“Công viên yên tĩnh” đầu tiên trên thế giới
- MNN
- •
Có vẻ như Ecuador vừa có một điểm nhấn mới trong ngành du lịch, nhưng họ lại không thật sự muốn nhiều người lên tiếng về nó. Thật vậy, công viên quốc gia mới nhất của đất nước này được xây dựng dựa trên câu thần chú: “Im lặng là vàng.”
Quốc gia Nam Mỹ Ecuador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng một mô hình “công viên yên tĩnh”, một dải đất tươi tốt trải dọc theo bờ sông Zabalo, nơi sự im lặng được đối đãi như một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Ở đây không có các tuyến đường vận tải, cũng không có sự phát triển dân cư và thương mại. Thậm chí bạn cũng không thể nghe thấy tiếng rồ rồ phát ra từ các đường dây điện.
Được mệnh danh là Công viên yên tĩnh và hoang dã, vùng đất này thuộc sở hữu của người dân Cofán bản địa ở Ecuador và trải rộng khoảng một triệu mẫu Anh. Trong một thế giới ngày càng bị bủa vây bởi tiếng ồn, không gian độc đáo nơi đây được hy vọng sẽ kích thích tiềm năng du lịch trong khu vực – đó là một loại hình du lịch mới: “du lịch yên tĩnh”.
Một trải nghiệm sinh động
“Sông Zabalo như một khu Vườn Địa Đàng trong vắt.” Gordon Hempton, một nhà sinh thái học và là người đồng sáng lập Tổ chức quốc tế Công viên Yên tĩnh, đã trả lời tạp chí American Way: “Cảm giác như bạn đang đi bên trong một chiếc đồng hồ sinh học khổng lồ, nơi gần như bạn có thể nghe thấy những tiếng tích tắc từ thiên nhiên. Đó là một trải nghiệm sinh động.”
Dù hiếm hoi đến đâu, thế giới này vẫn còn sót lại những khu vực nguyên sơ chưa bị bàn tay con người chạm tới. Có thể kể đến các bãi biển ở Seychelles, hay khu bảo tồn thiên nhiên Kronotsky rộng lớn ở miền Viễn Đông nước Nga vẫn chưa in dấu chân người quá nhiều. Tuy nhiên những nơi không bị ảnh hưởng bởi âm thanh do con người tạo ra – nơi không có dù chỉ một tiếng máy bay ngang qua – thậm chí còn hiếm hơn.
Ngày nay, từ những dòng xe cộ nối đuôi nhau trên đường phố đến những tấm biển quảng cáo rầm rộ, đâu đâu cũng hầu như không thể thoát khỏi tấm lưới âm thanh mà con người giăng khắp nơi. Và điều này đang gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của các loài động vật, bao gồm cả loài người.
Sự yên tĩnh của thiên nhiên đã trở thành một “loài” có nguy cơ tuyệt chủng
Khi sông Zabalo được công nhận bởi Tổ chức quốc tế Công viên Yên tĩnh (Quiet Parks International) – một cơ quan chuyên truyền bá việc bảo tồn sự yên tĩnh trên toàn cầu – Ông Gordon Hempton đã mô tả dòng sông như một thánh địa, nơi sự yên tĩnh ngày càng hiếm hoi trên thế giới được phép “cư trú”.
“Cho đến nay, gần như không một nơi nào trên Trái đất nằm ngoài phạm vi của nạn ô nhiễm tiếng ồn. Sự yên tĩnh của thiên nhiên đã trở thành một “loài” có nguy cơ tuyệt chủng mà không một ai nhận ra.”
“Khoa học đã cho thấy rõ rằng ô nhiễm tiếng ồn không chỉ gây phiền toái mà còn gây tổn hại sức khỏe và ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sống sót của động vật hoang dã. Bằng cách công nhận con sông Zabalo là Công viên yên tĩnh đầu tiên trên thế giới, chúng tôi đang mở đường cho nhiều Công viên yên tĩnh hơn trên toàn cầu.”
Một trong những bài kiểm tra quan trọng mà sông Zabalo đã vượt qua trong quá trình lấy được giấy chứng nhận đó là nó đã duy trì được bầu không khí không hề có tiếng ồn liên tục trong vài giờ.
Vậy, khi thiên nhiên là thanh âm duy nhất thì thước phim về Zabalo sẽ như thế nào? Dưới đây là cách Sam Goldman đã mô tả với tạp chí Vox:
“Những con khỉ Nam Mỹ đột nhiên hú gầm lên như những chiếc xe máy đang rồ ga, lũ côn trùng cứ vo vo như tiếng TV bị nhiễu sóng; sông Zabalo bập bẹ những nốt nhạc trong veo, đệm theo bài hát của lũ chim chóc vang vọng khắp nơi, râm ran như những chiếc lục lạc, đôi lúc lại đột ngột như tiếng trẻ con bắt chước âm thanh một khẩu súng máy – pyoo-pyoo-pyoo!”
Công viên không chỉ trao cho thiên nhiên cơ hội tìm lại tiếng nói của nó, mà cả những người sở hữu vùng đất này, người dân bản địa Cofán – họ từ lâu đã tự coi mình là người bảo hộ cho dòng sông và những khu rừng mưa nhiệt đới, với số lượng đang ngày càng giảm mạnh, trong khu vực.
Sứ mệnh mới sẽ giúp người dân Cofán bảo vệ vùng đất và bảo tồn văn hóa của họ.
Đỗ Hoàng dịch (theo MNN)
Xem thêm:
Từ khóa công viên yên tĩnh bảo vệ thiên nhiên Ecuador