9 câu danh ngôn dạy con, thấu hiểu sẽ giúp bạn nhận được nhiều lợi ích
- Minh Tâm
- •
Là cha mẹ, chúng ta nên nỗ lực hết sức để hướng dẫn con cái chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, học cách ứng xử, bồi dưỡng nhân cách cao quý và trau dồi kiến thức uyên thâm, từ đó giúp con vững vàng trong xã hội. Dưới đây là 9 câu trích dẫn kinh điển về cách nuôi dạy con cái, súc tích và sâu sắc. Việc thấu hiểu chúng sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích.
1. Lâm Bố thời Bắc Tống : “Phụ thiện giáo tử giả, giáo vu hài đề”
Một người cha hoặc người mẹ giỏi trong việc giáo dục con cái chắc chắn đã bắt đầu dạy dỗ ngay từ khi con còn nhỏ.
Người xưa đã hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục sớm, thời nay lại càng không thể xem nhẹ. Việc dạy dỗ không chỉ dừng lại ở giai đoạn thơ ấu mà còn cần bắt đầu ngay từ khi trẻ chưa chào đời.
2. Hoàn Khoan thời nhà Hán: “Từ mẫu hữu bại tử, tiểu bất nhẫn dã”
Người mẹ quá nhân từ thường có con hư, bởi vì không nỡ nghiêm khắc dạy bảo từ nhỏ.
3. Vu Lương Bật thời nhà Tống: “Bạch phát vô bằng ngô lão hĩ! Thanh xuân bất tái nhữ tri hồ?”
“Tóc đã bạc, ta nay đã già rồi! Thanh xuân không trở lại, con có biết chăng?”
Vu Lương Bật nói: “Các con, ta đã là một lão già tóc bạc, không còn nhiều năm tháng để dựa vào nữa. Các con, các con sẽ không còn cơ hội thứ hai để trẻ lại nữa, các con có biết không?”
Câu này trở thành lời răn dạy sâu sắc vì ông đã dùng chính hiện trạng của thân thể mình để nhắn nhủ con cái rằng tuổi trẻ vô cùng ngắn ngủi, không có lần thứ hai, vì vậy hãy trân trọng quãng thời gian tươi đẹp ấy.
4. “Giao bằng hữu tăng thể diện, bất như giao bằng hữu ích thân tâm; giáo tử đệ cầu hiển vinh, bất như giáo tử đệ lập phẩm hành”
Kết giao bạn bè để tăng thể diện không bằng kết giao bạn bè có ích cho thân tâm; dạy con cháu theo đuổi danh vọng không bằng dạy con cháu rèn luyện phẩm hạnh.
5. Phương Hiếu Nhụ thời nhà Minh: “Ái kỳ tử nhi bất giáo, do vi bất ái dã”
Yêu thương một đứa trẻ mà không dạy dỗ nó thì chẳng khác nào không yêu.
Khi yêu thương con cái, bạn không nên xem nhẹ vai trò của giáo dục. Yêu thương không đồng nghĩa với việc bỏ mặc dạy dỗ. Nếu không giáo dục con, tình yêu ấy cũng trở nên vô nghĩa.
6. “An tường cung kính, thị giáo tiểu nhi đệ nhất pháp”
Bình tĩnh và tôn trọng là phương pháp hàng đầu trong việc dạy dỗ trẻ.
7. Lâm Bô thời nhà Tống: “Nghiễm tích bất như giáo tử, tị họa bất như tỉnh phi”
Tích lũy tiền tài không bằng giáo dục con cái nên người. Muốn tránh họa, chi bằng tự kiểm điểm bản thân.
8. “Dữ kỳ sử hương đảng hữu dự ngôn, bất như lệnh hương đảng vô oán ngôn; dữ kỳ vi tử tôn mưu sản nghiệp, bất như giáo tử tôn tập hằng nghiệp”
Thay vì để hàng xóm khen ngợi mình, tốt hơn là đừng để họ có lời oán trách. Thay vì lo cho con cháu có tài sản, tốt hơn là dạy chúng một nghề nghiệp vững bền để tự lập lâu dài.
9. “Tưởng đương nhật mạnh mẫu giáo tử, cư tất trạch hương”
Nhớ đến ngày xưa mẹ Mạnh Tử dạy con nhất định chọn nơi ở tốt. Điều này cho thấy bà coi trọng việc nuôi dạy con đến nhường nào.
Trong xã hội ngày nay, nhiều người coi trọng chủ nghĩa vật chất. Dưới ảnh hưởng của tư tưởng này, một số bà mẹ vô tình truyền đạt cho con cái quan niệm rằng “học hành vô ích” và “tiền bạc là trên hết”, mà không nhận ra rằng chính điều đó có thể hủy hoại tương lai của con.
Từ khóa Dạy con
