14 kỹ năng mà một người chuyên nghiệp cần có
- Hoàng Vũ
- •
Mỗi lĩnh vực chuyên môn đều có một bộ riêng biệt các kỹ năng cần thiết để thành công, nhưng có những kỹ năng mà nhất định bạn phải có cho dù sự nghiệp bạn theo đuổi là gì đi nữa.
Tuy nhiên, không ai nói với bạn về những kỹ năng này cho đến khi họ nhận ra rằng bạn không có chúng, khi họ thấy bạn lóng ngóng trong bài thuyết trình đầu tiên tại nơi làm việc vì bạn không học được kỹ năng thuyết trình hoặc khi bạn không biết cách viết một email cho chuyên nghiệp v.v…
Dưới đây là 14 kỹ năng mà dù ngành nghề nào cũng nên trau dồi phát triển. Một số kỹ năng khá dễ hơn so với những cái khác, nhưng tất cả chúng đều sẽ giúp bạn trở nên nổi bật và có sự nghiệp thăng tiến.
1. Tạo mạng lưới xã hội
Trao danh thiếp tại một sự kiện nào đó và nói với mọi người bạn muốn “kết nối” với họ nhiều như thế nào? Điều này không được thuyết phục cho lắm.
Mạng lưới xã hội đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của bạn trong rất nhiều lĩnh vực, ở bất kỳ giai đoạn nào trong sự nghiệp. Một cách để giúp việc tạo mối quan hệ trở nên thuyết phục hơn việc trao danh thiếp đó chính là nghĩ cách để giúp đỡ người khác, nghĩ cách “cho” thay vì chỉ muốn “nhận” được kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm từ những người khác.
Hãy bắt đầu bằng cách hỏi bạn có thể giúp đỡ gì cho họ, thay vì hỏi họ có thể giúp gì cho bạn.
Và nếu bạn sợ rằng mình sẽ dậm chân tại chỗ về chuyện thời tiết khi gặp người mới quen, hãy học cách nói chuyện vui vẻ bằng cách chia sẻ những chuyện vặt trong cuộc sống và mối quan tâm của bạn đến họ.
2. Giao tiếp qua email
Trong thời đại này, chúng ta đều nhận được rất nhiều email “rác”, nghĩa là nếu bạn muốn ai đó mở và đọc thư của bạn, bạn phải viết nó một cách cẩn thận.
Nếu bạn đang gửi email cho một người thực sự bận rộn, bạn hãy viết một dòng tiêu đề ngắn và gửi mail của bạn vào khoảng thời gian hợp lý.
Nếu bạn đang gửi email cho một nhà tuyển dụng tiềm năng, hãy chắc rằng bạn đang gửi đến địa chỉ của người thích hợp và ghi rõ công việc cụ thể mà bạn muốn ứng tuyển.
Trong nhiều trường hợp, email sẽ trở thành ấn tượng đầu tiên của người khác đối với bạn, vì vậy hãy làm cho nó thật ấn tượng.
3. Viết sơ yếu lý lịch, đơn xin việc
Nhiều người trong chúng ta đã viết và gửi sơ yếu lý lịch từ thời trung học, nhưng điều này không đảm bảo rằng chúng ta đang làm mọi thứ một cách đúng đắn. Vì khi một nhà tuyển dụng dành vài giây lướt qua từng hồ sơ dự tuyển họ nhận được, mọi chi tiết đều trở nên đáng giá.
Amanda Augustine, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cho TopResume nói với tờ Business Insider rằng điều quan trọng là cần thêm một số từ khóa công việc trong đơn xin việc của bạn, mà không làm cho nó trông giống như bạn đang sao chép lại của người khác.
Ngoài ra, các chuyên gia nói rằng bạn không nên ghi thông tin về sở thích hay thời gian nghỉ việc của bạn.
4. Phỏng vấn
Khi bước vào một phòng họp, bạn cần biết rằng bạn sẽ được đánh giá dựa trên tất cả mọi thứ từ trang phục đến cái bắt tay của mình.
Với kiến thức, sự chuẩn bị và thực hành đầy đủ, cuộc phỏng vấn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trên thực tế, có một số kỹ năng tâm lý có thể giúp bạn gây ấn tượng với người đối diện.
Ví dụ, các nhà tâm lý nói rằng bạn có thể thể hiện sự tự tin và tôn trọng bằng cách nói một câu như: “Tôi thích công việc của bạn trong [lĩnh vực nào đó]. Nó làm tôi nhớ lại công việc của mình trong [lĩnh vực nào đó].”
