Có thể có người không biết Conan Doyle là ai, nhưng mọi người đều biết khi nhắc đến thám tử Sherlock Holmes lừng danh.

Arthur Conan Doyle (1859-1930) sinh ra tại Edinburgh, thủ đô của Scotland, nghề chính của ông là bác sĩ. Vào năm 1886, bác sĩ Conan đã viết câu chuyện trinh thám đầu tiên có tên là “A Study In Scarlet” (tạm dịch: Cuộc điều tra màu đỏ). Tác phẩm này đánh dấu sự ra đời của nhân vật nổi tiếng nhất trong dòng văn học trinh thám: Sherlock Holmes.

Kể từ đó trở đi, ông đã sáng tác ra rất nhiều những câu truyện trinh thám. Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều tiểu thuyết, kịch bản, thơ ca thuộc nhiều đề tài khác nhau.

“Thần thám Sherlock Holmes”

Sherlock Holmes là nhân vật chính trong tiểu thuyết trinh thám của Conan Doyle, đã trở thành một nhân vật trinh thám hư cấu nổi tiếng nhất thế giới. Bộ phim “Thần thám Sherlock Holmes” của đài BBC sau đó đã một lần nữa làm dấy lên làn sóng Sherlock Holmes trên toàn thế giới.

Thám tử Sherlock Holmes có sức hấp dẫn rất lớn đối với độc giả, nhân vật này vô cùng tài năng, giỏi quan sát và bình tĩnh mưu trí. Sherlock Holmes có thể nhìn thấy được những chi tiết dễ bị người khác bỏ qua, từ đó tìm ra được rất nhiều thông tin, phân tích chi tiết, giải đáp những ẩn số trong vụ án, khả năng suy luận theo phương pháp khoa học tư pháp và logic được ứng dụng rộng rãi trong việc điều tra tội phạm ngày nay. Sherlock Holmes được độc giả các nước trên thế giới yêu thích và trở thành thần tượng của rất nhiều các nhà trinh thám.

Conan Doyle đã viết nên bộ tiểu thuyết Sherlock Holmes gồm 60 quyển. Vào năm 1891, ông từng có ý định dừng bộ truyện này do chịu áp lực về nhiều mặt, trong thư gửi cho mẹ ông có viết “Con định kết liễu Sherlock Holmes… giải quyết nhân vật này. Ông ta chiếm quá nhiều thời gian của con rồi”. Vào năm 1893, trong quyển “Vụ án cuối cùng”, Conan Doyle đã cho Sherlock Holmes và kẻ thù không đội trời chung của ông cùng bị vùi chôn tại thác Reichenbach.

Thế nhưng do bộ tiểu thuyết quá nổi tiếng, quá nhiều người hâm mộ nên sau khi Sherlock Holmes chết trong quyển “Vụ án cuối cùng”, các “fan của Sherlock” vô cùng tức giận, họ dùng nhiều cách để phản đối cái kết này. Có người thường xuyên đập vỡ kính nhà Conan Doyle, có người thì biểu tình chống đối, lại có người đến đánh quản lý tòa soạn và có người thậm chí có người còn lên tiếng đòi mưu sát Conan Doyle. Thế nên ông Conan Doyle đã phải thỏa hiệp, làm cho Sherlock Holmes sống lại bằng cách thoát chết trong quyển “Căn nhà trống” được phát hành vào năm 1903.

Bác sĩ – Nhà văn

Cha của Conan Doyle là người Anh, mẹ là người Ireland và đều theo đạo Thiên Chúa. Thế nhưng do cha của ông nghiện rượu nặng nên vào năm ông 5 tuổi, cả gia đình bị phân tán đi các nơi ở Edinburgh. Năm 9 tuổi, nhờ sợ giúp đỡ về tài chính của một ông chú giàu có, Conan Doyle được đi học tại trường tiểu học tư thục của Giáo hội Thiên Chúa Giáo.

Từ năm 17-22 tuổi, Conan Doyle theo học ngành y tại trường Đại học Edinburgh, trong thời gian này, ông đã bắt đầu thử viết một vài quyển tiểu thuyết ngắn. Sau khi tốt nghiệp, Conan Doyle trở thành một bác sĩ trên tàu và đi theo đến bờ biển Tây Phi.

