3 phương pháp dạy trẻ ngoan ngoãn mà không cần nổi nóng
- Mộc Lan
- •
Khi con cái không nghe lời, cha mẹ có thể sẽ nổi giận và quát mắng, sau đó là rơi vào tình trạng tự trách cực độ và thầm hạ quyết tâm sau này sẽ tự kiềm chế. Thế nhưng điều tương tự vẫn tiếp tục ở những lần sau.
Trẻ bỏ học, cãi lời, mê game…, bố mẹ vẫn chỉ biết mỗi cách đánh đập, quát mắng, trừng trị. Có lẽ điều này đều đã từng xảy ra với rất nhiều các bậc cha mẹ và nó thậm chí còn là trạng thái bình thường trong một số gia đình.
Trong thời gian ngắn trẻ có lẽ sẽ miễn cưỡng tuân theo sự nghiêm khắc của cha mẹ, thấy cha mẹ nổi giận thì sẽ thỏa hiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, khi việc nổi nóng trong lúc dạy con đã trở thành trạng thái bình thường, trẻ sẽ quen dần với điều đó và cuối cùng sẽ không còn nghe lời nữa.
Bắt trẻ nghe lời bằng cách nổi nóng – khởi đầu của những bi kịch
Một người bạn đã kể cho tôi câu chuyện ở gần chỗ anh, một người mẹ trong lúc dạy con đã không kiềm chế được nóng giận mà gây ra hậu quả lớn. Vào tối nọ, đứa con trai 6 tuổi cứ mè nheo mãi mới chịu vào bàn học, đến khuya mới làm xong bài tập, mẹ kiểm tra thấy còn nhiều lỗi sai nữa. Lúc đó, người mẹ mặc dù đã bắt đầu thấy nóng mặt rồi nhưng vẫn cố gắng kiên nhẫn để giảng giải cho con.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng giải, người mẹ để ý thấy con trai mình lơ đễnh và tỏ ra không hiểu lời mẹ. Cô vừa nhìn đồng hồ vừa nghĩ đến một đống việc còn chưa làm xong, mà đứa con trai cứ ương ương ra như vậy, trong lòng như lửa đốt. Cuối cùng không kìm được sự tức giận nữa, cô bèn hét lên và tát vào mặt con. Trong vài ngày tiếp theo, cậu bé liên tục bị ho.
Đứa bé sau đó được đưa đến bệnh viện chụp X-quang, phát hiện một chiếc răng đã chặn ống phế quản khiến cậu bé khó thở do thiếu oxy trong cơ thể. Sau một ca phẫu thuật dài, chiếc răng đã được lấy ra.
Hóa ra chiếc răng gãy này chính là kết quả của cái tát rất mạnh trong lúc nóng giận của người mẹ vào tối hôm đó. May mắn là đã phát hiện sớm để chữa trị, nếu không, không biết hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào.
Từng có rất nhiều bi kịch nặng nề hơn nữa đã xảy ra do cha mẹ mất kiểm soát cảm xúc khi xử lý kỷ luật con cái. Lúc đó cha mẹ ân hận cũng không kịp nữa, thiệt hại gây ra là không thể cứu vãn.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp chuyện không như mong đợi, đồng thời lại có sự khác biệt về quan điểm, cha mẹ hầu hết đều muốn con làm theo ý mình. Một khi con cái làm điều gì trái ý, phản ứng đầu tiên là nổi giận. Dù sao thì nổi giận cũng không cần phải đầu tư quá nhiều cố gắng để nhẫn nại nói phải trái hay suy nghĩ xem sẽ cần phải dùng kiến thức nuôi dạy con cái nào.
Các bậc cha mẹ đều hiểu rằng giáo dục con mà chỉ dựa vào cơn nóng giận để bắt trẻ nghe lời cũng là khởi đầu của rất nhiều bi kịch. Để giáo dục con ngoan mà không cần quát mắng hay la hét khó vậy sao?
3 cách để khiến trẻ nghe lời mà không phải nổi nóng
Nhiều khi các bậc phụ huynh trong cơn nóng giận đã vô tình nói những lời gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của con trẻ. Và tác động của những lời nói này thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, không như những gì họ mong đợi.
“Đừng quát nạt, đừng la mắng: Cách bình tĩnh để trẻ hợp tác với cha mẹ” là cuốn sách về giáo dục gia đình của chuyên gia giáo dục nuôi dạy con Rhona Rayner. Dưới đây là 3 cách để khiến trẻ nghe lời mà không nổi giận được trình bày trong cuốn sách.
