Cuộc sống là một quá trình sống ngày càng “ít đi”
- Trương Vân Phong
- •
Có một câu nói: “Cuộc sống là một quá trình sống ngày càng ít đi”. Lúc đầu có thể chúng ta không hiểu lắm tại sao lại như vậy, nhưng khi trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc điều này.
Nhiều người khi còn trẻ cũng giống như “nghé con mới sinh chẳng biết sợ cọp”, không biết sợ điều gì, họ nói và làm những việc theo sở thích cá nhân yêu ghét của mình, không muốn chịu thiệt thòi trong bất kỳ việc gì, luôn cảm thấy sống đúng bản chất mình nhất mới là cách sống tốt nhất. Chỉ khi trưởng thành, trải nghiệm và nhìn thấu được nhiều điều trong nhân sinh, chúng ta mới nhận ra rằng trong cuộc sống có quá nhiều việc không thể làm theo ý mình, chỉ có “lý trí” mới khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
“Ít đi” được nhắc tới ở đây là một loại tu dưỡng, cũng là một loại cảnh giới. Khi tuổi đời của con người dần dần lớn hơn, mới có thể cảm nhận được rằng chỉ có lựa chọn lối sống “ít đi” thì con người mới có thể sống thoải mái và an nhiên.
Người ít nói – Trí tuệ
Người xưa thường nói: “Nói nhiều tất có sai sót, tai họa từ miệng mà ra”. Khi người ta nói quá nhiều, dù là người cẩn thận đến đâu, họ cũng sẽ phạm sai lầm, có thể nói ra những điều không phù hợp, làm tổn thương người khác hoặc bị người có ý đồ xấu lợi dụng, cuối cùng chỉ mang lại rắc rối không đáng có cho bản thân mà thôi. Kiểu người nói nhiều này thường được gọi là “người lắm mồm”, họ luôn biểu hiện rất nhiệt tình khi trò chuyện.
Ví dụ: Có người vừa bị cấp trên phê bình, một người đến an ủi hồi lâu, nhưng cuối cùng lại nói: “Anh đã làm việc quá tệ, sau này cần chú ý hơn”, khiến cho người nghe cảm thấy tâm trạng thêm nặng nề. Hoặc là người khác vừa mới thất tình, vẫn còn đau buồn, một người đến an ủi rất lâu, cuối cùng nói một câu: “Không phải chỉ là thất tình thôi sao? Làm gì mà em phải khổ như vậy!” Kết quả, chỉ đem lại tác dụng ngược lại, khiến người khác cảm thấy tồi tệ hơn.
Nước lặng chảy sâu, đến tuổi trung niên, khi nói chuyện nhất định cần suy nghĩ thật kỹ càng. Chỉ có như vậy, người khác mới có thể tôn trọng và sẵn sàng tương tác với chúng ta.
Người ít ham muốn – An yên
Có một người đàn ông với sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc và cuộc sống khiến mọi người ngưỡng mộ. Nhưng vì có nhiều tiền và không thể cưỡng lại những cám dỗ bên ngoài, nên anh dần đánh mất chính mình và yêu một cô gái khác. Tất nhiên, sự việc này cuối cùng cũng bị người vợ phát hiện và kết thúc bằng việc ly hôn.
Tin chắc rằng mọi người đều đã từng nghe những câu chuyện tương tự như thế này từ người thân, bạn bè xung quanh mình. Vốn dĩ là gia đình êm ấm hạnh phúc, cuối cùng lại ly tán chỉ vì người chồng không kiềm chế được ham muốn của mình, có thể sau này người đàn ông sẽ cảm thấy vô cùng hối hận vì đánh mất gia đình hạnh phúc, nhưng cũng đã muộn màng rồi.
Có người nói “đạt được” là một loại may mắn, kỳ thực “không đạt được” mới là trạng thái bình thường của cuộc sống. Quả thực, trên thế giới này có rất nhiều điều đẹp đẽ và đôi khi chúng ta bị vẫn bị chúng cám dỗ. Nhưng đằng sau những điều đẹp đẽ thường có những cạm bẫy mà chúng ta cần phải trả giá rất đắt.
Vì thế, con người khi đến tuổi trung niên nên biết kiềm chế ham muốn, giảm bớt dục vọng và giữ nội tâm thanh tĩnh. Chỉ khi biết buông bỏ những ham muốn không đáng có thì chúng ta mới có thể sống thoải mái, tự tại hơn.
Người làm ít việc – Thành công
Ngày nay, để kiếm thêm thu nhập cho bản thân, nhiều người trong thời gian làm việc ở công ty thì cũng âm thầm làm những việc riêng khác, chẳng hạn như mở cửa hàng bán đồ trên mạng. Kết quả là, công việc trên công ty làm không tốt, hiệu quả bán hàng của cửa hàng trực tuyến cũng chỉ ở mức bình thường, khiến bản thân lãng phí quá nhiều thời gian và tinh lực một cách vô ích.
Thời gian và tinh lực của mỗi người đều có hạn, nếu chúng ta nỗ lực học tập và thử nghiệm nhiều cách khác nhau để phát triển bản thân thì có thể hiểu được. Nhưng nếu chúng ta chỉ làm kiêm nhiệm nhiều việc chỉ thuần túy là để kiếm tiền thì cuối cùng có thể chúng ta chẳng thể làm tốt được việc gì.
Đặc biệt khi con người đến tuổi trung niên, đã có gia đình và có trách nhiệm phải gánh vác thì lúc này nên tận lực tập trung làm một việc là đủ. Bởi giá trị của một người không phải được đo lường bằng việc người đó có thể làm được bao nhiêu việc, mà là việc người đó có thể làm tốt được bao nhiêu.
Con người đến tuổi trung niên, khi hiểu được ý nghĩa của chữ “ít đi” và tập trung tinh lực, mới có thể bước đi vững chãi và an nhiên hơn trên đường đời.
Ít lời giúp cho chúng ta có nhiều bạn bè.
Ít ham muốn giúp cho chúng ta có cuộc sống ổn định.
Ít kiêm nhiệm giúp cho chúng ta dễ dàng thành công.
Mong rằng mọi người có thể hiểu được sự trí tuệ chứa đựng sau 2 chữ “ít đi” và bước đi thật tốt con đường nhân sinh của bản thân mình.