Năm 23 tuổi, ông quay về Plymouth (Anh), hợp tác mở phòng khám cùng một người bạn học, thế nhưng mối quan hệ của hai người xấu đi nên ông Conan đã rút cổ phẩn và tự mở phòng khám riêng. Tình hình hoạt động của phòng khám không được tốt lắm, không có nhiều bệnh nhân, vì vậy trong thời gian này, ông Conan lại bắt đầu thử viết lách.

Năm 32 tuổi, ông Conan Doyle được bạn bè đề nghị rời khỏi Anh để đến Vienna (Áo) học chuyên khoa mắt. Thế nhưng một khoảng thời gian sau, ông Conan nhận ra rằng những thuật ngữ nhãn khoa bằng tiếng Đức thật sự quá khó hiểu, thế nên ông đã lựa chọn từ bỏ việc học này và bắt đầu đi du lịch khắp châu Âu.

Không bao lâu sau, ông lại quay về Anh và mở một phòng khám nhỏ, nhưng vẫn không có bệnh nhân, vì vậy ông dành nhiều thời gian vào việc viết lách của mình, dần dần hoàn thành bộ truyện Sherlock Holmes và trở thành nhà văn lớn nổi tiếng khắp thế giới.

Cuộc đời Conan Doyle - cha đẻ của tiểu thuyết trinh thám lừng danh Sherlock Holmes
Arthur Conan Doyle. (Ảnh: Wikipedia)

Đời sống tình cảm

Trong cuộc đời mình, ông Conan Doyle có hai người vợ.

Người vợ đầu của ông tên Louis, là em gái của một bệnh nhân của ông. Vào năm 1885, khi Conan Doyle 26 tuổi, hai người đã kết hôn và sinh được 2 người con. Bất hạnh thay, khi sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu khởi sắc thì bà Louis mắc bệnh lao. Trong những năm đầu, ông Conan hết lòng quan tâm chăm sóc vợ để giúp bà khỏe lại, ông đi khắp nơi để tìm được nơi ở phù hợp với bệnh tình của bà, ông đến Ai Cập, Ý, tiểu bang Colorado ở Mỹ, cuối cùng đã chọn sống ở Surrey (Anh).

Tuy nhiên, vào năm 38 tuổi, ông đã bỏ rơi người vợ bị bệnh của mình để bắt đầu yêu một người khác, ông quen biết và yêu Jane Roch khi đó chỉ mới 14 tuổi. Để theo đuổi Jane, Conan đã rời xa vợ mình (hai người không ly hôn), dành rất nhiều thời gian và sức lực để làm quen với cô. Ông viết thư tình, biểu diễn nhạc cụ, tham gia chơi thể thao vì cô. Vào năm 40 tuổi, vào một lần Conan Doyle dùng bữa cùng bố mẹ của Jane, ông đã tặng hoa tai ngọc trai cho cô làm quà Giáng Sinh và chính thức bày tỏ tấm lòng của mình với cô Jane 16 tuổi. Trong thời gian này, ông đã viết một quyển sách về một người đàn ông, người tình và vợ của ông ta có tên là “Duet”. Sau này, ông lái xe đưa Jane đi du lịch khắp nơi, mối quan hệ của hai người được công khai hơn.

Khi Conan Doyle 47 tuổi, bệnh tình của bà Louis vợ ông xấu đi, trước khi qua đời, bà còn dặn con mình rằng đừng oán hận bố. Bà nói rằng mình sẽ chúc phúc cho Conan và Jane. Sự ra đi của Louis khiến ông Conan cảm thấy đau đớn, ông không kết hôn cùng Jane ngay mà 1 năm sau hai người mới chính thức kết hôn. Sau khi kết hôn, ông Conan cho biết mình ngày càng yêu người vợ xinh đẹp thông minh này. Hai người có với nhau 3 người con.

Lời kết

Sự thành công của “Sherlock Holmes” khiến Conan Doyle xuất thân là bác sĩ trở thành nhà văn nổi tiếng toàn thế giới và có rất nhiều độc giả trung thành. Sự bình tĩnh và trí tuệ cũng như khả năng quan sát và phân tích của Sherlock Holmes đã trở thành tiêu chuẩn được “người hâm mộ Sherlock Holmes” hướng đến. Tuy nhiên, hành động bỏ rơi người vợ bị bệnh của mình lại khiến Conan Doyle chịu nhiều chỉ trích tiêu cực. Một Conan Doyle không hoàn hảo đã sáng tác ra một Sherlock Holmes hoàn hảo, có lẽ đây chính là điều mà ông muốn hướng đến trong sâu thẳm lòng mình.

Ngọc Trúc

Xem thêm: