Biết cách trân trọng người khác, bạn mới được người khác trân trọng
- Lâm Mộc
- •
Khổng Tử từng nói: “3 người cùng đi, ắt có người là thầy của ta”. Mỗi người đều có những ưu điểm khác nhau, và người khôn ngoan là biết nhìn nhận người khác bằng ánh mắt trân trọng.
“Trong lòng người biết trân trọng luôn có bình minh, giọt sương và những đóa hoa nở rộ quanh năm. Còn người thờ ơ thì trái tim giá lạnh, biển cạn, núi rừng hoang tàn”. Trong cuộc sống, việc thực sự trân trọng người khác là một phẩm chất thanh cao và thể hiện tầm nhìn rộng lớn.
Khi bạn nhìn ra ưu điểm của người khác, không chỉ mang lại niềm vui cho đối phương mà còn giúp bản thân đón nhận một năng lượng tích cực. Hai người biết trân trọng lẫn nhau sẽ cùng hấp thụ năng lượng từ đối phương, tiếp thêm sức mạnh cho nhau, từ đó làm cho chính mình ngày càng xuất sắc hơn.
Năm 744, hai nhà thơ Lý Bạch và Đỗ Phủ lần đầu gặp nhau tại Lạc Dương. Mặc dù cách nhau 11 tuổi, nhưng cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết, cùng uống rượu, cùng say và cùng dạo chơi bên nhau.
Đỗ Phủ ngưỡng mộ sự phóng khoáng của Lý Bạch, khâm phục khí chất đầy hào sảng và mạnh mẽ của ông “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, thiên kim tán tẫn hoàn phục lai” ý muốn nói (Trời sinh ra ta tài ba tất có chỗ hữu dụng, nghìn vàng tiêu hết sẽ lại có thêm).
Trong bài thơ “Sa Khâu Thành Hạ Ký Đỗ Phủ”, Lý Bạch viết:
“Lỗ tửu bất khả túy, tề ca không phục tình”. Ý là (Rượu Lỗ không làm say, ca khúc Tề chẳng còn tình), thể hiện tình bạn sâu sắc dành cho Đỗ Phủ.
Đỗ Phủ yêu mến và kính trọng Lý Bạch suốt đời, ông đã viết hơn 10 bài thơ về Lý Bạch, coi ông như một hình mẫu trong sáng tác thi ca. Sự khiêm tốn học hỏi đó đã giúp Đỗ Phủ đạt được thành tựu xuất sắc, trở thành “Thi Thánh” của một thời đại.
Trân trọng là một động từ. Khi bạn nhận ra được ưu điểm từ người khác, điều đó sẽ soi sáng con đường của chính mình và khiến bản thân trở nên tốt hơn.
Thế giới giống như một bức tường vọng âm, khi bạn nhận ra và trân trọng điểm mạnh của người khác, bạn cũng đang tạo ra cơ hội để được người khác trân trọng và tán thưởng bản thân mình.
Một trong “Đường Tống Bát Đại Gia” là Tô Thức từng viết:
“Ta trên có thể cùng với Ngọc Hoàng Đại Đế, dưới có thể kết bạn với kẻ hành khất nơi xóm nghèo. Trước mắt nhìn thiên hạ, không có ai không phải người tốt”.
Chính nhờ khả năng nhìn ra và trân trọng điểm mạnh của người khác, Tô Đông Pha đã trở thành người bạn thân thiết của thường dân và là một nhà văn có danh tiếng được ghi nhớ qua nhiều thời đại.
“Trước mắt nhìn thiên hạ, không có ai không phải người tốt”. Mỗi lời khen ngợi dành cho ai đó hôm nay có thể sẽ trở thành tiếng vọng trong cuộc đời bạn vào một thời khắc nào đó trong tương lai.
Chỉ khi trân trọng lẫn nhau, chúng ta mới có thể cùng hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh cho nhau và cùng nhau trưởng thành.
Trân trọng là ánh sáng trong cuộc đời chúng ta. Ánh sáng ấy mang đến tình yêu và sự ấm áp, làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy những khả năng vô hạn và hy vọng.
Từ khóa trân trọng