7 cách xử lý lành mạnh giúp giảm tác hại của đồ ăn không lành mạnh
Rõ ràng khoai tây chiên, đồ ăn ngọt nạp quá nhiều muối, đường, chất béo bão hòa vào cơ thể chúng ta. Khi bị chế biến thành thức ăn nhanh, các loại thực phẩm này đều mất hết chất dinh dưỡng của dạng nguyên chất. Tuy nhiên, bạn không cần từ bỏ hoàn toàn sở thích của mình.
Sau đây là một số cách xử lý lành mạnh làm giảm bớt tác hại của thực phẩm không lành mạnh:
1. Thay thế bằng các thực phẩm tương tự
Nhiều loại đồ ăn vặt yêu thích của bạn có thể được thay thế bằng món tương tự mà vẫn đáp ứng được khẩu vị. Có phải bạn thích ăn khoai tây chiên vì nó có vị giòn và mặn không? Lần tới nếu ăn món này, bạn đừng dùng muối, hãy rang khoai tây/bỏng ngô/các loại hạt/que cà rốt với một ít hành tây. Nếu chuộng đồ ngọt, bạn hãy ăn hoa quả nướng thay vì bánh nướng nhiều đường. Táo nướng sẽ mang đến vị ngọt mà không làm bạn bị béo phì.
2. Chế biến tại nhà
Nếu bạn chịu khó làm đồ ăn vặt tại nhà, các tác hại xấu sẽ được giảm đáng kể. Ví dụ như bạn có thể làm món khoai tây chiên/nướng bằng dầu ô liu, bạn hoàn toàn chủ động điều chỉnh lượng chất béo và muối được thêm vào. Đối với món chính, bạn cũng loại bỏ được nguy cơ ăn phải thịt hỏng, dầu mỡ không đảm bảo so với lúc ăn ở cửa hàng.
3. Loại bỏ bớt chất béo trước khi nấu
Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, góp phần gây ra huyết áp cao và bệnh tim. Để thưởng thức thịt đỏ theo cách lành mạnh hơn, bạn có thể chọn những miếng thịt nạc tại cửa hàng. Khi chế biến, bạn hãy cắt bỏ những chỗ có chất béo trước khi nấu. Mặt khác, thịt gà trắng là lựa chọn tốt cho sức khỏe, đồng thời nó còn rất linh hoạt khi kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác. Nếu bạn muốn giảm chất béo, thì nên bỏ da trước khi sử dụng.
4. Thay đổi cách thức chế biến
Khi bạn muốn món ăn nhẹ có vị mặn, hãy dùng bỏng ngô trong lò vi sóng thay vì dùng loại chiên dầu.
Luộc, hấp là cách chế biến thực phẩm lành mạnh nhất. Một cách nấu an toàn khác là om, bạn không cần dùng dầu ăn, chỉ cần nêm nếm gia vị.
Hay như thực phẩm nướng luôn có lượng chất béo thấp hơn thực phẩm chiên, vì chất béo đã chảy ra ngoài trong quá trình nướng, tuy nhiên, cả 2 cách chế biến này đều tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.
5. Dùng thảo mộc
Chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào muối để tăng cường hương vị cho món ăn, nhưng có rất nhiều loại gia vị thơm ngon, công dụng tương tự mà lại không có calo hoặc natri. Một số lựa chọn cho bạn là tỏi, oregano, ớt bột, thì là, cà ri, nhục đậu khấu, hương thảo, thì là. Tất cả đều có khả năng tăng hương vị thức ăn mà không làm tăng huyết áp.
Trên thực tế, nhiều loại thảo mộc và gia vị có các thành phần đặc biệt tốt cho sức khỏe, có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ đồng thời cung cấp lượng lớn các vitamin và khoáng chất quan trọng.
6. Ăn các món lành mạnh trước
Để tránh cơn thèm đồ ăn vặt (nhiều dầu, nhiều muối), bạn hãy ăn các món lành mạnh trước. Làm như vậy bạn sẽ bớt cảm giác đói, từ đó ăn ít đồ ăn không tốt hơn. Hoặc khi phải đi ăn đồ ăn nhanh với bạn bè, bạn hãy gọi salad để ăn trước, sau đó bạn sẽ thấy ngang bụng, đỡ ăn nhiều khoai tây, gà rán hơn.
7. Lên lịch
Bạn không cần từ bỏ hoàn toàn các món ăn không lành mạnh, nhưng bạn không nên ăn thường xuyên. Hãy thay đổi thói quen ăn uống bằng các chế độ hợp lý, tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi đầy đủ, rồi chọn 1 ngày trong tuần/tháng tự cho phép bản thân được tự do để ăn bất cứ món gì bạn muốn.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa An toàn thực phẩm Chăm sóc sức khỏe Đồ ăn nhanh