Dù chỉ đỗ trung khoa, nhưng với đức hạnh của mình, Đặng Trần Diễm được bổ nhiệm làm đại quan, giữ chức vụ trọng yếu mà chỉ những ai đỗ tiến sĩ mới được bổ nhiệm. Hơn nữa ông còn có công dạy con, rèn luyện ra ba nhân tài cho đất nước.

Đỗ trung khoa nhưng làm “Đông các đại học sĩ”

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Đặng Trần Diễm sinh năm 1705 ở thôn Kim Hoàng, làng Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội trong một gia đình nghèo khó nhưng hiếu học. Gia phả họ Đặng Trần ở Vân Canh chép rằng Đặng Trần Diễm lúc mới sinh nhà nghèo lại yếu ớt, nhưng rất có chí, thích tầm thư học đạo rèn chữ Thánh hiền.

Bấy giờ Thám hoa Vũ Thạnh là bậc danh sư tiếng tăm nhất thời đó. Vũ Thạnh dựng trường Hào Nam bên bờ hồ bảy mẫu phía nam Kinh thành Thăng Long, rất nhiều trò giỏi và gia đình danh giá đều đến làm học trò Vũ Thạnh.

Từ làng Vân Canh đến nơi ấy khá xa, nhưng cậu học trò Đặng Trần Diễm vẫn nuôi chí tìm đến xin được học. Dần dần Đặng Trần Diễm có thể giảng lại bài cho những đứa trẻ khác, vì thế mà làm thầy ngay từ khi còn là học trò. Nhờ có cái tài ấy mà Đặng Trần Diễm có thể thu tiền trang trải cho việc học của mình.

Khoa thi năm 1730, Đặng Trần Diễm vượt qua tứ trường kỳ thi Hương, đỗ Hương cống, tương đương với cử nhân. Thời đấy xem đỗ Hương là đỗ trung khoa chứ chưa phải đại khoa, nếu vượt qua kỳ thi Hội vào thi Đình mới được xem là đỗ đại khoa.

Đỗ thi Hương, Đặng Trần Diễm được giao giữ các chức quan nhỏ. Nhưng là người có đức hạnh, dần dần ông được giữ những chức vụ cao như Tri huyện Đông Ngàn đến Hiến sát sứ Hải Dương, rồi Tri phủ Trường Khánh. Đây là những chức vị dành cho người đỗ cao.

Sau đó bằng tài năng và đức hạnh của mình, Đặng Trần Diễm được phong chức Đông các đại học sĩ. Đây vốn là chức vụ chỉ dành cho những ai đỗ tiến sĩ, thậm chí nằm trong Tam khôi (3 người đỗ đầu), còn đỗ đến thi Hương thì chưa ai được làm.

Trong các bản sắc phong đời Cảnh Hưng có ghi lại Đặng Trần Diễm là vị quan đa tài, lại có đạo đức mẫu mực nên được Vua tin dùng, lại còn kiêm các chức khác như giám thị, giám khảo, biên tu…

Đặng Trần Diễm: Tấm gương “giáo tử đăng khoa” thời nhà Lê
“Bảng vàng” thời xưa. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Được Vua sắc phong “giáo tử đăng khoa”

Đặng Trần Diễm dù đã có tuổi nhưng vẫn chưa có con, ông thường đến đền Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng cầu mong có con, sau đó vợ ông sinh được 3 người con trai. Để tỏ lòng biết ơn, ông cho con mang họ Lý, họ lót là Trần. Cả ba người con đều học giỏi thành tài là Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ năm 1766, Lý Trần Dự đỗ tiến sĩ năm 1769, Lý Trần Thản đỗ tiến sĩ năm 1769 (đỗ cùng khoa với anh mình).

Người con cả Lý Trần Quán được giao nhiều trọng trách và đều hoàn thành xuất sắc, được sắc phong làm Thiêm sai tri bình phiên, Đông các đại học sĩ, Quốc Tử Giám tư nghiệp.

Khi chúa Trịnh Khải chạy trốn quân Tây Sơn đã đến nhờ Lý Trần Quán giúp đỡ. Không ngờ một học trò của Lý Trần Quán là tướng cướp biết được liền bắt Chúa giao cho Tây Sơn để lấy thưởng, khiến Chúa phải tự sát trên đường.

Ân hận vì không cứu được Chúa, Trần Quán cho rằng lỗi tại mình nên sai người đào huyệt rồi tự chôn sống. Trước khi mất ông nói một câu nổi tiếng: “Đạo hiếu ba năm đã trọn, chữ trung mười phần chưa xong”. Tấm lòng trung liệt của Lý Trần Quán được lưu truyền mãi về sau.

Con thứ hai Lý Trần Dự làm quan đến chức Đô sự trung, sau thăng lên làm Đốc đồng Lạng Sơn. Khi mất, ông được phong chức Đãi chế viện hàn lâm, Lâm tá lang.

Con thứ ba Lý Trần Thản làm tri huyện Phú Xuyên 21 năm. Ông được giao dạy dỗ con trai của chúa là Trịnh Khải, làm Biên tu, Đốc lĩnh các đạo Hưng – Tuyên, làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Sau ông làm tới Thượng thư bộ Binh rồi tham dự việc trông coi biên soạn sách vở ở Viện Hàn lâm. Làm quan thanh liêm ông được tặng mỹ tự “đoan nhã, chính trực”. Ông cũng là con rể của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Lý Trần Thản được tặng tước bá, phong Đông các đại học sĩ, Kim tử vinh lộc đại phu. Khi mất được truy tặng Trung lương đại vương, Trung đẳng phúc thần, tước Tuy quận công. Vì có công với làng nên được phong làm Thành Hoàng làng Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nay đình làng nơi thờ ông đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Dạy dỗ 3 người con đỗ đạt thành tài, Đặng Trần Diễm vinh dự được Vua sắc phong “giáo tử đăng khoa” nghĩa là dạy con đỗ đạt. Gia đình ông trở thành mẫu mực cho tấm gương hiếu học và trung với Triều đình.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “sự đối nghịch giữa văn hóa truyền thống và ý thức hiện đại”: