đòi hỏi mỗi người phải hết sức khéo léo tế nhị.
Hướng tới phép lịch sự người ta không thể thiếu vẻ tự nhiên gắn liền với lối sống có nhân cách. Nếu không có phép lịch sự trong tâm hồn thì cái gọi là lịch sự trong cử chỉ sẽ không bền vững. Phép lịch sự trong tâm hồn là sự nhận thức luôn nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương những người xung quanh, tạo niềm vui cho người khác. Lịch sự nói theo một cách khác đó là thể hiện tính rộng lượng và thái độ tôn trọng với người tiếp xúc.
Lịch sự không phải chỉ có ở tầng lớp trí thức, có người dù học vấn không cao nhưng họ lại là người rất dễ mến và lịch sự trong mắt người khác. Bởi vì hành động của họ xuất phát lòng thiện tâm, cư xử có tình người, cái đó chính là nét đẹp của tâm hồn, nét đẹp của cái tâm trong sáng, không thể đánh đổi bằng các hình thức cử chỉ lịch thiệp bề ngoài. Phép lịch sự gắn liền với lịch duyệt, lịch lãm, lịch thiệp và nó liên đới đến lễ độ, lễ phép, là thái độ được coi là đúng mực với người trên, tỏ ra lòng kính trọng, biết tôn ti trật tự… và yêu mến kẻ dưới. Nhờ có nó mà con người chúng ta đối xử với nhau nhã nhặn, không thấy khó chịu khi vô tình chạm mặt nhau.
Đúc kết từ những thực tiễn, chúng ta hãy cùng điểm qua những phép lịch sự tối thiểu mà ai cũng cần chú ý để có thể trở nên lịch thiệp trong mắt người đối diện.
1. Phép lịch sự cơ bản khi ở nơi công cộng
- Tránh cười nói lớn tiếng, nhìn chằm chằm vào người khác.
- Khi sử dụng điện thoại đừng nên mở loa ngoài.
- Xem phim, nghe nhạc, chơi game… bạn nên sử dụng tai nghe hoặc ít nhất là nên điều chỉnh âm thanh nhỏ lại tránh làm phiền người bên cạnh.
- Nếu bạn là người hút thuốc lá, bạn nên di chuyển đến nơi trống trải, thoáng khí để không làm ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em và những người xung quanh.
- Khi lái xe ngang qua vũng nước đọng, bạn nên kiểm soát tốc độ của mình, tránh phóng nhanh làm nước bắn tung tóe lên người qua đường. Điều này thật sự không thể chấp nhận được với một người lịch sự.
2. Lịch sự trong giao tiếp và trong các mối quan hệ
- Dù bạn là ai, khi bước vào phòng, bạn nên là người đầu tiên chào hỏi mọi người.
- Khi muốn đến thăm một ai đó, bạn hãy gọi điện hẹn trước. Vì có thể họ không sẵn sàng để tiếp đón bạn. Khi có “khách không mời” xuất hiện trước cửa, phụ nữ Anh thường làm như thế này: Cô ấy luôn đi giày, tay cầm mũ và ô. Nếu cô ấy thích vị khách đó, cô ấy sẽ nói “Tôi vừa về nhà!”. Nếu không, cô ấy sẽ thở dài và nói: “Ôi tiếc quá, tôi đang chuẩn bị đi”.
- Trong khi đang trò chuyện với người khác, đừng nên đặt điện thoại lên bàn. Làm như vậy là bạn đang tỏ ra chán nản với những gì đang diễn ra và bạn sẵn sàng dừng cuộc trò chuyện vô ích này lại để kiểm tra điện thoại.
- Nếu bạn đang đi cùng ai đó và người ấy chào một người mà bạn không quen biết thì bạn cũng nên lịch sự chào họ.
- Nếu bạn bị xúc phạm, thì biện pháp để giải quyết là nên mỉm cười, không nên đáp trả hoặc to tiếng với họ.
- Khi đi ăn bên ngoài, nếu bạn nói “tôi mời” thì có nghĩa là bạn sẽ là người thanh toán. Trường hợp bạn nói “đi ăn đi” có nghĩa là chúng ta ai sẽ tự trả phần của người đó, nếu đó là phụ nữ thì bạn có thể đề nghị thanh toán cả phần của cô ấy.
