“Có nên đánh con không?”, “Đánh như thế nào?”, “Đánh bao lâu một lần?”, “Đánh có ảnh hưởng gì?”… Không chỉ phụ huynh mà ngay cả các chuyên gia giáo dục cũng rất đau đầu về những câu hỏi hóc búa này. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng đã có nhiều cuộc tranh cãi khác nhau về vấn đề này. Vậy rốt cuộc, có nên đánh con hay không? Câu trả lời sẽ làm bạn bất ngờ.

Du an moi 30
Có nên đánh con không? Câu trả lời sẽ làm bạn bất ngờ. (Ảnh: Shutterstock)

Trong quá khứ, “thương cho roi cho vọt” từng là cách dạy dỗ phổ biến, sau đó mọi người lại áp dụng kiểu “đánh con là tội ác”, và gần đây lại xuất hiện quan điểm “đánh con có lý trí sẽ giúp ích cho giáo dục”. 

“Không đánh quá mạnh, chỉ đánh nhẹ vài cái thôi…”

“Đứa trẻ này làm tôi tức điên, đánh vài cái để răn đe một chút…”

Có nhiều nguồn giáo dục nói rằng, trừng phạt nhẹ nhàng có thể thúc đẩy sự trưởng thành của trẻ…

Tuy nhiên, trên thực tếrất ít người nhận thức đúng đắn về việc đánh con. Nhiều người cho rằng, đánh con tức là bạn không kiểm soát được hành vi của bản thân, hay bạn đã đã bị ‘gục ngã’ trước lỗi lầm của con. 

Hậu quả của việc đánh con không lý trí

Bạn sẽ không ngờ khi hậu quả của nó lại nghiêm trọng đến vậy.

Một số phụ huynh và chuyên gia giáo dục có thể tin rằng: Trừng phạt xuất phát từ trách nhiệm và tình yêu dành cho con cái, với hy vọng con ít đi đường sai và tránh rơi vào những lầm lỗi. Vì vậy, miễn là không trừng phạt trong cơn giận dữ mà xuất phát từ ý định giáo dục và dẫn dắt, vấn đề sẽ không quá nghiêm trọng. 

Một mặt, điều này có thể dẫn đến kết quả ngược lại. Nghiên cứu từ Đại học Texas tại Austin, Mỹ, được công bố trên tạp chí ‘The Lancet’ chỉ ra rằng việc trừng phạt không có tác dụng trong việc ngăn chặn các vấn đề hành vi của trẻ, và không mang lại bất kỳ kết quả tích cực nào.

Mặt khác, chúng ta cũng cần suy nghĩ và nhìn nhận một cách công bằng rằng: Có bao nhiêu phụ huynh trong trạng thái bình tĩnh, lý trí lại chọn “đánh con” như một phương án cuối cùng? Đánh con có vui không? Hay tiếng khóc của con nghe dễ chịu? Thẳng thắn mà nói, hầu hết các lần đánh con đều xuất phát từ cơn giận dữ, mất kiểm soát chứ không phải vì lý trí.

Dù rằng đánh phạt thực sự không giống với bạo hành gia đình, vì mục đích của đánh phạt là hướng dẫn, giáo dục và chịu trách nhiệm. Trong khi đó, bạo hành bắt nguồn từ những cơn phát tiết không kiểm soát và không có lý do chính đáng, và tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, xét về mặt tâm lý thì nó có những tác động tiêu cực lên não bộ của trẻ em, hai điều này thực ra không khác nhau nhiều.

Nghiên cứu từ Đại học Harvard đã tiết lộ một sự thật đáng kinh ngạc: Ngay cả hình phạt nhỏ mà cha mẹ thường nghĩ là “nhẹ nhàng”, chẳng hạn như đánh vào mông, cũng có thể gây ra phản ứng trong não bộ của trẻ tương tự như khi trẻ bị bạo hành nghiêm trọng.

Do đó, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng, dù là hình phạt nhẹ nhàng hay đánh đập nặng nề, tất cả đều gây tổn hại cho trẻ. Giống như một sợi tóc mềm cũng có thể làm đau ngón tay, hay một tờ giấy mỏng cũng có thể cắt vào da. Bất kỳ hình thức trừng phạt nào cũng có thể gây ra những vết thương không thể chữa lành cho trẻ. Vậy nên, điều phụ huynh cần làm là cố gắng không trừng phạt trẻ.

nguoi dan ong 2 1
Đền bù cho sai lầm không phải là phóng đại lòng tốt. (Ảnh: Shutterstock)

Nếu không thể kiểm soát được, phải làm sao?

