5 điều nhỏ nhặt nhưng chứa đựng trí tuệ lớn, rất đáng đọc
- Trúc Nhi
- •
Đôi khi, những bài học sâu sắc nhất lại đến từ những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống, từ những hành động giản đơn nhưng chứa đựng trí tuệ và giá trị sống lớn lao. Bài viết này sẽ đưa bạn đến với 5 câu chuyện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, giúp bạn chiêm nghiệm và rút ra những bài học quý giá từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhất.
1
Với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, thái độ của Lincoln đối với những người đối lập chính trị đã khiến nhiều quan chức cảm thấy bất mãn. Họ chỉ trích ông vì ông cố gắng kết thân với những người đối lập thay vì đối đầu với họ.
Lincoln trả lời một cách nhẹ nhàng: “Khi họ trở thành bạn của tôi, chẳng phải tôi đang tiêu diệt kẻ thù của mình sao?”
2
Sau khi Einstein đưa ra thuyết tương đối, cộng đồng khoa học đã có những phản ứng trái chiều. Năm 1930, một cuốn sách chỉ trích thuyết tương đối đã được xuất bản ở Đức. Tựa đề của cuốn sách là “Một trăm giáo sư đứng ra chứng minh Einstein sai”.
Khi Einstein phát hiện ra điều này ông không thể nhịn được cười. Ông nói: “Một trăm người, cần gì phải nhiều người như vậy? Chỉ cần có thể chứng minh tôi thực sự sai thì cho dù chỉ có một người đứng ra cũng đủ rồi”.
3
Khi nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Đức là Alexander von Humboldt đến thăm Tổng thống Hoa Kỳ Jefferson, ông nhìn thấy một tờ báo trong phòng làm việc của tổng thống với đầy những lời lăng mạ và công kích tổng thống. Alexander cầm tờ báo lên, tức giận nói: “Sao lại để những lời đồn đại này lan truyền? Sao không hủy tờ báo này đi? Ít nhất thì biên tập viên cũng phải bị trừng phạt nghiêm khắc, tên này phải bị tống vào tù”.
Jefferson mỉm cười và trả lời, “Hãy bỏ tờ báo vào túi, Alexander. Nếu ai đó nghi ngờ về thực tế quyền tự do của chúng ta và quyền tự do báo chí, anh có thể lấy tờ báo này ra và nói cho họ biết anh đã thấy nó ở đâu”.
4
Một ngày nọ, Jefferson cùng cháu trai cưỡi xe ngựa ra ngoài. Trên đường đi, họ gặp một người nô lệ lạ mặt cởi mũ cúi chào họ. Jefferson cũng nhấc mũ đáp lễ, nhưng cháu trai ông đang mải nói chuyện với người khác nên không để ý đến người nô lệ đó.
Jefferson nghiêm túc nói: “Thomas, chẳng lẽ cháu lại để một nô lệ cư xử phong nhã hơn cháu sao?”
Không có lý do gì để thờ ơ với một người đã thể hiện sự tôn trọng với ta, dù ta có vẻ cao quý còn họ thì nghèo hèn. Cách người khác đối xử với ta phản ánh tính cách và tầm mức của họ; còn cách ta đối xử với người khác mới chính là biểu hiện của tính cách và tầm mức của chính ta. Điều đó không phụ thuộc vào thân phận của người kia.
5
Một lần, Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đoàn học trò ấy có Nhan Hồi và Tử Lộ, hai học trò đặc biệt được Khổng Tử yêu quý.
Vào thời kỳ Đông Chu, chiến tranh diễn ra liên miên, các nước chư hầu lâm vào cảnh loạn lạc, dân chúng chịu nhiều khổ cực, đói kém, phiêu bạt. Thầy trò Khổng Tử cũng phải sống trong cảnh thiếu thốn, nhiều khi không có đủ ăn uống, thậm chí có những ngày phải nhịn đói.
May mắn thay, vào ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú lâu nay đã nghe danh Khổng Tử, liền biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử ngay lập tức phân công công việc: Tử Lộ dẫn các học trò vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Khi Tử Lộ và các học trò đi kiếm rau, Nhan Hồi lo việc thổi cơm trong bếp. Khổng Tử ngồi đọc sách ở nhà trên, cách bếp chỉ một sân nhỏ. Đang đọc sách, bỗng nghe một tiếng “cộp” vang lên từ bếp, Khổng Tử dừng lại, nhìn xuống dưới … thấy Nhan Hồi mở vung nồi, lấy đũa xới cơm vào tay, nắm thành từng nắm nhỏ … Sau đó, Nhan Hồi đậy vung lại, nhìn quanh một lượt rồi từ từ đưa cơm lên miệng.
Hành động của Nhan Hồi không qua mắt Khổng Tử. Ông thở dài, ngửa mặt lên trời than: “Trời ơi! Học trò ưu tú nhất của ta lại ăn vụng, phản bội thầy như vậy sao? Bao nhiêu kỳ vọng của ta giờ đây tan biến hết rồi!”
Một lúc sau, Tử Lộ và các học trò mang rau về, Nhan Hồi lại lo việc luộc rau. Khổng Tử vẫn ngồi đó, lòng đầy buồn bã.
Khi rau đã chín, Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; các học trò chắp tay mời Khổng Tử ăn. Khổng Tử ngồi dậy và nói: “Các con à, hôm nay khi đến đất Tề, chúng ta may mắn có được bữa cơm đầu tiên. Cơm này làm thầy nhớ đến quê hương, nhớ đến cha mẹ thầy… Thầy muốn xới một bát cơm dâng lên cha mẹ thầy, các con thấy có nên không?”
Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không sạch!.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao vậy?”
Nhan Hồi trả lời: “Khi cơm chín, con mở vung ra xem cơm đã chín đều chưa. Nhưng một cơn gió thổi vào, bồ hóng và bụi từ trên trần nhà rơi xuống làm bẩn cơm. Con đã nhanh chóng đậy vung lại, nhưng không kịp. Sau đó, con đã xới phần cơm bẩn ra định vứt đi, nhưng nghĩ rằng cơm quá ít mà anh em lại đông, nếu bỏ phần cơm ấy thì mọi người sẽ phải ăn ít hơn. Vì vậy, con đã ăn trước phần cơm bẩn đó, còn phần cơm sạch sẽ dành cho thầy và anh em ăn.”
“Thưa thầy, con đã ăn rồi, bây giờ xin phép không ăn nữa, chỉ ăn phần rau. Và… thưa thầy, nồi cơm đã ăn qua rồi thì không nên dâng cúng nữa”.
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời, thở dài: “Chao ôi! Những việc chính mắt mình thấy mà vẫn không hiểu đúng sự thật! Chao ôi! Suýt nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ!”
Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina
Từ khóa Điều nhỏ nhặt trí tuệ lớn
