Cùng nói một nội dung nhưng có người nói mát lành như gió xuân, có người như đang đâm chọc vào lòng người ta. Cùng xử lý một việc nhưng có người rất hợp tình hợp lý, có người lại cực kỳ thô lỗ. Tất cả những điều này đều liên quan mật thiết đến trí tuệ cảm xúc của mỗi người.

pha tro
(Ảnh: Everett Collection/ Shutterstock)

Dưới đây là 4 biểu hiện thường thấy ở một người có trí tuệ xúc cảm thấp:

1. Thích dạy dỗ người khác

Cư dân mạng Alai từng chia sẻ câu chuyện của mình. Trong một buổi họp lớp, người bạn học đã lâu không gặp cũng góp mặt. Người bạn này vốn làm việc ở một đơn vị nhà nước ăn nên làm ra, sự nghiệp đang lên như diều gặp gió. Trong suốt cuộc trò chuyện, anh ta đã cố gắng thuyết phục Alai đi thi công chức vào chỗ anh ta làm. Alai nói rằng anh thích công việc hiện tại của mình, đang có thể nhìn thấy triển vọng và anh cũng không có kế hoạch tham gia kỳ thi tuyển nào vào thời điểm này.

Bạn học cũ tỏ thái độ cao ngạo và nói: “Những người như bạn tầm nhìn hạn hẹp. Làm việc ở công ty tư nhân, thường xuyên phải làm thêm giờ, còn phải đối mặt với việc bị sa thải bất cứ lúc nào. Còn nhắc đến tiền đồ gì chứ?”

Alai chỉ có thể cười miễn cưỡng và nói: “Tôi biết phúc lợi đãi ngộ ở chỗ bạn rất tốt nhưng đó không phải điều tôi theo đuổi.”

Anh bạn kia vẫn cố chấp: “Bạn đi làm không phải là theo đuổi sự ổn định và đãi ngộ, chẳng lẽ là chỉ muốn làm người tốt, làm việc thiện sao?”

Alai không nói được lời nào, bầu không khí tại bàn ăn bỗng nhiên vô cùng khó xử.

Mạnh Tử nói: “Nhân chi hoạn, tại hảo vi nhân sư” (Tai họa của người ta là ở chỗ cứ muốn làm thầy người khác).

Một vài lời khuyên đúng lúc mới có thể khiến mọi người cảm kích, rao giảng nhiều lời chỉ có thể khiến mọi người chán ghét. Không ai đủ tư cách để khoa tay múa chân về cuộc sống của người khác, càng không có tư cách để chỉ trích, phê bình về lựa chọn của người khác.

Một người có phẩm chất tốt đẹp thể hiện ở sự khiêm nhường và tôn trọng mọi người. Họ chắc chắn sẽ tránh việc xen vào cuộc sống của người khác và chỉ bảo cho ai phải làm gì.

2. Thích tranh luận

Sở thích lớn nhất của anh H là tranh luận với mọi người.

Ví dụ như khi một đồng nghiệp cho rằng kế hoạch A là tốt, anh H không quan tâm đến việc nó có hợp lý hay không, mà sẽ luôn tìm ra một loạt các vấn đề về kế hoạch đó. Hay khi một người bạn đang muốn ăn thứ gì đó để giảm căng thẳng, anh H cũng không thèm quan tâm đến tâm trạng của người ta thế nào, cứ một mạch liến thoắng nào là ăn lẩu dễ béo, ăn đồ nướng dễ ung thư…

Thường thì mọi người cũng chỉ nói với nhau vài câu rồi thôi nhưng đối với anh H thì khác, kể cả đến thời khắc quan trọng, anh H vẫn không thể “hãm phanh” lại.

Có lần, lãnh đạo tiếp khách, tình cờ anh H lại cũng đi cùng đoàn. Trong bữa tối, lãnh đạo nói về những điểm nổi bật trong dự án hợp tác giữa hai bên, không ngờ anh H lại cao hứng thao thao bất tuyệt về những vấn đề của dự án.

Sau bữa tối, lãnh đạo gặp riêng anh H, nghiêm túc nói: “Anh có biết tại sao làm việc nhiều năm như vậy mà vẫn không được thăng chức không? Hãy suy nghĩ thật kỹ về cái miệng của anh đi!”

