7 thực phẩm ba mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn
- Minh Minh
- •
Vì hệ tiêu hóa của trẻ dưới 1 tuổi vẫn còn yếu, ba mẹ không nên ép con ăn cho đủ chất mà không quan tâm đến tình trạng thực tế của cơ thể con.
Sau đây là những loại thực phẩm ba mẹ không nên cho con dưới 1 tuổi ăn:
1. Đậu phộng
Đậu phộng là một nguồn dồi dào protein, chất béo và nhiều dưỡng chất cho cơ thể, có ích cho việc giảm cân và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Nhưng trẻ dưới 1 tuổi lại rất dễ bị dị ứng khi ăn đậu phộng. Kể cả khi đã xay nhuyễn đậu, trẻ vẫn dễ bị hóc, nôn mửa, phát ban, nghẹt thở.
2. Hải sản
Trẻ dưới 6 tháng tuổi tuyệt đối không được ăn hải sản. Từ 7 tháng trở lên ba mẹ có thể cho làm quen dần. Ban đầu, nên tập cho bé ăn những loại ở sông (như cá, tôm…), vì khả năng gây ngộ độc hay dị ứng của chúng thấp hơn các loại từ biển. Đặc biệt là các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ốc, hàu… chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nên trẻ em dưới 1 tuổi dễ bị dị ứng. Biểu hiện khi trẻ nhỏ bị dị ứng gồm: đau bụng, nôn trớ, đầy hơi, đi phân lỏng, nổi mề đay, ngứa, có vết chàm, viêm da. Nặng hơn là tình trạng ngạt mũi, khó thở, mặt đỏ, viêm phế quản cấp, hen suyễn, phù nề thanh quản, mồ hôi ra nhiều, cơ thể ớn lạnh.
Khi chế biến hải sản, ba mẹ hãy lọc lấy thịt, xay nhuyễn để nấu cùng thức ăn dặm cho trẻ dưới một tuổi. Với trẻ lớn hơn, có thể chiên, xào, hấp. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế chiên, rán, ninh nhừ… vì như vậy, các vitamin trong hải sản sẽ bị giảm thiểu, các dưỡng chất có thể bị biến đổi thành những chất gây hại cho sức khỏe của trẻ. Luộc hay hấp là cách chế biến tốt nhất, vừa ngon mà lại giữ được nhiều loại vitamin.
3. Sữa bò tươi
Các thành phần trong sữa bò tươi gồm: nước, protein, khoáng, mỡ sữa, vitamine, đường lactose. Mỗi thành phần nêu ra đều giữ một tỷ lệ nhất định trong sữa bò. Tỷ lệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như giống, thời kỳ tiết sữa, chế độ dinh dưỡng, sức khỏe của bò. Tuy sữa bò tươi có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại là món uống quá sức với trẻ dưới 1 tuổi. Ba mẹ cho con uống không những không bổ sung chất dinh dưỡng mà còn gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến thận.
4. Trứng
Trong 100g trứng gà có chứa 10,8g protein. Trung bình 1 quả trứng lớn có 2,7g protein từ lòng đỏ và 3,6g protein từ lòng trắng. Chất đạm ở lòng đỏ đơn giản và dễ hòa tan. Nguồn đạm ở lòng trắng thường là các albumin và acid amin toàn diện có vai trò quan trọng cho cơ thể. Lòng trắng trứng chính là nguyên nhân dẫn đến dị ứng hoặc dị ứng phát triển trong tương lai cho trẻ nhỏ.
5. Mật ong
Glucose và Fructose là hai loại đường rất dễ hấp thụ, tính chất của loại đường này là không cần phải qua giai đoạn trung gian mà đi thẳng vào máu, ngoài hai thành phần quan trọng này thì trong mật ong còn chứa khoảng 70 dưỡng chất khác nhau. Cũng bởi mật ong chứa lượng đường quá lớn lại có chất gây ngộ độc clostridium botulinum nên ba mẹ không nên cho con ăn khi còn nhỏ. Cơ thể người lớn có thể tự triệt tiêu bào tử này nhưng trẻ dưới 1 tuổi thì không thể. Dấu hiệu ngộ độc gồm buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, khô miệng, giãn đồng tử, khó thở, chướng bụng, hôn mê, liệt cơ hô hấp, thậm chí tử vong.
6. Muối
Lượng muối cần thiết mà các bác sĩ khuyên dùng hàng ngày (RDI) là 920-2.300mg/ngày. Tuy nhiên đa số chúng ta tiêu thụ nhiều muối hơn mức cần thiết dẫn đến những hậu quả không tốt cho cơ thể như yếu xương, tổn thương thận, sưng phù, đột quỵ, tăng huyết áp, tăng cân, ung thư dạ dày, bệnh tiêu hóa, mất canxi. Với người trưởng thành muối còn có thể gây ra nhiều tác hại như vậy, thì sức khỏe của trẻ nhỏ còn bị ảnh hưởng lớn hơn. Chức năng thận của trẻ dưới 1 tuổi còn yếu, ăn muối sẽ làm thận phải hoạt động vất vả hơn. Nếu ba mẹ hình thành thói quen ăn mặn cho con từ nhỏ thì sau này trẻ sẽ bị giảm vị giác, muốn ăn mặn hơn thông thường, dần dần đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp.
Để bổ sung hàm lượng muối cho trẻ ba mẹ có thể tham khảo tiêu chuẩn sau: Trẻ dưới 6 tháng cần ít hơn 1 gam muối/ngày (không cần bổ sung vì đã có ở sữa mẹ và sữa công thức), trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi cần 1 gam muối/ngày, trẻ trên 1 tuổi: 2 gam muối/ngày.
7. Đường
Các chất hóa học có trong đường dễ gây sâu răng, sún răng, khiến sức khỏe răng miệng của trẻ bị ảnh hưởng. Vị ngọt làm trẻ biếng ăn, lúc nào cũng trong tình trạng lửng dạ nhưng thực tế lại không được nạp đủ chất dinh dưỡng. Ba mẹ cho con ăn nhiều đường từ sớm sẽ khiến con có nguy cơ mắc phải bệnh thừa cân, béo phì, các bệnh liên quan trong tương lai.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Làm cha mẹ Chăm sóc con chăm sóc trẻ sơ sinh