1. Phương pháp “ABCDE”
A (Ask) – Hỏi: Khi cha mẹ nhận ra rằng mình sắp nổi giận, trước tiên hãy tự “hỏi” lòng mình, xem vấn đề này có đáng để nổi giận hay không, liệu nó có phải là đang “chuyện bé xé ra to” hay không. Sự phán đoán sơ bộ trong quá trình này là điều cần thiết để tạo nền tảng cho việc bình tĩnh lại.
B (Breath) – Điều chỉnh nhịp thở: Khi cảm xúc dâng trào, nhịp thở thường nhanh, do đó, điều chỉnh nhịp thở vào lúc này cũng có lợi cho việc xoa dịu tâm trạng.
C (Calm) – Bình tĩnh lại: Sau phán đoán ban đầu, hãy điều chỉnh cảm xúc để bình tĩnh lại.
D (Demand) – Nhu cầu: Nghĩ xem lúc này trẻ cần gì, cha mẹ có cần động viên hay sửa sai điều gì khi gặp chuyện này không. Rốt cuộc thì cha mẹ vẫn luôn nên hành động theo lý trí.
E (Empathy) – Đồng cảm: Hãy nghĩ về điều đó theo quan điểm của trẻ và cho trẻ biết rằng cha mẹ hiểu mình. Hành động này sẽ kéo gần mối quan hệ giữa hai bên và tạo nền tảng tốt cho những kỷ luật tiếp theo.
2. Phương pháp “4C”
Communication – Giao tiếp: Giao tiếp cần ngắn gọn, cụ thể và tập trung vào sự việc hơn là phát tiết, trút giận. Ví dụ, không để trẻ nghịch nước, nên nói thẳng “đừng nghịch nước” thay vì đe dọa trước “con nghe đây…” rồi mới vào vấn đề. Giao tiếp cũng cần chân thành, bình đẳng và để trẻ cảm thấy được tôn trọng.
Choices – Lựa chọn: Khuyến khích đứa trẻ đưa ra một số đề nghị cho vấn đề, hãy cho trẻ cơ hội lựa chọn thay vì trực tiếp ra lệnh hoặc uy hiếp.
Consequences – Kết quả: Tốt hơn hết là hãy nói cho trẻ biết những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, để trẻ cân nhắc và có tinh thần trách nhiệm.
Connection – Kết nối: Cho dù trẻ có bao nhiêu lỗi lầm, cha mẹ nên để trẻ cảm thấy rằng cha mẹ vẫn yêu thương mình, mối liên kết mật thiết sẽ không bị phá vỡ.
3. Lựa chọn cách giáo dục theo tính khí của trẻ
Tâm lý học phân loại tính khí của trẻ em gồm thích ứng, nhạy cảm, tập trung,… Mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau do đó nên được giáo dục theo phương pháp phù hợp.
Ví dụ, đối với trẻ thuộc tuýp hoạt bát và hiếu động, khi thấy trẻ chạy tới chạy lui trong phòng, nếu bạn cảm thấy bực bội và cố thay đổi trẻ ngay lập tức thì bạn sẽ chỉ đang tự tìm phiền não cho mình.
Trường hợp trẻ nhạy cảm, cha mẹ cần chú ý đến nội tâm, cảm thụ của trẻ khi nói chuyện cùng. Đồng thời, nên xem xét cảm xúc của trẻ và khuyến khích trẻ biểu đạt nhiều hơn.
Một số trẻ lại thích hỏi rất nhiều trong cùng một khoảng thời gian. Bạn có thể quy định với trẻ trước rằng “con có thể hỏi 5 câu”, sau đó, nếu trẻ vẫn tiếp tục hỏi, bạn có thể không cần phải trả lời. Bởi vì trẻ đã đồng ý với giao ước này, trẻ cũng sẽ không phàn nàn hay ấm ức với bạn.
Tóm lại, bạn nên hiểu và chấp nhận đặc điểm và tính cách của trẻ, không nên ép buộc trẻ phải theo ý mình.
Nhà tâm lý học lâm sàng Laura Markham cho rằng: “Khi chúng ta la mắng một đứa trẻ – hoặc thậm chí đe dọa chúng một điều gì đó như ‘Mẹ bắt đầu thấy giận rồi đấy’ – nghĩa là chúng ta đang huấn luyện đứa trẻ la hét. Chúng ta đang huấn luyện bọn trẻ la hét khi chúng buồn bực và việc la hét đó giải quyết được các vấn đề.”
Ngược lại, những bậc cha mẹ biết kiểm soát cơn nóng giận của mình là đang giúp con cái họ học cách làm tương tự. “Trẻ em học cách điều tiết cảm xúc từ chúng ta,” cô nói.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Mời xem video hay: Những bậc phụ huynh hay nổi nóng, con cái sẽ như thế nào?
Từ khóa Dạy con Phương pháp dạy con khoa học nổi nóng kiềm chế