Anh H tự cho mình là thẳng thắn, nhưng thật ra chỉ thích khoe tài ăn nói của mình, thích tranh luận trong chốc lát. Tuy nhiên, kết quả lâu dài lại cực kỳ phản tác dụng, anh H không chỉ mất đi các mối quan hệ mà còn mất luôn cả các cơ hội thăng tiến.

Dùng lời nói để áp chế đối phương và khoe khoang hiểu biết bị xem là hành vi có trí tuệ cảm xúc thấp kém.

Những người có chỉ số EQ thấp thường khó đạt được thành công. (Ảnh: 

3. Dễ dàng phát hỏa

mâu thuẫn gia đình
Nóng nảy chỉ có thể làm cho người thân quay lưng lại với nhau, khiến các mối quan hệ tan vỡ. (Ảnh: Shutterstock)

Trong bộ phim truyền hình Trung Quốc “Mùa gặp lại”, cô Giản Mẫn Mẫn là người rất nóng tính. Một lần, cha của cô và ông Thôi xảy ra tranh chấp. Cô Giản không thèm hỏi câu nào mà trực tiếp đến thẳng nhà họ Thôi đập phá. Ngày hôm sau, cô Giản lại tiếp tục đến đơn vị của bà Thôi và làm ầm ỹ lên để mọi người đều biết chuyện, ép đến nỗi bà phải nghỉ việc. Cô Giản tưởng chừng như thắng được một trận này nhưng thực ra là đã chôn chặt mầm hận trong lòng những người con nhà họ Thôi.

Một lần khác, khi xảy ra mâu thuẫn với chồng, cô Giản hùa với người ngoài tìm sơ hở của chồng, đe dọa khiến anh chồng bị dồn vào đường cùng, cho tất cả đổ bể luôn, “ngọc đá cùng nát”!

Hàng loạt hành động của cô Giản khiến những người thân quay lưng lại với cô, số lượng kẻ thù ngày càng nhiều, cũng khiến cho tính cách của cô ngày càng trở nên nóng nảy, tàn nhẫn.

Trong tiếng Hán, chữ “Nộ” 怒, nghĩa là tức giận, gồm phần trên là chữ “Nô” 奴, nghĩa là nô lệ, và phần dưới là chữ “Tâm” 心, nghĩa là trái tim. Một người không kiểm soát được cảm xúc của mình thì chỉ có thể là làm nô lệ của cảm xúc. Do vậy, chỉ bằng cách kiểm soát cảm xúc, mới có thể làm chủ cuộc đời mình.

4. Chọc vào chỗ đau của người khác

Lý do khiến N luôn bị mọi người không ưa nổi là cậu ta luôn thích lôi vết sẹo của người khác ra tán gẫu.

Một ngày nọ, khi N và cô bạn đang nói chuyện với nhau, cậu ta vừa chỉ vào nếp nhăn của cô bạn và nói: “Đúng là già rồi, nhìn mấy cái nếp nhăn này, nhìn mấy sợi tóc bạc này, thật đúng là năm tháng không buông tha người ta!” Mặt mũi cô bạn đột nhiên trở nên méo xẹo. Bất cứ cô gái nào đang ở độ tuổi thanh xuân có lẽ đều không muốn ai đó nói rằng mình đã già trước mặt mọi người.

Một ngày khác, các đồng nghiệp ăn tối cùng nhau. N ngoảnh sang nhìn cô gái đang ngồi ăn bên cạnh, rồi nói giữa bao nhiêu người: “Này bạn, ăn ít đi. Cái cằm này sắp rơi xuống đất rồi đấy!” Mà mập mạp lại chính là điều mà cô tự ti nhất. Lời vừa nói ra, không khí trên toàn bộ bàn ăn bỗng dưng trở nên ảm đạm.

Mỗi người đều không hoàn hảo, cuộc sống của ai cũng sẽ có điểm yếu, có chỗ khuyết riêng. Nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của người khác, vạch ra vết sẹo của người khác, chọc vào chỗ đau của người khác, những mối quan hệ sẽ khó mà tốt đẹp như trước được nữa.

Nói năng có chừng mực, làm việc gì đều có sự khoan dung, tôn trọng người khác, đó mới là người có trí tuệ cảm xúc cao nhất.