Khi được hỏi điểm yếu lớn nhất của bạn là gì, đừng ba hoa rằng bạn rất hoàn hảo. Thay vào đó, hãy trung thực và nói một điều nào đó kiểu như: “Tôi không chắc mình luôn ngăn nắp cho lắm” hay bất cứ điều gì đúng với bạn.
Hãy gửi email cảm ơn sau buổi phỏng vấn, trong đó bạn tham chiếu lại các chủ đề mà bạn đã thảo luận.
5. Cái bắt tay chắc chắn
Tác giả Drake Baer ở trang Tech Insider cho biết, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 70% người được hỏi nói rằng họ không cảm thấy tự tin rằng mình đã bắt tay đúng cách.
Một cái bắt tay ‘mềm nhũn’ tại một cuộc phỏng vấn hay một sự kiện xã hội, sẽ làm người khác cảm nhận rằng bạn không tự tin hay vô cảm.
Dưới đây là hướng dẫn bắt tay đúng cách, theo nhà văn Tom Chiarella:
“Trên đường phố, hành lang, điều chỉnh vai của bạn một cách vuông vắn. Khi bắt tay, giữ giao tiếp bằng mắt, nắm chặt vừa phải, tạo thành một góc vuông với khuỷu tay áo. Đừng rung tay lên xuống, trừ khi người kia làm như vậy. Sau đó rút tay về. Cười. Nếu bạn không cười, như thế là chưa lịch sự…”
6. Mặc quần áo như những người thành công
“Mặc quần áo như người thành công” thực sự hiệu quả – một nghiên cứu cho thấy rằng những sinh viên mặc comple, khác với quần áo thể thao hay quần áo bình thường của họ, đã thể hiện tốt hơn trong các cuộc đàm phán. Đó là do đối tác đàm phán tôn trọng và nể nang họ nhiều hơn.
Nếu bộ comple hay những quần áo khác quá mắc tiền với bạn, bạn có thể áp dụng quy tắc “1/3” để có thể mua được những bộ quần áo phù hợp trong khoản kinh phí của mình: “Mua 1/3 số lượng quần áo bạn có thể mua, nhưng bỏ tiền gấp ba lần ở mọi thứ, cho dù đó là chiếc váy hay cà vạt”. (Tức là đừng mua quá nhiều quần áo, mua ít nhưng chất lượng cao).
7. Đàm phán về mức lương của bạn
Yêu cầu nhà tuyển dụng cho một mức lương cao hơn hay kiến nghị sếp tăng lương có thể khiến một số người lảng tránh nó hoàn toàn. Nhưng nếu bạn không thể thương lượng, bạn có thể bỏ lỡ một tài sản lớn trong suốt sự nghiệp của mình.
Hãy luyện tập đàm phán bắt đầu bằng việc đàm phán giả lập với một người bạn đáng tin cậy hay đồng nghiệp, đầu tiên bạn đóng vai chính mình và sau đó đóng vai người chủ. Khi bạn bước vào quá trình đàm phán thực tế, đừng quên rằng bạn có thể thương lượng cả hình thức phi tiền tệ, ví như thời gian nghỉ phép.
Nếu bạn vẫn không thể có con số mình muốn, hãy yêu cầu một quá trình thẩm định tăng lương nhanh chóng.
8. Đúng giờ
Sẽ không chuyên nghiệp chút nào nếu bạn luôn xông vào giữa cuộc họp và bắt đầu công việc trễ hơn so với người khác. Hãy học cách đến đúng giờ, hay tốt hơn hết là đến sớm hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng ông chủ đánh giá những nhân viên đến văn phòng sớm cao hơn so với những nhân viên đến trễ, ngay cả khi những nhân viên này đến sớm về sớm.
Nếu thời gian bắt đầu làm việc sớm không thuận tiện cho bạn, bạn có thể nói chuyện với quản lý để tạo ra một lịch trình linh hoạt hơn, và hãy chắc rằng bạn sẽ đi đúng giờ định ra.
9. Quản lý thời gian của bạn
Không chỉ số lượng giờ làm việc xác định năng suất của bạn, mà còn là cách bạn sử dụng thời gian thế nào. Nếu bạn không biết cách làm việc tốt nhất, bạn có thể sẽ lãng phí cả ngày làm việc.
Chuyên gia năng suất Chris Bailey đề xuất tìm kiếm “thời gian sinh học tốt nhất” hay các giờ trong ngày mà bạn có nhiều năng lượng nhất. Hãy sử dụng những giờ này để làm các công việc yêu cầu sự tập trung cao nhất.
