Trong hành trình xây dựng tài chính cá nhân, mỗi người đều nằm ở một vị trí nhất định trên kim tự tháp tài sản. Từ giai đoạn chật vật trang trải cuộc sống đến khi đạt được tự do tài chính và tạo dựng di sản, mỗi tầng đều có những đặc điểm và thách thức riêng. Bạn đang ở tầng nào, và làm thế nào để vươn lên một cấp độ cao hơn? 

kim tu thap tai chinh
Bạn đang ở vị trí nào trong kim tự tháp tài sản? (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trên thế giới có hàng chục nghìn cách kiếm tiền khác nhau, và sở hữu tài sản là ước mơ của nhiều người. Vậy làm thế nào để có được và tích lũy tài sản? Trong số nhiều yếu tố giúp con người trở nên giàu có hơn, việc nhận thức rõ ràng về tình trạng tài chính của bản thân cũng như vị trí hiện tại trong “kim tự tháp tài sản” là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Gần đây, blogger tài chính nổi tiếng Vincent Chan đã chia sẻ trên kênh truyền thông cá nhân về 7 cấp độ tài chính và liên hệ chúng với khái niệm “sự giàu có theo thời gian”. Ông nhấn mạnh rằng tài sản không chỉ được đo lường bằng số tiền kiếm được mà quan trọng hơn là khả năng duy trì cuộc sống trong bao lâu với khối tài sản hiện có.

Ngoài ra, ông cũng đưa ra một số gợi ý về cách vượt qua cấp độ tài sản hiện tại và tiến lên một mức cao hơn. Vậy bảy cấp độ tài sản này bao gồm những gì? Làm thế nào để gia tăng tài sản của bạn?

Tầng thứ nhất: Nhận thức tài chính – Cuộc đấu tranh của ‘người sống bằng lương tháng’

Đặc điểm tiêu biểu:

  1. Số dư tài khoản chỉ đủ trang trải tối đa 30 ngày sinh hoạt.
  2. Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập hàng tháng.

Ở giai đoạn này, tình hình tài chính rất mong manh, mỗi khoản chi tiêu đều có thể ảnh hưởng đến cuộc sống tháng sau. Phần lớn mọi người rơi vào trạng thái “sống nhờ lương tháng”, thu nhập chỉ vừa đủ để chi trả các khoản sinh hoạt hằng ngày, không có bất kỳ khoản tiết kiệm hay quỹ dự phòng nào.

Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?

  1. Kiểm soát chi tiêu: Từ bỏ tâm lý an ủi bản thân bằng chi tiêu, nhận thức rõ tình trạng tài chính hiện tại. Phân bổ hợp lý từng đồng, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, chẳng hạn như lên kế hoạch ăn uống hợp lý và tránh mua sắm bốc đồng.
  2. Tăng thu nhập: Dù có muốn đạt đến cấp độ tài sản cao nhất hay không, bạn vẫn nên tìm cách gia tăng thu nhập của mình.

Tầng thứ hai: Tự chủ tài chính – Cảm giác an toàn ngắn hạn

Đặc điểm tiêu biểu:

  1. Có khoản tiết kiệm đủ để trang trải từ 2 đến 3 tháng chi phí sinh hoạt.
  2. Tuy nhiên, bạn vẫn lo lắng về tình hình tài chính, đặc biệt là khi chi tiêu.

Bạn không còn phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào lương tháng, nhưng vẫn cần quản lý chi tiêu cẩn thận để tránh rơi vào khủng hoảng tài chính. Nhiều sinh viên đại học và những người mới đi làm thường ở cấp độ này, họ phải tiết kiệm và cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Làm thế nào để vượt giai đoạn này?

  1. Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp: Tiết kiệm một khoản tiền tương đương 6 tháng chi phí sinh hoạt, đảm bảo có đủ tài chính để đối phó với các tình huống bất ngờ. Nên gửi khoản tiền này vào tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao.
  2. Lên kế hoạch chi tiêu cho giải trí: Tránh tiêu xài quá mức, chẳng hạn như ăn uống tại nhà thay vì ra ngoài, uống rượu tại nhà bạn bè thay vì đến quán bar, và khi ra ngoài chỉ mang theo tiền mặt thay vì thẻ tín dụng để hạn chế chi tiêu không kiểm soát.

Tầng thứ ba: Dự phòng tài chính – Cuộc sống bắt đầu trở nên thoải mái hơn

Đặc điểm tiêu biểu: 

  1. Có tiết kiệm đủ để chi trả cho 3 đến 6 tháng sinh hoạt phí
  2. Chi tiêu hàng ngày trở nên tự do hơn.

Dấu hiệu của giai đoạn này là bạn bắt đầu cảm thấy nhận có chút “không gian thở” về mặt tài chính. Ví dụ, bạn có thể ra ngoài ăn một bữa mà không phải kiểm tra tài khoản ngân hàng nhiều lần, thỉnh thoảng mua cho mình một món quà nhỏ mà không lo lắng về tiền thuê nhà tháng sau. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn dễ khiến người ta bằng lòng với hiện tại và dừng lại, không phát triển.

Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?

  1. Cẩn thận khi ở trong vùng an toàn: Mặc dù ở lại trong vùng an toàn rất hấp dẫn, nhưng đây có thể là một cái bẫy khiến bạn “ngủ quên trong chiến thắng”. Hãy luôn nhớ cẩn trọng và tiếp tục nỗ lực!
  2. Tăng thu nhập: Hãy nghĩ đến việc học thêm, phát triển công việc phụ hoặc thử sức với việc kinh doanh để tăng nguồn thu nhập.

Tầng thứ tư: Ổn định tài chính – Không còn lo lắng về tiền bạc, bắt đầu lập kế hoạch dài hạn

Đặc điểm tiêu biểu:

  1. Có khoản tiết kiệm đủ để trang trải từ 6 tháng đến 1 năm chi phí sinh hoạt.
  2. Không còn lo lắng về những rủi ro tài chính đột ngột.

Ở giai đoạn này, bạn đã có sự ổn định nhất định về tài chính, không còn phải lo lắng về từng khoản chi tiêu nhỏ lẻ. Bạn cũng bắt đầu suy nghĩ về các mục tiêu dài hạn hơn, chẳng hạn như mua nhà hoặc đầu tư.

Làm thế nào để vượt giai đoạn này?

  1. Ưu tiên đầu tư vào tài sản: Mua những tài sản có khả năng gia tăng giá trị như cổ phiếu, bất động sản, thay vì tiêu tiền vào những món hàng xa xỉ dễ mất giá.
  2. Quản lý thu nhập đột xuất: Khi nhận được khoản tiền bất ngờ như thưởng hoặc quà tặng, hãy sử dụng ít nhất 50% số tiền đó để đầu tư một cách khôn ngoan.

Tầng thứ năm: Linh hoạt tài chính – Tự do lựa chọn phong cách sống

Đặc điểm tiêu biểu:

  1. Có khoản tiết kiệm đủ để trang trải từ 1 đến 2 năm chi phí sinh hoạt.
  2. Bắt đầu trải nghiệm sự tự do tài chính ở mức cơ bản.

Bạn không còn chỉ tập trung vào sự an toàn tài chính mà đã có thể thoải mái chọn cách sống theo ý muốn. Nhiều người ở giai đoạn này sẽ cân nhắc đổi nghề, khởi nghiệp hoặc thậm chí du lịch dài ngày, vì họ đã có đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ.

Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?

  1. Tối ưu hóa thuế: Tận dụng các tài khoản có lợi về thuế như 401(k) hay Roth IRA để giảm gánh nặng thuế.
  2. Mở rộng danh mục đầu tư: Nghiên cứu và thực hiện các chiến lược đầu tư thông minh hơn để đảm bảo tài sản tiếp tục tăng trưởng.

Tầng thứ sáu: Tự do tài chính – Không cần làm việc vẫn có thể sống thoải mái

Đặc điểm tiêu biểu:

  1. Tài sản đủ để trang trải từ 30 đến 60 năm chi phí sinh hoạt.
  2. Thu nhập thụ động có thể hoàn toàn chi trả cho cuộc sống hàng ngày.

Ở giai đoạn này, lợi nhuận từ các khoản đầu tư đã đủ để trang trải toàn bộ chi phí sinh hoạt, và làm việc giờ đây trở thành một lựa chọn, không còn là bắt buộc. Bạn có thể tập trung vào sở thích cá nhân, hoạt động từ thiện hoặc phát triển bản thân mà không còn phải lo lắng về tiền bạc.

Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?

  1. Mở rộng nguồn thu nhập: Đầu tư vào bất động sản, kinh doanh hoặc xây dựng hệ thống thu nhập thụ động để gia tăng tài sản.
  2. Tận dụng đòn bẩy tài chính: Học cách sử dụng các khoản vay lãi suất thấp để mua tài sản có giá trị tăng trưởng, thay vì chỉ dựa vào dòng tiền sẵn có. Tại Mỹ, những người giàu nhất hiếm khi mua bất động sản bằng tiền mặt mà thường sử dụng khoản vay để đầu tư vào các tòa nhà thương mại, căn hộ hoặc khách sạn nhằm gia tăng tài sản nhanh chóng.

Tầng thứ bảy: Đỉnh cao tài chính – Tạo di sản và ảnh hưởng đến thế giới

Đặc điểm tiêu biểu:

  1. Tài sản không chỉ đủ để bạn sống cả đời mà còn có thể để lại cho thế hệ sau.

Ở cấp độ này, tài sản của bạn không còn chỉ phục vụ cho bản thân mà còn có thể dùng để xây dựng các quỹ tài trợ, truyền lại cho con cháu hoặc tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội.

Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?

  1. Lập kế hoạch thừa kế: Xây dựng quỹ tín thác, lập kế hoạch tài sản để đảm bảo tài sản của bạn được truyền lại một cách hiệu quả cho các thế hệ sau.
  2. Tạo tác động xã hội: Đầu tư vào hoạt động từ thiện, doanh nghiệp xã hội để tài sản của bạn có giá trị lâu dài và tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

Bạn đang ở tầng nào của kim tự tháp tài chính?

Hãy khách quan đánh giá vị trí hiện tại của bản thân và xác định mình đang ở đâu trong kim tự tháp tài chính. Bất kể bạn đang ở tầng nào, việc tối ưu hóa cách quản lý tài chính và biến sự phát triển tài sản thành một thói quen là điều rất quan trọng.

Từ việc giảm chi tiêu đến đầu tư thông minh, mỗi quyết định tài chính đều có thể giúp bạn tiến xa hơn trên nấc thang tài chính. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: Bạn sẵn sàng nỗ lực bao nhiêu để đạt được tự do tài chính?

Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes