9 hành động nên tránh khi đến thư viện
- Minh Minh
- •
Ngày nay, thư viện không chỉ là nơi dành cho học sinh, sinh viên, những người thích đọc sách, mà còn là địa điểm tổ chức workshop, lớp học công nghệ, sự kiện ký tặng…
Tuy cách sử dụng thư viện ngày càng cởi mở hơn, nhưng vẫn có những điều bạn không nên làm khi đến đây.
1. Dẫn trẻ nhỏ đến mà không giám sát
Thư viện là nơi thân thiện với trẻ em, nhưng bạn không nên dẫn trẻ nhỏ đến mà không giám sát . Thủ thư và các nhân viên thư viện không phải là người giữ trẻ. Trẻ nhỏ không được người lớn giám sát sẽ gây ồn ào, chạy nhảy, có thể gây thiệt hại cho tài sản thư viện. Kể cả khi đang lang thang trong khu vực sách, đồ chơi cho trẻ em, bạn vẫn cần để mắt đến con em mình.
2. Bạn nên tránh đến thư viện khi bị bệnh
Khi bạn hắt hơi, ho, nhức đầu sổ mũi, cảm cúm… tốt nhất là hãy ở yên trong nhà. Bằng cách đi lại quanh các giá sách, ngồi đọc hàng giờ trong thư viện, bạn có khả năng lây bệnh cho mọi người đang có mặt ở đó. Chưa kể tiếng ho và hắt hơi của bạn sẽ gây khó chịu cho những người đọc khác.
3. Đừng tự tiện xếp lại sách
Tất nhiên là trong trường hợp bạn thấy nhiều sách không được cất gọn nên muốn giúp đỡ nhân viên thư viện. Hành động này tưởng như là tốt nhưng lại tạo thêm cả núi việc cho nhân viên. Thư viện xếp sách dựa trên một hệ thống danh mục chính xác, giúp khách quen và nhân viên tìm thấy một cuốn sách cụ thể trong hàng ngàn cuốn trên kệ. Vì vậy khi một cuốn sách bị đặt sai chỗ, họ gần như không thể tìm lại được. Nếu bạn không chắc chắn cuốn sách bị vứt bừa nằm ở đâu, thì hãy đưa nó cho nhân viên chứ đừng tự mình xếp lại.
4. Đừng làm phiền nhân viên khi họ đã hết giờ làm việc
Đôi khi mọi người vào thư viện một phút trước khi đóng cửa hoặc gõ cửa trước giờ mở cửa. Bạn nghĩ hành động đó ổn nhưng chẳng ổn chút nào. Không ai muốn kéo dài ngày làm việc của mình vì một khách hàng. Nếu bạn cũng muốn tan làm đúng giờ thì đừng bắt nhân viên thư viện phải làm việc quá giờ.
5. Đừng dùng máy tính của thư viện để xem các trang web không phù hợp
Thư viện là nơi chứa vô vàn kiến thức trong mọi lĩnh vực cuộc sống, nhưng chúng ta cũng cần tự hiểu là nên tránh những nội dung nhạy cảm, đặc biệt là bật trên màn hình máy tính. Bạn nên tránh truy cập các trang web người lớn, bạo lực, nhạy cảm, vì chúng có thể làm phiền mọi người ngay lúc đó (đặc biệt là với gia đình dẫn theo trẻ nhỏ), hoặc quên đóng tab nên người dùng sau sẽ nhìn thấy.
6. Không nên chải chuốt trong thư viện
Nếu là một lần đánh son nhanh chóng thì không sao, nhưng hãy thử tưởng tượng bạn dùng nhiều thời gian để chải tóc, trang điểm, cắt móng tay trong thư viện… chắc chắn bạn đang làm phiền người khác. Chưa kể tóc, móng tay, mỹ phẩm có thể vương vãi ra bàn ghế, sàn thư viện.
7. Đừng tham gia các sự kiện thư viện chỉ để ăn miễn phí
Không có gì sai khi lấy một ít đồ ăn nhẹ trong các sự kiện thư viện, nhưng sẽ không hề đúng đắn nếu bạn chỉ muốn no bụng chứ không quan tâm đến sự kiện. Bởi vì ở đó có rất nhiều khách hàng bỏ công sức đến để nghe thuyết trình, học hỏi. Sau thời gian dài tập trung, họ muốn ăn gì đó nhưng lại không còn gì cả, bởi “có người” đã lấy hết. Nếu bạn không muốn tham gia sự kiện thì cũng đừng lấy thứ gì ở đó cả.
8. Không nên để chuông điện thoại
Nhận một cuộc gọi điện thoại ở giữa phòng đọc sách là hành động kém ý thức nhất, nhưng bạn có biết 1 chiếc điện thoại kêu liên tục, rung liên tục vì tin nhắn cũng gây khó chịu không kém? Vì thế tốt nhất là bạn để điện thoại ở chế độ im lặng. Nếu để rung thì không nên để lên bề mặt cứng.
9. Hỏi nhân viên thư viện về kiến thức chuyên ngành
Tất nhiên nhân viên thư viện sẽ vui lòng trả lời các câu hỏi cơ bản về máy tính, nhưng họ không có khả năng để cung cấp các hướng dẫn chuyên sâu. Tương tự như vậy khi bạn muốn hỏi một kiến thức chuyên ngành, tất nhiên nhân viên chỉ biết chỉ chỗ có sách cho bạn chứ không thể hiểu nội dung sách. Ví dụ nếu bạn muốn biết rõ hơn về Photoshop, Adobe Illustrator… thì hãy xem sách hướng dẫn, đọc trên mạng hoặc hỏi những người thật sự có hiểu biết.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Văn hóa ứng xử Thư viện