Tiêu hao tinh thần là tình trạng cá nhân bị hao tổn tâm lý một cách không hiệu quả, thường biểu hiện qua việc suy nghĩ quá mức, lo âu, hoặc xung đột nội tâm. Trạng thái này khiến con người cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và làm giảm chất lượng cuộc sống lẫn hiệu suất làm việc hằng ngày. Vậy làm sao để cải thiện? Hãy bắt đầu bằng cách kích hoạt nguồn năng lượng tích cực từ bên trong.

New Project 11 1
Kích hoạt năng lượng cao và chấm dứt tình trạng kiệt sức về mặt tinh thần. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trong đời sống cá nhân, kích hoạt năng lượng cao có nghĩa là xây dựng những thói quen và phương pháp giúp nâng cao sức sống cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó mang lại cảm giác khỏe khoắn, tích cực và tràn đầy sinh lực.

1. Năng lượng có thể thay đổi – Hãy ngồi dậy, đứng lên và bước ra ngoài

Nếu bạn ở nhà nằm ì mấy ngày, không vận động, không giao tiếp xã hội, chỉ nằm lướt xem các video ngắn nhạt nhẽo, bạn sẽ nhận ra mình trở nên uể oải, tâm trạng tụt dốc, làm gì cũng không có sức. Lúc này chính là khi năng lượng của bạn đang giảm sút – cơ thể đang nhắc nhở bạn cần tích trữ lại năng lượng.

Nhiều người có mức năng lượng thấp thường chỉ nằm ở nhà lướt điện thoại, gọi đồ ăn sẵn, dường như không còn hứng thú với điều gì. Lâu dần, họ mang một vẻ uể oải, tiêu cực, khiến người xung quanh e ngại tiếp xúc vì lo sợ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng chán nản đó. Dù kỳ nghỉ có dài đến đâu cũng đừng ở nhà quá hai ngày. Ngay cả khi “cắm trại tại gia”, cũng đừng nằm dài trên giường hay lướt điện thoại quá lâu.

Ngay cả thời kỳ dịch bệnh không thể ra ngoài, bạn cũng nên ở nhà nấu ăn, tập yoga, đọc sách, ghi chép, quay video chia sẻ… Đó chính là bí quyết duy trì năng lượng cao.

Mỗi dịp cuối tuần, hãy chọn ra ngoài làm gì đó: đi cắm trại, xem triển lãm, hẹn bạn bè uống trà chiều. Nếu không ai rảnh, hãy mang một quyển sách ra ngồi ở quán cà phê đẹp nhất góc phố, ngắm dòng người qua lại.

Đặc biệt khuyên bạn mỗi tuần nên vận động vài lần. Có thể không phải để giảm cân hay tập gym, mà là để tích trữ năng lượng, cải thiện tâm trạng. Khi bạn vận động, bạn đang gửi tín hiệu tích cực đến não bộ: “Tôi khỏe mạnh, tôi rất ổn!”. Còn nếu nằm lì trên giường mấy ngày, cơ thể lại gửi tín hiệu: “Tôi không ổn, có phải đang bệnh không?”.

2. Năng lượng có thể lan tỏa – Giao tiếp với người tích cực và tràn đầy năng lượng

Duy trì các mối quan hệ xã hội là điều cần thiết – đừng chỉ lên mạng trút bầu tâm sự hay tranh cãi với những người đầy năng lượng tiêu cực. Bởi năng lượng là thứ có thể “lây truyền”.

Tiểu Vương là người vô cùng tràn đầy năng lượng, không bao giờ vì chuyện gì mà phiền muộn. Có lần, nhóm bạn rủ nhau đi Tokyo chơi, vé máy bay và khách sạn đều đặt xong. Sau đó, Tiểu Vương bị từ chối visa, không thể đi cùng. Ai cũng thấy tiếc vì thiếu mất một người. Nhưng cô ấy chẳng hề buồn: “Không đi được Tokyo thì tiếc thật, nhưng tôi có thể đi nơi khác để tận hưởng kỳ nghỉ, có khi cảnh còn đẹp hơn ấy chứ. Tokyo Tower thì nhờ các bạn ngắm hộ nha!”. Nghe cô ấy nói xong, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ hơn hẳn.

3. Mở lòng đón nhận nhiều khả năng của cuộc sống

Kết bạn với nhiều người hơn, lắng nghe câu chuyện của họ, trao đổi suy nghĩ với nhau – bạn sẽ nhận ra thế giới ngoài kia lớn hơn nhiều so với tưởng tượng. Những điều khiến bạn nghĩ không thông thường đến từ việc bạn mãi quẩn quanh trong thế giới nhỏ hẹp của chính mình. Khi tiếp xúc với nhiều người, bạn sẽ thấy hóa ra cuộc sống có rất nhiều khả năng.

