Người mẹ không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc mà còn là người thầy đầu tiên, ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách, trí tuệ và lối sống của con. Từ cách ứng xử, tư duy đến những thói quen nhỏ nhặt, tất cả đều được trẻ tiếp thu từ mẹ. Một người mẹ thông minh, nhân hậu và có đạo đức tốt chính là nền tảng giúp con trưởng thành, thành công và trở thành người tài trong tương lai.

tre thanh cong
Sự giáo dục từ người mẹ quyết định thành công và thành tựu cả đời của con. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Sự giáo dục từ người mẹ quyết định thành công và thành tựu cả đời của con

Những câu chuyện nuôi dạy con đầy nghiêm khắc nhưng sâu sắc của “tứ đại hiền mẫu” Trung Quốc đã trở thành huyền thoại lưu danh sử sách. Mẹ Mạnh Tử chuyển nhà ba lần; mẹ Đào Khản trả lại quà của con để giữ đạo chính; mẹ Âu Dương Tu dùng sậy làm bút, cát làm giấy dạy con học; mẹ Nhạc Phi xăm lên lưng con bốn chữ “Tận trung báo quốc” để khắc ghi chí hướng. Trải qua hàng ngàn năm, những câu chuyện này vẫn khiến người đời nay cảm động vô cùng.

Những ai yêu thích đọc sử sẽ nhận thấy rằng, phía sau mỗi nhân vật vang danh trong lịch sử hầu như đều có bóng dáng của một người mẹ thông minh và sáng suốt.

Người mẹ là quan trọng nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ, không chỉ định hình nhân sinh quan mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến giá trị quan của gia đình và con cái.

Dẫu gia đình có nghèo khó đến đâu, nếu có một người mẹ chính trực, lương thiện, chăm chỉ, lạc quan và sáng suốt, đó chính là tài sản quý giá nhất của con cái và là phúc khí lớn nhất của cả gia đình.

Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà: Chỉ mong con không lầm đường lạc lối

Ngày nay, trong xã hội coi trọng vật chất, không ít bà mẹ vô tình truyền tải những quan niệm như “đọc sách là vô ích” hay “có tiền là nhất” đến con cái, mà không nhận ra rằng điều này có thể hủy hoại cả tương lai của con mình.

Mẹ của Mạnh Tử là người họ Trương, sinh tại nước Chu trong thời Chiến quốc (475-221 TCN). Là một góa phụ, bà phải làm việc vất vả để nuôi lớn Mạnh Tử. Bà rất nghiêm khắc với con trai, nhờ vậy mà sau này Mạnh Tử mới trở thành một triết gia lẫy lừng thiên hạ.

Thời xưa, mẹ của Mạnh Tử vô cùng coi trọng việc giáo dục con qua việc đọc sách. Để tạo môi trường tốt nhất cho con phát triển, bà đã ba lần chuyển nhà.

Khi Mạnh Tử còn nhỏ, hai mẹ con ông sinh sống gần khu vực nghĩa địa. Mạnh Tử cùng các bạn thường bắt chước người lớn làm lễ bái lạy và khóc lóc, chơi trò tổ chức tang lễ.

Thấy vậy, mẹ Mạnh Tử tự nhủ: “Ta không thể để con mình sống ở nơi này”.

Sau đó, mẹ Mạnh Tử chuyển đến sống gần chợ. Vốn có tài bắt chước, Mạnh Tử lại giả tiếng mời chào của dân bán hàng hoặc tiếng hò hét của đồ tể. Mạnh Tử lại còn học theo cách các thương nhân buôn bán, chơi trò giết gà, mổ ngỗng và mặc cả.

Mẹ ông lại nhủ: “Nơi này cũng không phù hợp để con ta ở.”

Cuối cùng, bà dọn đến gần trường học. Từ đó, Mạnh Tử bắt đầu sống có trật tự, hiểu lễ nghĩa và ham đọc sách.

