Khi đến tuổi trưởng thành, giá như ai cũng có thể đưa ra quyết định kết hôn sáng suốt hơn. Như vậy thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, sức khỏe cảm xúc và tinh thần của con trẻ cũng sẽ được cải thiện to lớn. Thế giới ấy sẽ tràn đầy năng lượng, các mối liên kết và bình yên…

co dau hon nhan
(Ảnh: Shutterstock)

Ngược lại, một cuộc hôn nhân tồi tệ sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc, nguy cơ tiềm tàng gây giảm tuổi thọ. Nghiên cứu cho thấy, khi một người thường xuyên tiếp xúc với những điều không vui và những xung đột trong mối quan hệ, tiến trình lão hóa của các tế bào trong họ diễn ra nhanh hơn.

Vì thế, lựa chọn bạn đời là một quyết định cực kỳ quan trọng, tác động đến tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống, cho hiện tại của bạn cũng như tương lai của những đứa trẻ sau này.

Dưới đây là 5 cách giúp bạn đưa ra quyết định hôn nhân một cách nghiêm túc hơn, bằng việc xem xét mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và cảm xúc:

1. Đừng kết hôn chỉ để chứng minh điều gì đó

Theo văn hóa của chúng ta, việc bước vào lễ đường, ký tên trên tờ giấy hôn thú ít nhiều cũng là biểu tượng cho sự thành công, thịnh vượng, hạnh phúc, trưởng thành và ổn định. Kết quả là, mọi người thường không thấy rằng họ đang dùng hôn nhân để chứng tỏ bản thân với những người xung quanh, và với chính họ.

>> Nghiên cứu của Đại học Harvard: Người như thế nào sẽ sống hạnh phúc nhất?

Một vài người muốn chứng minh cho cha mẹ thấy họ tự lập và đã trưởng thành. Có người lại muốn chứng tỏ với người yêu cũ rằng họ đã tìm được hạnh phúc của đời mình. Một số khác kết hôn là để thoát khỏi gia đình nơi có ông bà, cha mẹ, anh em họ và để chứng tỏ họ có thể tự làm tất cả mọi thứ. Lại có rất nhiều người kết hôn là để tự chứng minh rằng họ có một tương lai tươi sáng và là người hoàn toàn “bình thường”.

Nhưng rốt cuộc, kết hôn không chứng tỏ điều gì cả. Nó chỉ chứng minh cho bản thân thấy rằng bạn có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp đó ở thời điểm hiện tại mà thôi.

Hãy là chính mình, yêu thương và tạo lập mối liên kết với đối phương vì chính con người thật của họ.

2. Đừng lập gia đình để chăm sóc ai đó hoặc để được ai đó chăm sóc

Muốn chăm sóc và được chăm sóc là những nhu cầu rất mạnh mẽ vì chúng có mối liên hệ mật thiết với hệ thần kinh của chúng ta. Muốn có cảm giác mình được chăm sóc, được yêu thương là điều rất đỗi bình thường. Nhưng thật điên rồ nếu bạn cứ mải tìm kiếm một người có thể làm điều mà bạn không thể làm cho chính bản thân mình. Và cũng thật không ổn nếu bạn làm điều mà đáng ra người khác phải tự làm cho chính họ.

Trong mối quan hệ vợ chồng, bạn cần trở nên có trách nhiệm và độc lập. Nếu không, bạn sẽ bắt đầu thấy rối rắm và quá sức vì không biết đâu là chuyện không vui mà họ cần tự gánh và đâu là chuyện bạn nên gánh. Trước khi biết được điều đó, bạn sẽ trở nên phụ thuộc vào đối phương; sự tự lập và nét đáng yêu độc nhất của bạn sẽ không còn nữa.

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là đôi bên đều có thể tự chăm sóc cho bản thân mình và cho cả đối phương. Để có được một cuộc hôn nhân thật sự, bạn không những phải học cách trở nên độc lập mà còn cần phải học cách yêu thích sự độc lập.

>> Vì sao một số kẻ đơn độc lại hạnh phúc đến vậy?

3. Đừng kết hôn để cảm thấy bản thân có giá trị

Giả sử, cuối cùng thì bạn cũng gặp được người trong mộng. Họ là tổng hợp của những gì còn thiếu sót nơi bạn, bạn cảm thấy trọn vẹn và thấy mình có giá trị theo cách mà trước giờ bạn chưa bao giờ cảm nhận được. Nếu bạn đang trong trạng thái này, hãy tỉnh táo vì đó là một rắc rối.

Điều bạn vừa mới phát hiện không phải là một tình yêu tốt đẹp, thoạt nhìn có vẻ là như thế thôi. Nếu bạn chưa bao giờ có cảm giác tốt đẹp và trọn vẹn về bản thân mình, hãy tách ra khỏi mối quan hệ tình cảm đó, nó sẽ không mang lại hạnh phúc cho bạn vì không ai có thể mang lại giá trị cho bạn trừ chính bản thân bạn.

Hãy tìm sự tự tin và trọn vẹn ở bản thân mình trước khi bước vào một mối quan hệ.

Ket hon
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

4. Đừng lập gia đình vì nghĩ mình không còn nhiều thời gian.

Có nhiều người đến một độ tuổi nhất định rồi sẽ nghĩ “Thôi được rồi, mình cũng đã đến tuổi lập gia đình, kết hôn thôi, không thì mình biết nên làm gì đây”. Họ thấy bạn bè hoặc đồng nghiệp đều đã có gia đình, họ sợ mình sẽ là người cuối cùng đứng ngoài cuộc chơi ấy. Niềm kiêu hãnh và nỗi sợ kéo họ vào cuộc, nhưng cũng có thể họ chưa thật sự sẵn sàng.

Hãy cứ là người đứng ngoài cuộc. Hãy can đảm. Chờ đợi là chuyện không vui vẻ gì nhưng vài năm sau có thể sẽ tạo nên sự khác biệt lớn giữa việc vội vàng lấy nhầm người chỉ toàn mang đến xung đột và buồn khổ hoặc có một cuộc hôn nhân hạnh phúc viên mãn.

5. Đừng kết hôn để có một gia đình mà bạn hằng khao khát

Những vết thương lòng từ thuở nhỏ khó mà chữa lành. Nhiều người cho rằng lập gia đình chính là nỗ lực ngắn nhất để làm lành tổn thương, tin rằng đó sẽ là mái ấm bạn chưa bao giờ có nhưng xứng đáng có được. Có thể bạn sẽ thề với lòng và với vợ/chồng mình rằng bạn sẽ không để cái quá khứ không vui đó tái diễn trong gia đình bạn. Bạn tin tưởng vào bản thân và tình yêu của mình. Bạn muốn biến đổi tất cả những nỗi thất vọng, tổn thương thành một mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp, một gia đình hạnh phúc.

Nhưng điều đáng buồn là kết quả có thể không như bạn mong đợi. Cho đến khi nào bạn xóa bỏ được những vết thương cũ – tự mình hoặc nhờ sự giúp sức của các chuyên gia – chúng sẽ vẫn tiếp tục khiến bạn khổ sở, bất kể bạn kết hôn với người như thế nào.

Do đó, trước khi kết hôn, hãy dành thời gian nhìn lại nội tâm chính mình để hiểu mình hơn rồi chữa lành những thương tổn.

>> 12 dấu hiệu bạn đang hồi phục khỏi một tuổi thơ bị tổn thương

Theo Tiến sĩ Jill P. Weber/psychologytoday.com,
Thúy Anh dịch