Tiểu Trương từng thất tình, một mình đến Hàn du lịch. Khi đó, cô rất suy sụp, nghĩ liệu mình có cô đơn cả đời không. Ở một hostel, cô gặp một người chị người Nhật ngoài 40 tuổi, chưa từng kết hôn và cũng không có ý định kết hôn, chỉ rong ruổi khắp nơi làm tình nguyện viên. Biết Tiểu Trương biết chơi guitar, chị ấy liền xin học và cùng hát nghêu ngao với cô, còn mời cô uống bia. Khoảnh khắc đó, Tiểu Trương thấy cuộc sống thật đẹp.

Nếu bạn nói mình không có cơ hội gặp người có tầm nhìn rộng, vậy hãy đọc sách, xem phim tài liệu – cũng như nhau thôi. Mỗi tuần xem một bộ phim tài liệu và viết lại cảm nhận – điều đó cũng giúp bạn mở rộng tầm mắt.

4. Hãy nghĩ đến điều tốt, đừng nghĩ đến điều xấu

Một số người vốn thiên về bi quan – xảy ra việc gì cũng lập tức nghĩ đến tình huống xấu nhất, tưởng tượng đủ kiểu kết cục đáng sợ rồi tự mình sa vào ngõ cụt.

Có một học viên làm kinh doanh, dù đang làm ăn rất tốt vẫn không thấy vui: “Hôm nay nhiều khách vậy, không biết mai có duy trì được không? Nếu không thì sao?”. Kiểu tư duy này rất mệt mỏi, và mãi mãi không thấy hạnh phúc.

Sau này, cô thử viết ra mỗi ngày điều gì làm mình vui và không vui. Với những điều không vui, hãy nghĩ xem liệu có mặt tích cực nào không. Ví dụ, khách hàng ít đi – có lẽ đó là cơ hội để bạn dành thêm thời gian cho con hoặc nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.

Hãy ép bản thân suy nghĩ lạc quan. Mỗi ngày tự nhủ: “Tôi là người có vận may. Những điều xấu sẽ được tôi khéo léo né tránh. Chỉ cần còn sống, chắc chắn sẽ có chuyện tốt xảy ra!”. Dù vận đen kéo dài, cũng nên nói với mình: “Chắc là tôi đang tích đức, qua đợt này tôi sẽ gặp may lớn!”.

5. Dừng việc tiêu hao tinh thần

Đừng nghĩ đến những việc vô nghĩa – đặc biệt là những chuyện đã xảy ra hoặc mình không thể thay đổi. Ví dụ: sau buổi hẹn hò, đừng tự hỏi “Liệu mình thể hiện ổn không?”, “Anh ấy có thích mình không?”. Vì nghĩ cũng vô ích – chỉ khiến bạn hao tổn năng lượng mà thôi.

Có người đầu óc lúc nào cũng chạy không ngừng, nhưng cơ thể lại rất lười vận động. Muốn biết anh ấy có thích bạn không, lần sau cứ hẹn gặp lại, quan sát phản ứng của anh ấy là rõ. Bạn ngồi đó suy nghĩ cũng không thay đổi được kết quả.

6. Tập trung vào bản thân, đối xử tốt với chính mình

Có người lo cho tất cả mọi người, việc gì cũng quan tâm, nhưng lại chẳng mấy khi hỏi “Mình có vui không?”, “Tâm trạng mình có ổn không?”. Có người làm hài lòng tất cả nhưng lại không biết cách làm hài lòng bản thân.

Hãy trở thành người biết đối xử thật tốt với chính mình. Có món ăn nào muốn ăn thì dù xa đến mấy cũng phải ăn cho được.

Trong một bộ phim Nhật tên Phong cách nhậu đêm, nữ chính để có thể uống ly bia ngon nhất sẽ cố tình tập thể dục 1 tiếng trước đó để tạo cảm giác khát nhất. Việc đối xử tốt với bản thân còn thể hiện ở chỗ không quá khắt khe với chính mình.

Ví dụ, bị bạn trai chia tay – đừng nghĩ “Chắc mình chưa đủ tốt nên không giữ được anh ấy”, mà hãy nghĩ: “Là do người đàn ông này không xứng đáng”. Thất tình đã đủ buồn rồi, hà cớ gì còn phải trách cứ bản thân?

Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina