Cả năm ngăn nắp, cuối năm nhàn: 7 mẹo dọn dẹp rất thiết thực
- Mộc Lan
- •
Thay vì tích tụ để đến cuối năm vất vả dọn dẹp nhà cửa, chúng ta có thể để ý chăm chút cho không gian nhà luôn sạch sẽ, thoải mái. Dưới đây là 7 mẹo nhỏ giúp bạn hình thành thói quen ngăn nắp mỗi ngày và có một cuối năm thong thả.
1. Xây dựng lịch trình dọn dẹp hiệu quả
Đầu tiên, hãy lập “lịch dọn dẹp một tuần”, hoặc viết vào nhật ký và ghép vào lịch trình kế hoạch của tuần. Không cần tạo áp lực quá lớn cho bản thân, bạn có thể sắp xếp một ngày mỗi tuần để dọn dẹp các khu vực cục bộ hoặc để 15-20 phút rảnh rỗi để phân loại nhanh chóng và lên kế hoạch tổ chức khu vực nhỏ nào và dọn dẹp những gì. Ví dụ: hút thảm vào thứ hai, thu dọn bàn trang điểm vào thứ ba, dọn dẹp ngăn kéo trong bếp vào thứ tư, v.v. bằng cách này, kế hoạch có thể được thực hiện hiệu quả theo đúng tiến độ. Nếu một ngày bạn thực sự mệt mỏi trở về nhà sau khi làm việc ngoài giờ, thì bạn cũng có thể sắp xếp tất cả các hóa đơn và biên lai trong ví.
2. Ấn định cho mỗi đồ vật vị trí cất giữ riêng
Bạn thường tiện tay đặt cốc nước xuống bất kỳ chỗ nào bạn uống xong? Bạn thường để mũ, tất tay, khẩu trang lung tung sau khi đi ngoài trời nắng về nhà? Đây có thể là thói quen thường gặp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày nhưng việc thuận tay để tại chỗ các vật dụng sau khi sử dụng như vậy sẽ khiến căn nhà đồ đạc vương vãi, bừa bộn. Nếu kéo dài thì bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian dọn dẹp mới có thể khôi phục lại sự gọn gàng ngăn nắp ban đầu.
Bạn có thể cần quyết định nơi cất giữ từng vật dụng, đồng thời hình thành thói quen nhanh chóng trả lại vật dụng vào chỗ cũ sau khi sử dụng. Như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho việc tìm đồ đạc hoặc dọn dẹp nhà cửa, cũng rất có lợi cho nếp sống hàng ngày.
Ví dụ, khi bạn ngủ dậy muộn vào buổi sáng, luống cuống chân tay dùng xong đồ mỹ phẩm lại tiện tay để khắp nơi rồi lại vội vàng ra ngoài để đi làm, đến lớp… Vậy thì khi về đến nhà, bạn cần tận dụng khoảng thời gian trước khi đi ngủ để xếp đồ lại chỗ cũ, làm như vậy bạn sẽ không dễ bị thất lạc đồ và cũng dễ dàng sắp xếp hơn khi dọn dẹp.
3. Giữ thói quen thuận tay dọn dẹp vật dụng
Bụi bặm chỉ mất vài ba ngày là đã tích tụ, đặc biệt là cửa sổ, góc nhà, các kệ, tủ… Khả năng tích tụ bụi bẩn càng nhiều thì càng cần phải thường xuyên lau bụi mỗi ngày. Hoặc nếu bạn lỡ làm vương nước canh ra ngoài hoặc làm đổ dầu mỡ, hãy lau sạch bằng khăn giấy ngay lập tức. Như vậy có thể ngăn ngừa sự tích tụ của bụi bẩn và dầu mỡ, đồng thời còn có thể tiết kiệm một khoản tiền mua chất tẩy rửa nhà bếp để dọn sạch các vết bẩn cứng đầu trong tương lai.
4. Đơn giản hóa các sản phẩm tẩy rửa
Việc sử dụng quá nhiều loại nước tẩy rửa chỉ làm tốn diện tích không gian và đôi khi còn không mang đến hiệu quả như mong đợi. Thay vào đó, hãy đơn giản hóa sản phẩm tẩy rửa của bạn như lựa chọn loại sản phẩm tẩy rửa đa năng cũng như các mẹo nhỏ như dùng giấm hay baking soda để loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ trên hầu hết mọi bề mặt.
5. Thực hiện kế hoạch “mua một thứ – bỏ một thứ”
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn ở nhà cũng có thể đến từ việc tích trữ quá nhiều đồ đạc đủ loại. Vậy khi mua một món đồ mới, bạn hãy xem xem những món tương tự không dùng đến và dọn sạch chúng. Ví dụ: khi mua một bộ quần áo mới, hãy xem lại tủ đồ của bạn và chọn những bộ quần áo bạn không còn mặc hoặc không thường xuyên mặc và mang chúng dọn đi. Phương pháp này không phải là “có mới nới cũ” ,mà để hành động này nhắc nhở bản thân tránh việc thường xuyên mua đồ theo cảm hứng mà không nhận ra. Theo thời gian, chúng ta có thể nhìn lại thói quen mua sắm của mình và biết được mình đã mua nhiều thứ không cần thiết hay chưa. Thói quen này sẽ giúp chúng ta tiêu tiền thận trọng hơn trong tương lai. Theo thời gian, sự bừa bộn trong không gian sống của gia đình cũng sẽ giảm dần.
6. Giữ sàn phòng bếp, nhà tắm luôn khô ráo, sạch sẽ
Phòng bếp và nhà tắm có nhiệt độ và độ ẩm cao, đồng nghĩa với nó là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và ẩm mốc phát triển. Để bảo trì và giữ gìn những nơi này luôn sạch sẽ, ngoài những việc cơ bản bình thường như lau dọn bàn bếp, rửa bát, sắp xếp đồ dùng trong nhà tắm…, đừng quên lau sàn bếp và nhà tắm, đồng thời giữ nó khô ráo sạch sẽ nhất có thể. Đặc biệt là nhà tắm sau khi sử dụng xong thường bị ẩm ướt, trơn trượt do tóc rụng, vết dầu, sữa tắm dính lại,… hãy dành 2-3 phút dùng nước và chổi quét lại một lần để ghét bẩn không còn bám lại trên sàn, như vậy sàn sẽ rất sạch và nhanh khô. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sạch sẽ trong căn nhà.
7. Tìm hình ảnh về “không gian ngôi nhà lý tưởng” để thôi thúc bạn
Việc cuối cùng là hãy thường xuyên tham khảo những hình ảnh về không gian ngôi nhà lý tưởng mà bạn mong ước trên Internet hoặc trên tạp chí, để thôi thúc bản thân gọn gàng hoặc học cách cất giữ đồ đạc theo các hình ảnh minh họa. Một ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp có thể mang đến một bầu không khí gia đình hoàn toàn mới!
Chúng ta hãy hình thành các lịch trình dọn dẹp nhà cửa đơn giản hàng tuần hoặc hàng ngày và biến nó thành thói quen nhé! Thói quen tốt này sẽ mang đến một cuộc sống hàng ngày thuận tiện hơn và thật nhàn nhã khi cuối năm đến!
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa mẹo hay dọn dẹp nhà cửa Tết mẹo vặt gia đình