3 sai lầm lớn nhất của cha mẹ làm cạn kiệt phúc khí của con cái
- Triệu Lượng Hiền
- •
Cha mẹ nào cũng mong con mình hạnh phúc và thành công. Thế nhưng trong quá trình nuôi dạy, nhiều người lại vô tình mắc những sai lầm không thể cứu vãn khiến phúc khí của con bị bào mòn từng ngày. Bởi lẽ, phúc khí của một đứa trẻ không đến từ sự kiểm soát hay nuông chiều, mà bắt nguồn từ sự động viên, tin tưởng và biết buông tay đúng lúc của cha mẹ.
“Cha mẹ là định mệnh trong nửa đời đầu của con cái, con cái là phúc khí trong nửa đời sau của cha mẹ”. Tôi rất đồng tình với điều này, duyên phận giữa cha mẹ và con cái vốn là một hành trình cùng nhau vun đắp và hoàn thiện.
Thế nhưng trong thực tế, nhiều bậc cha mẹ vô tình mắc sai lầm — có người dùng lời nói làm tổn thương con, có người biến sự ‘quan tâm’ thành gánh nặng, hoặc nuông chiều quá mức khiến con mất đi đôi cánh của mình. Những hành động tưởng chừng ‘vì tốt cho con’ ấy lại chính là sự tổn thất lớn nhất trong gia đình.
1. Tổn thương quá mức về mặt tình cảm: Lời nói như dao, cắt đứt sự tự tin của con
Nhà tâm lý học Vũ Chí Hồng trong sách ‘Tại sao gia đình lại làm tổn thương chúng ta?’ đã viết: “Sự phủ nhận và tổn thương tinh thần từ cha mẹ đối với con cái chính là một dạng giết dần giết mòn tâm hồn”. Câu nói này chạm đúng vào nỗi đau âm thầm của biết bao gia đình. Có những bậc cha mẹ luôn tươi cười với người ngoài, nhưng lại lạnh lùng, cay nghiệt với chính con mình: con đạt 98 điểm thì nói “con nhà hàng xóm chưa từng dưới 99 điểm”; con học vẽ thì mắng “vẽ vời vớ vẩn, có ăn được không”. Những lời này như đinh đóng vào tim con, để lại vết sẹo không bao giờ phai.
Người bạn Tiểu Vũ từng bật khóc kể rằng, khi anh khởi nghiệp, cha anh luôn dội gáo nước lạnh: “Cái đầu óc như mày, sớm muộn gì cũng làm tiêu tan hết gia sản”.Sau này, dù đã thành công, anh lại mắc chứng mất ngủ nặng — “Dù kiếm được bao nhiêu tiền, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác tự ti ‘mình không xứng đáng’.” Cha mẹ thường nghĩ rằng “đả kích sẽ khiến con cái mạnh mẽ hơn”, nhưng không biết rằng, phúc khí của con nằm ở sự tự tin, mà sự tự tin ấy chính là món quà đầu tiên cha mẹ trao cho con. Khi tổn thương tình cảm trở thành chuyện cơm bữa trong gia đình, thì dù đã trưởng thành, con cái vẫn sẽ mang theo xiềng xích của cảm giác “không xứng đáng”, trở nên e dè trước hạnh phúc.
2. “Quan tâm” không buông tay là gánh nặng lớn nhất
Trong Lễ Ký viết: “Yêu mà không đúng cách, chẳng khác nào làm hại.” Một số bậc cha mẹ tuy bản thân không có nhiều điều kiện, nhưng lại thích can thiệp vào cuộc sống của con cái: con đi xin việc thì ép thi công chức ở quê với lý do “ổn định”; con con có lựa chọn riêng thì liền gạt bỏ vì “cha mẹ sống lâu hơn nên biết nhiều hơn”.
Tình yêu ấy khoác áo “quan tâm”, nhưng lại khiến con nghẹt thở. Cha mẹ không chịu buông tay, con không thể trưởng thành — đó là một dạng gánh nặng, không phải tình thương.
Cổ ngữ có câu: “Cha mẹ yêu con, thì phải có kế hoạch xa”. Mà kế hoạch xa không phải là vẽ đường sẵn cho con đi, mà là dạy con đủ mạnh để tự chọn hướng đi cho chính mình. Cha mẹ lùi một bước, con mới có chỗ để bước tới. Đó mới là món quà lớn nhất.
3. Nuông chiều quá mức
Trong dân gian có câu tục ngữ: “Nuông con như hại con, yêu chiều sinh con nghịch”. Thật sự rất thấm thía. Một số bậc cha mẹ hiểu sai “nuôi con sung túc” thành “thỏa mãn vô điều kiện”: con đòi điện thoại mới, dù bản thân phải ăn mì tôm cũng cố mua; con không làm việc nhà, liền nói “chỉ cần học giỏi là được, không cần lo gì khác”; thậm chí khi con phạm lỗi, vẫn bênh: “Nó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện”. Sự nuông chiều như vậy chẳng khác nào “ếch ngồi trong nồi nước ấm”, khiến con cái mất dần khả năng sinh tồn và lòng kính sợ cần có.
Nuông chiều thật ra là sự ích kỷ của cha mẹ — không nỡ để con chịu khổ, thực chất là lo sợ không buông tay được. Phúc khí thật sự là cho con học cách độc lập: nhỏ thì tự mặc quần áo, ăn cơm, lớn lên tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Cha mẹ càng “cương quyết”, con càng thành đạt, phúc khí mới bền lâu.
Duyên phận giữa cha mẹ và con cái là hành trình học cách buông tay. Cha mẹ thông thái hiểu rằng: trong tình cảm hãy dành cho con sự khẳng định và ôm ấp để con vững vàng bước vào đời; trong cuộc sống đừng kiểm soát hay níu kéo quá mức, hãy để con được sai, được ngã và trưởng thành; trong giáo dục thì từ chối nuông chiều, học cách lùi lại để con có đôi cánh tự do bay xa.
Hãy nhớ: trong ánh mắt cha mẹ chứa đựng cả phúc khí của con. Bớt lời phủ định, thêm sự động viên; bớt can thiệp, thêm tôn trọng; bớt nuông chiều, thêm kỷ luật. Khi cha mẹ biết yêu thương bằng trí tuệ, phúc khí của con sẽ như hạt giống được gieo vào mảnh đất lành — rồi nảy mầm, đơm hoa và kết trái. Đó mới là món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang
Từ khóa Phúc khí cha mẹ sai lầm lớn của cha mẹ