Muốn từ bỏ việc trừng phạt như một biện pháp giáo dục, bạn cần chuẩn bị sẵn những phương án ứng phó đơn giản và hiệu quả. Điều này giúp bạn không cảm thấy bất lực hay coi việc “đánh con” là lựa chọn duy nhất trong những tình huống căng thẳng.

Đưa ra tín hiệu cảnh báo

Khi cảm xúc mất kiểm soát, một tín hiệu cảnh báo có thể nhắc nhở chúng ta lấy lại lý trí và tránh thực hiện những hành vi quá khích. Tín hiệu này có thể là một âm thanh đơn giản, một cử động rõ ràng, hoặc một dấu hiệu thị giác cụ thể. Ví dụ, cất đi những vật dụng thường dùng để đánh trẻ và dán lên đó những cảnh báo như “Đánh con tổn thương não, giảm chỉ số thông minh, giảm trí nhớ, tình cảm gia đình rạn nứt…” để nhắc nhở về hậu quả của việc đánh con.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thỏa thuận với con những câu nói để bảo vệ bản thân. Khi con cảm thấy bạn đang tức giận, hãy để con lớn tiếng nhắc nhở: “Cha mẹ, con cảm thấy cha mẹ đang rất giận, chúng ta có thể bình tĩnh lại rồi mới nói chuyện được không?” hoặc “Con biết con sai, nhưng xin đừng dùng cách đánh để giải quyết, chúng ta có thể tìm cách khác tốt hơn”. Điều này không chỉ cho con một lối thoát an toàn, mà còn cho bạn một cơ hội để bình tĩnh lại.

Chọn giải pháp tạm dừng và tạm rời đi

Khi bạn mất kiểm soát cảm xúc vì con, và những tín hiệu cảnh báo không ngăn được cơn giận, thì tạm thời rời khỏi “chiến trường” là một quyết định sáng suốt. Điều này không phải là trốn tránh, mà là tạo ra không gian để bạn bình tĩnh lại, giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng, lý trí và có tính xây dựng.

Thời gian tạm rời có thể kéo dài 5 phút, hay cũng có thể là 5 tiếng, nhưng nhất định bạn phải quay lại để cùng con đối diện với vấn đề. Nếu trước khi rời đi, bạn vẫn giữ được một chút lý trí, hãy nói với con: Cha/mẹ đang rất tức giận, cha/mẹ cần rời đi để bình tĩnh lại, lát nữa chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau!”

Nếu khả năng kiềm chế của bạn chỉ còn đủ để quyết định rời đi, bạn có thể chuẩn bị trước bằng cách dặn dò con: “Nếu khi cha mẹ giận dữ và đột nhiên rời đi, không có nghĩa là cha mẹ không cần con, hay cha mẹ không yêu con. Chỉ là cha mẹ cần ra ngoài để bình tĩnh lại, rồi cha mẹ sẽ quay lại và cùng con thảo luận, giải quyết vấn đề!” Sự thỏa thuận và chuẩn bị này sẽ giúp con hiểu hành động của bạn, và giảm bớt sự lo lắng của con (ví dụ như tránh cho con nghĩ rằng bạn rời đi để tìm thứ gì đó trừng phạt, hay bạn không cần con nữa).

Nhớ rằng, tạm rời đi là để quay lại trong tình trạng tốt hơn, để đối diện với con và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Không kiềm chế được và đã đánh con thì phải làm sao?

Khi tổn thương đã xảy ra, việc cha mẹ cứ mãi chìm đắm trong sự tự trách móc và xấu hổ sẽ không giúp ích được gì. Đây chỉ là hình thức tự trừng phạt, mà không phải đứng ra gánh chịu hậu quả. Điều này không chỉ làm tổn thương con cái, mà còn làm tổn thương chính bạn, cuối cùng dẫn tới tình trạng bế tắc không thể giải.

Nếu không kiềm chế được và đã lỡ đánh con thì phải làm sao? Đừng quá lo lắng, dưới đây là những cách hiệu quả giúp bạn khắc phục tình huống này.

Lời xin lỗi chân thành luôn là bước đầu tiên

Nếu muốn con bạn có tinh thần trách nhiệm, biết nhận lỗi, thì sau khi con đánh người khác, con cần phải xin lỗi và đền bù tổn thất. Tương tự, khi cha mẹ mất kiểm soát và đánh con, bước đầu tiên cần làm là xin lỗi một cách chân thành, nhằm giảm thiểu tổn thương đến mức thấp nhất. Nghiên cứu cho thấy, lời xin lỗi của cha mẹ có thể giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của trẻ, như sợ hãi hay buồn bã, đồng thời tăng cường cảm giác an toàn và niềm tin của trẻ.

Ngoài ra, hành động xin lỗi của cha mẹ còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ an toàn giữa cha mẹ và con cái. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi cha mẹ xin lỗi, họ thể hiện sự đồng cảm và nhận thức về sai lầm, điều này không chỉ truyền tải cảm giác hối hận mà còn củng cố mối quan hệ đôi bên.

Đền bù cho sai lầm không có nghĩa phóng đại lòng tốt

Do cha mẹ cảm thấy tự trách nặng nề và lo sợ hành vi mất kiểm soát của mình có thể gây tổn thương không thể khắc phục cho con, nên đôi khi sau một trận đòn, họ lại “bù đắp” bằng cách tỏ ra quá mức ân cần, hay sẽ đưa ra hàng loạt lời hứa hẹn và phần thưởng. Kiểu hành vi thất thường này có thể khiến con cảm thấy bối rối và bất an.

Việc quá mức tỏ ra ân cần hay hứa hẹn phần thưởng có thể tạm thời giúp trẻ quên đi nỗi đau, nhưng vấn đề thực sự chưa được giải quyết tận gốc. Về lâu dài, cách xử lý này có thể khiến trẻ phụ thuộc vào phần thưởng và sự công nhận từ bên ngoài, thay vì phát triển động lực nội tại và sự tự tin.

Việc sửa chữa sai lầm thực sự chính là tự hoàn thiện và điều chỉnh chính mình, tìm ra nguyên nhân khiến bạn mất kiểm soát để có thể thay đổi và đối mặt một cách hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể thử áp dụng liệu pháp nhận thức “mũi tên hướng xuống” — một kỹ thuật can thiệp tâm lý đơn giản, giúp bạn hiểu rõ những nỗi lo tiềm ẩn mà mình chưa nhận thức được, đồng thời khám phá những niềm tin sâu thẳm bên trong bản thân. Cách này rất đơn giản, chỉ cần tự hỏi: Điều này có nghĩa là gì? Sau đó lần lượt phản bác và giải quyết từng vấn đề.

Ví dụ:

Câu hỏi: “Con đánh người, mình rất tức giận, vậy điều này có ý nghĩa gì đối với mình?”

Trả lời: “Điều này có nghĩa là con chưa học được cách tôn trọng người khác và chưa biết cách giải quyết vấn đề một cách thích hợp.”

Câu hỏi: “Nếu con chưa học được cách tôn trọng người khác và giải quyết vấn đề, điều đó có nghĩa là gì?”

Trả lời: “Điều đó có nghĩa là mình chưa dạy dỗ con tốt, mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người cha/mẹ.”

Câu hỏi: “Minh chưa làm tròn trách nhiệm của một phụ huynh, điều đó có nghĩa là gì?”

Trả lời: “Điều đó có nghĩa là người khác sẽ coi thường mình, xem mình là một người thất bại.”

Câu hỏi: “Việc mình có suy nghĩ này có nghĩa là người khác thực sự sẽ nghĩ như vậy sao? Họ đã nói điều đó với mình chưa?”

Trả lời: “Chưa chắc, không có bằng chứng nào cho thấy điều đó.”

Câu hỏi: “Điều này có nghĩa là mình có thể đang tự làm khổ mình vì những điều vô căn cứ?”

Trả lời: “Có vẻ là vậy…”

Con cái giống như những cây non tràn đầy sức sống, chỉ cần được cung cấp đủ không gian và dưỡng chất, chúng sẽ phát triển mạnh mẽ và bộc lộ hết tiềm năng và nội lực. Nhưng đồng thời, con cái cũng là những mầm non mong manh, có thể chịu được gió mưa nhưng không thể chống chọi được với sự đòn roi và sự tổn thương. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề, nhưng đánh đòn là lựa chọn tồi tệ nhất.

Hãy thử áp dụng tư duy tích cực trong việc nuôi dạy con, cho con không gian và cơ hội để thử sai, kiên nhẫn chờ đợi đến ngày nở hoa. Đồng thời, cũng hãy áp dụng tư duy phát triển với chính bản thân mình, bởi vì việc làm cha mẹ là một quá trình học hỏi. Bạn không cần phải hoàn hảo, nhưng hãy kiên trì luyện tập và cải thiện từng chút một, để cuộc sống gia đình trở nên tốt đẹp hơn từng ngày.

Trúc Nhi – Aboluowang