Mẹ Mạnh Tử vui mừng nói: “Đây mới là nơi con ta nên sống!”

Đây chính là câu chuyện “Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà”. Tất cả những gì mẹ Mạnh Tử làm đều nhằm giữ con tránh xa môi trường tầm thường, thiếu giáo dục, để con có thể trở thành người yêu thích đọc sách. Chính nhờ tầm nhìn xa trông rộng của bà, Mạnh Tử cuối cùng đã trở thành một đại Nho nổi tiếng.

tre em nhat ban image
Trẻ có thể thành công hay không chỉ cần nhìn người mẹ là biết. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Mẹ của Đào Khản trả cá: Làm gương để con trở thành người cao thượng

Là một người mẹ, cách đối xử tử tế với người lớn tuổi sẽ quyết định liệu con cái sau này có biết trân trọng và trả ơn công lao nuôi dưỡng của cha mẹ hay không. Cách mẹ cư xử với họ hàng và hàng xóm cũng ảnh hưởng đến khả năng yêu thương và sự chia sẻ của con cái.

Hàn Anh trong Hàn Thi Ngoại Truyện từng viết: “Hiền mẫu nuôi dạy con thành hiền tài.”

Lòng tốt và tình yêu thương của người mẹ là yếu tố then chốt giúp con cái xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và phát triển sự nghiệp sau này. Tầm nhìn và lòng khoan dung của người mẹ cũng quyết định tương lai và tầm vóc của con.

Mẹ của Đào Khản, một danh tướng thời Đông Tấn, là một người phụ nữ đức độ và hiểu lý lẽ. Bà không bao giờ nhận các món quà vật chất từ con mình, đồng thời dạy con luôn giữ sự liêm khiết và công chính khi làm quan.

Sau này, khi Đào Khản làm quan phụ trách đánh bắt cá ở Chiết Giang, ông thường nhận được quà từ thuộc cấp. Có lần, quà là một vại cá muối. Ông liền chuyển về cho mẹ mình ở quê nhà.

Tuy nhiên, mẹ của Đào Khản đã trả lại tất cả và kèm theo thư trách móc: “Con làm quan mà lại lấy đồ của quan phủ gửi cho mẹ. Điều này không chỉ không giúp ích cho mẹ, mà còn khiến mẹ lo lắng thêm!”

Nhờ sự dạy bảo nghiêm khắc và làm gương của mẹ, dù xuất thân nghèo khó, Đào Khản đã trở thành một vị quan thanh liêm. Ông từng đảm nhận chức Đô đốc tám châu, Đại tướng quân chinh tây và cuối cùng được phong làm Công tước của quận Trường Sa.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ mong muốn con cái thành đạt, nhưng chính bản thân họ lại thiếu chí lớn, sống một cuộc đời tầm thường. Có những bậc cha mẹ chỉ lo làm giàu, kiếm tiền mà không quan tâm đến việc giáo dục con cái; họ không đọc sách hay học tập, nhưng lại yêu cầu con phải đứng đầu lớp. Một số lại nghiện cờ bạc, nghiện điện thoại, thường xuyên tụ tập ăn nhậu nhưng lại đòi hỏi con chăm chỉ học hành. Có người không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, nhưng lại muốn con phải ngoan ngoãn nghe lời. Thậm chí, có bậc phụ huynh luôn nói năng thô tục nhưng lại kỳ vọng con cái cư xử lịch sự, văn minh; hoặc vì tiền mà làm những việc gian lận, lừa đảo, thiếu đạo đức, vậy thì làm sao có thể yêu cầu con cái trở thành người có phẩm hạnh cao thượng?

Những khiếm khuyết về đạo đức và hành vi sai lệch của người lớn thoạt nhìn có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, con cái thường là “tấm gương phản chiếu” của cha mẹ.