Đối với nhiều người, những giờ đầu buổi sáng là thời gian tốt nhất để làm những nhiệm vụ có đòi hỏi khắt khe. Đó là vì một hiện tượng được gọi là “quyết định mệt mỏi” mô tả rằng năng lượng tinh thần của chúng ta sẽ giảm dần về cuối ngày.
Trong khi đó, Étienne Garbugli, một chuyên gia sản phẩm và tiếp thị ở thành phố Montreal, Canada và là tác giả của cuốn “Lean B2B: Build Products Businesses Want”, khuyên các chuyên gia trẻ nên ngừng làm việc đa nhiệm và hạn chế số giờ làm việc của họ lại.
10. Hãy để ông chủ chú ý đến bạn
Công bằng mà nói, ý kiến của ông chủ có một tác động rất lớn đến sự thành công trong nghề nghiệp của bạn.
Tuy nhiên, bạn không cần phải trở thành một kẻ nịnh hót hay một người nghiện làm việc để thu hút sự chú ý của họ. Thay vào đó, hãy cố gắng “làm hài lòng sếp” bằng cách nhận ra điều gì thực sự quan trọng đối với người quản lý của bạn và đi giải quyết nó.
Bạn cũng có thể gây ấn tượng với ông chủ của mình bằng cách thiết lập (và đạt được) những mục tiêu xa hơn, những mục tiêu xa hơn những gì người khác nghĩ là có thể.
11. Hỏi lời khuyên
Hầu hết chúng ta đã ở trong một tình huống mà cần sử dụng lời khuyên và chuyên môn của người khác, nhưng chúng ta lại sợ khi yêu cầu điều này, sự lo sợ này rất không tốt, phải vượt qua nỗi sợ này.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc hỏi lời khuyên có thể làm bạn trông chuyên nghiệp hơn. Đó là bởi vì, khi bạn hỏi một người nào đó một lời khuyên, bạn làm họ cảm thấy mình thông minh và hiểu biết, vì vậy, họ sẽ nhận thấy mặt tích cực của bạn.
12. Nói chuyện trước công chúng
Nói chuyện trước công chúng cũng như trả lời phỏng vấn là một trong những kinh nghiệm chuyên môn cực kỳ “đáng sợ”. Nhưng cho dù nghề nghiệp của bạn là gì đi nữa, bạn sẽ rất khó thăng tiến mà không phải làm một bài thuyết trình hay nói trước đám đông.
Hãy vượt qua sự lo lắng trước khi bước lên bục thuyết trình bằng việc chăm chú theo dõi các bài thuyết trình trước đó.
13. Nói “không”
Hãy thử nói không, đơn giản vì bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Khi người đồng nghiệp thiện chí của bạn nhờ bạn đọc bản bản cáo của cô ấy ngay trong đêm trước khi bạn báo cáo với quản lý, bạn có lẽ phải nói “không” với đồng nghiệp.
Chỉ là vấn đề bạn cần nói như thế nào?
Những người thành công thường cố gắng hiểu rõ mức độ quan trọng của việc người khác yêu cầu, và sau đó xác định xem nó có phù hợp với mục tiêu cá nhân của họ hay không. Nếu nó không phù hợp, họ từ chối yêu cầu đó và giải thích lý do.
14. Ngủ đủ giấc
So với một bài phát biểu nơi công cộng hay thương lượng tăng lương, nghỉ ngơi một đêm có vẻ dễ dàng giống như ăn một miếng bánh vậy. Tuy nhiên, theo Kevin Loria của Teach Insider thì hơn 30% người Mỹ ngủ ít hơn 6 giờ một đêm, điều này nghĩa là có nhiều người đang bị thiếu ngủ trầm trọng.
Gần đây, nhà sáng lập Huffington Post kiêm tổng biên tập Arianna Huffington đã nói với tờ Business Insider về những ảnh hưởng của thiếu ngủ tại nơi làm việc:
“Các nhà khoa học thấy rằng vỏ não trước trán có một phần vai trò điều hành lãnh đạo, có chức năng giải quyết vấn đề, chức năng xây dựng đội nhóm, nó sẽ suy thoái nếu chúng ta ngủ không đủ giấc. Vì vậy, khả năng đánh giá mọi việc trong kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực nếu chúng ta không ngủ đủ giấc”.
Vì vậy, hãy cố gắng ngủ tốt hơn trong suốt tuần làm việc, bao gồm cả việc tắt thiết bị điện tử 20 phút trước khi đi ngủ và viết tất cả mọi thứ làm phiền bạn ra giấy để nó không đè nặng lên tâm trí bạn.
Theo Business Insider
Hoàng Vũ
Xem thêm:
Từ khóa công việc kỹ năng giao tiếp kỹ năng chuyên nghiệp