- Những điều nên được giữ bí mật, hạn chế tối đa đề cập đến trong các cuộc trò chuyện: tuổi tác, tiền bạc, tôn giáo, tình cảm, quà tặng, các cuộc cãi vã trong gia đình, các vấn đề sức khỏe, sự vinh danh hay tình trạng bị thất sủng…
>> 8 cử chỉ xấu xí cần tránh để trở thành một người lịch thiệp
3. Mặc lịch sự là sự tôn trọng đối với người khác và cũng chính là tôn trọng bản thân mình
- Nên chú ý đến đôi giày của mình, giữ chúng trong tình trạng luôn sạch sẽ sáng bóng.
- Sử dụng nước hoa vừa phải, tránh để người đối diện bị “choáng” vì hương thơm quá nồng từ bạn.
- Đừng chạy theo thời trang một cách mù quáng, hãy tìm cho mình một phong cách riêng phù hợp với cá tính của bản thân.
4. Tôn trọng sự riêng tư cá nhân
- Khi dùng điện thoại hoặc máy tính của người khác, đừng “vô tư” vào những thư mục riêng tư của họ khi chưa được sự cho phép.
- Hãy tôn trọng sự riêng tư, đừng kiểm tra túi xách của ai đó để tìm thư từ hay những thứ khác. Đây là điều thật sự khiếm nhã mà chúng ta nên tránh.
5. Sử dụng điện thoại đúng cách
- Đừng nói những chuyện vô nghĩa qua điện thoại, nếu cần tán gẫu với ai đó bạn nên gặp trực tiếp thay vì “buôn chuyện” qua điện thoại.
- Nếu ai đó gọi cho bạn một cách thô lỗ, bạn không nên trả lời. Hãy là tấm gương về việc hành xử lịch sự.
- Nếu có một cuộc gọi nhỡ, hãy lịch sự nhắn tin lại khi bạn chưa có thể gọi lại.
6. Thể hiện sự tôn trọng đúng mực với phụ nữ
- Một người đàn ông lịch thiệp sẽ không bao giờ chạm vào phụ nữ khi mà cô ấy chưa cho phép. Điều này có nghĩa là những việc như: cầm tay, chạm vào cô ấy trong cuộc trò chuyện, đẩy hoặc cầm vào phần trên khuỷu tay là không được chấp nhận, trừ khi người đàn ông đó đang giúp phụ nữ lên xuống xe, hoặc đi qua đường
- Đàn ông lịch thiệp sẽ là người luôn luôn đi bên trái phụ nữ. Quân nhân là trường hợp ngoại lệ duy nhất – họ sẽ đi bên phải, vì họ phải luôn ở tư thế sẵn sàng để chào đồng đội.
- Nếu bạn làm ra việc gì có lỗi với phụ nữ, sau khi được tha thứ thì bạn cố gắng không nên phạm lại lỗi ấy lần nữa trong tương lai.
- Không cãi nhau với phụ nữ ở chốn công cộng.
- Người văn minh lịch sự không bao giờ chia tay qua tin nhắn.
>> Làm thế nào để trở thành một quý ông lịch thiệp trong mắt phụ nữ?
7. Lịch sự chính là trân trọng tình cảm của người xung quanh dành cho mình
- Khi mượn xe của ai đó, bạn hãy nhớ đổ đầy xăng để thay cho một lời cám ơn.
- Hãy nhớ chừa thức ăn cho người đã mua chúng về mặc dù có thể họ khăng khăng rằng mình không ăn.
- Đảm bảo không quên trả lại những cuốn sách đã mượn về đọc.
- Khi vay tiền, bạn nên thu xếp trả càng sớm càng tốt, đừng đợi đến lúc họ phải nhắc để đòi lại.
- Nếu bạn ngủ lại nhà người khác, nhớ gấp chăn màn gọn gàng như lúc ban đầu trước khi bạn rời đi.
- Khi được người khác nấu ăn cho, thì phần rửa bát và dọn dẹp chắc chắn là việc bạn nên làm.
- Đừng quên cảm ơn những người thân yêu và bạn bè của mình khi họ giúp bạn. Họ giúp bạn không vì họ phải làm thế, nên bạn cần phải cho họ thấy lòng biết ơn của bạn đối với họ.
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Từ khóa bộ quy tắc ứng xử Lịch thiệp lịch sử Văn hóa ứng xử kỹ năng sống kỹ năng mềm