Nếu người mẹ sống nhân hậu, hòa nhã, biết quản lý gia đình, sẵn sàng giúp đỡ người khác, luôn lạc quan và vui vẻ, chấp nhận chịu thiệt, dũng cảm đối mặt với khó khăn, thì những thói quen và đức tính tốt của bà sẽ âm thầm truyền lại cho con cái.

Có câu chuyện thế này: Một người mẹ trẻ đang kể cho con trai nghe câu chuyện về chú vịt con. Sau khi kể xong, bà đi lấy chậu nước để rửa chân cho mẹ chồng. Khi cậu bé thấy vậy, liền chạy vào nhà vệ sinh…

Sau khi người mẹ rửa chân cho mẹ xong và quay lại phòng, bà không thấy con trai đâu. Quay đầu lại, bà nhìn thấy cậu bé đang lảo đảo bước tới với một chậu nước đầy, ngây ngô nói: “Mẹ, rửa chân.” Người mẹ mỉm cười mãn nguyện…

Cha mẹ là những người thầy tốt nhất của con cái.

Chỉ qua sự tương tác giữa hai thế hệ mới có thể truyền tải văn hóa, từ đó dần dần giúp trẻ em hiểu biết về thế giới và biến những lời nói, hành động tốt đẹp thành hành trang quý báu cho cả cuộc đời của trẻ.

Mẹ vẽ chữ trên cát: Dạy con cởi mở và kiên cường trong nghịch cảnh

Người xưa có câu: “Người tính không bằng trời tính – tất cả đã là do số phận sắp đặt.” Số phận của mỗi người được quyết định bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là đối với con cái.

Nhà văn, nhà sử học xuất sắc thời Bắc Tống, Âu Dương Tu, khi còn nhỏ sống trong gia cảnh rất nghèo khó, không có tiền để đi học. Nhưng mẹ của ông không ngại khó khăn, đã cố gắng hết sức để nuôi dạy con thành tài.

Không có tiền mua giấy bút, bà dùng thân cây sậy viết trên cát để dạy con đọc chữ và viết. Nhà không có sách để đọc, bà đi mượn sách để Âu Dương Tu có sách học…

Sự can đảm và trách nhiệm của người mẹ trước nghịch cảnh đã âm thầm ảnh hưởng sâu sắc đến con trai trong quá trình trưởng thành.

Cuối cùng, Âu Dương Tu đã kế thừa tinh thần quý giá đó của mẹ, ngày đêm miệt mài học tập, không màng nghỉ ngơi, dành trọn tâm huyết cho việc đọc sách và trở thành một danh nhân văn học kiệt xuất.

Hiện nay, nhiều trẻ em thiếu khả năng vượt qua khó khăn và không chịu được thất bại. Khi gặp phải trở ngại, các em dễ dàng chán nản, mất đi nhiệt huyết với cuộc sống, khó hòa nhập với mọi người xung quanh và không thể giành được sự tin tưởng từ người khác. Vì vậy, việc rèn luyện khả năng vượt nghịch cảnh (AQ) trở thành điều vô cùng quan trọng.

Một người mẹ xuất sắc biết cách giúp con cái nâng cao khả năng vượt nghịch cảnh, dạy chúng cách đối mặt với khó khăn và thất bại. Những người mẹ như vậy thường không quá chú trọng vào việc con đứng nhất hay nhì, hay học ở trường đại học hay bách khoa danh tiếng.

Đức hạnh và phẩm cách đúng đắn là khí chất cao quý nhất để một người vững bước trên đời.

Người phụ nữ có phẩm hạnh tốt là viên ngọc quý trong gia đình, điều này còn thu hút hơn cả vẻ đẹp bên ngoài hay tài năng vượt trội. Có người vợ như vậy bên cạnh, người chồng sẽ hành xử chín chắn, con cái cũng sẽ có tiền đồ tươi sáng.

Một gia đình hạnh phúc không cần ăn ngon mặc đẹp hay của cải đầy nhà. Nếu có một người mẹ thông minh, khéo léo và đức hạnh, đó chính là phúc phận lớn nhất.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Vision Times