Độc đáo thư viện trăm tuổi nằm giữa biên giới Mỹ – Canada
- Yến Nhi
- •
Thư viện Haskell là một thư viện công cộng với lịch sử hơn 100 năm, nó kiêm luôn chức năng của một nhà hát kịch, và điều đặc biệt chính là được xây dựng trên biên giới giữa Mỹ và Canada, thuộc sở hữu của cả hai nước, vì vậy mà cùng lúc phục vụ người dân của cả 2 quốc gia. Người dân của 2 nước này chỉ cần đi qua đường ranh giới trong thư viện đã được tính là ra nước ngoài, hoàn toàn không cần thông qua hải quan.
Thư viện có vị trí độc đáo này nằm ở đường ranh giới giữa Vermont (Mỹ) và Quebec (Canada), được vợ chồng Mỹ – Canada là Carlos Haskell và Martha Stewart Haskell xây dựng vào đầu thế kỷ 20, sau đó đã tặng cho hai nước này.
Thư viện này được cố ý xây dựng trên đường biên giới, với mục đích cho người dân của cả hai quốc gia có thể sử dụng, nó cũng có 2 địa chỉ riêng biệt ở cả 2 nước và người dân có thể tùy chọn để sử dụng.
Tuy nhiên, thư viện này chỉ có một lối vào nằm ở nước Mỹ, khi người Canada muốn sử dụng họ phải đi vòng qua cánh cửa bên nước Mỹ mới có thể vào trong, và sau khi sử dụng xong thì bắt buộc phải trở lại Canada. Mặc dù phần thư viện bên Canada có một cửa thoát hiểm nhưng thường không được dùng tới.
Trên sàn trong khu vực đọc sách của thư viện có một đường băng keo màu đen tượng trưng cho đường ranh giới giữa hai nước, khi người dân bước chân qua, được tính là ra khỏi phạm vi của đất nước, hoàn toàn không cần qua hải quan, cũng không cần kiểm tra hộ chiếu. Đồng thời các chỉ dẫn được sử dụng trong thư viện cùng lúc được viết bằng 2 thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Pháp, để có thể phục vụ cho người dân của 2 nước (ngôn ngữ chính của Quebec là tiếng Pháp).
Ở tầng 2 của thư viện có một nhà hát nhỏ, có thể dùng làm nơi biểu diễn. Dưới sàn cũng có đánh dấu đường ranh giới, mà đường ranh giới này được tính từ hàng ghế khán giả, khiến cho toàn bộ sân khấu thuộc lãnh thổ Canada, vì vậy có nhiều người nói rằng đây là nhà hát duy nhất ở Mỹ không có sân khấu biểu diễn. Trong vài thập kỷ qua, thư viện – nhà hát kịch Haskell là trung tâm của các cuộc hội họp và giao lưu giữa người dân của 2 nước. Đây là nơi duy nhất mà người Canada và người Mỹ có thể gặp nhau mà không cần rời hải quan.
Tuy nhiên vài năm gần đây, nhiều kẻ đã lợi dụng sơ hở biên giới để buôn lậu vũ khí, thêm vào đó còn xảy ra vụ khủng bố 911, vì vậy các cơ quan chức năng có liên quan đã tăng cường các biện pháp an ninh. Hiện nay, các lực lượng của Bộ An ninh Mỹ luôn ở phía ngoài thư viện, canh giữ cửa ra vào suốt 24 giờ.
Yến Nhi
Xem thêm:
Từ khóa Canada Độc đáo Thư viện Mỹ