Chẩn đoán tự kỷ đang gia tăng ở trẻ em và người lớn tại Hoa Kỳ
- Minh Minh
- •
Số ca tự kỷ ở Hoa Kỳ đang tăng gần gấp ba lần chỉ trong hơn một thập kỷ. Số ca chẩn đoán mới ở trẻ em nam trong giai đoạn nghiên cứu tăng 185%, trẻ em nữ tăng 305%.
Các đợt bùng phát lớn ghi nhận những người bị bệnh nằm trong mọi độ tuổi, từ trưởng thành đến trẻ tuổi. Ngoài ra, các chẩn đoán cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ cũng đang gia tăng.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, dữ liệu về hơn 12 triệu bệnh nhân được ghi danh vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn của Hoa Kỳ cho thấy từ năm 2011 đến năm 2022, số người được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đã tăng 175%.
Sự gia tăng chẩn đoán đặc biệt đáng kể ở nhóm người trẻ tuổi từ 26 đến 34 tuổi. Nhóm này đã trải qua mức tăng 450% (tương đương với mức tăng hơn 5,5 lần) trong các chẩn đoán về chứng tự kỷ từ năm 2011 đến năm 2022.
Và mặc dù các bé trai vẫn có khả năng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cao gấp bốn lần so với bé gái, nhưng “khoảng cách giới tính” trong các chẩn đoán đang thu hẹp lại. Đây là một nhận định được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu do Luke Grosvenor, thuộc Bộ phận nghiên cứu của Kaiser Permanente tại Pleasanton, California đứng đầu.
Số ca chẩn đoán mới ở trẻ em nam trong giai đoạn nghiên cứu tăng 185% còn số ca ở trẻ em nữ tăng vọt ở mức 305%.
Nhóm của Grosvenor phát hiện ra rằng trong số những người trưởng thành, phụ nữ có tỷ lệ chẩn đoán mắc chứng tự kỷ tăng 315% từ năm 2011 đến năm 2022, so với mức tăng 215% ở nam giới.
Tại sao lại xuất hiện những xu hướng này?
Theo nhóm nghiên cứu Kaiser, việc “tăng cường vận động và giáo dục” đã khuyến khích người Mỹ cởi mở hơn trong việc sàng lọc tình trạng bệnh cho bản thân hoặc con cái. Họ không còn ngại công khai các rối loạn phổ tự kỷ của mình.
Hơn nữa, “những thay đổi trong các hoạt động sàng lọc phát triển” cho trẻ em và những thay đổi trong “định nghĩa chẩn đoán, chính sách và các yếu tố môi trường” cũng là những yếu tố gây tác động lớn tới việc gia tăng số ca bệnh.
Đối với sự gia tăng chẩn đoán ở trẻ em gái và phụ nữ, nhóm của Grosvenors cho biết “chuẩn mực hành vi giới tính” có thể khiến phụ nữ muốn che giấu các đặc điểm tự kỷ khi hoạt động trong xã hội. Những áp lực và kỳ thị xã hội đó hiện đang giảm bớt nên trẻ em gái và phụ nữ mới dám thoải mái khám bệnh.
Nhóm trẻ em hiện vẫn đang có tỷ lệ tự kỷ ở mức cao nhất. Theo thống kê này, cứ 1.000 trẻ em từ 5 đến 8 tuổi thì có khoảng 30 trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.
Con số này chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ 27,6 trên 1.000 (khoảng 1 trong 36) ở trẻ em nói chung vào năm 2020, theo tính toán của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Nhóm của Grosvenor nhấn mạnh rằng dữ liệu này có thể vẫn chưa ghi chép đầy đủ về các trường hợp mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), đặc biệt là ở người lớn.
“Tỷ lệ được báo cáo ở đây có thể vẫn chưa đánh giá hết mức độ phổ biến thực sự của ASD ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, vì nhiều người không được sàng lọc khi còn nhỏ và hiện vẫn chưa được chẩn đoán”, các nhà nghiên cứu lưu ý.
Theo các tác giả nghiên cứu, điểm mấu chốt của báo cáo này là: “Dân số trưởng thành mắc chứng tự kỷ ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng. Vậy nên chúng ta cần mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.