Đằng sau mỗi đứa trẻ tự tin luôn có sự đồng hành và dẫn dắt đúng đắn từ cha mẹ. Sự tự tin không phải bẩm sinh mà được nuôi dưỡng qua từng trải nghiệm, từng lời động viên và cả những bài học từ thất bại. Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con mạnh dạn đối mặt với thử thách và không ngừng phát triển? 

khen con 1
Cha mẹ là nguồn động viên to lớn giúp con tự tin mỗi ngày. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nhiều đứa trẻ có khả năng, nhưng vì thiếu tự tin nên không dám thử. Không dám thử đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội thành công, và khi chưa từng trải qua thành công, trẻ càng thiếu tự tin, thậm chí trở nên tự ti… nó trở thành một vòng luẩn quẩn.

Một đứa trẻ thiếu tự tin luôn là nỗi lo lắng của cha mẹ. Do đó, việc nuôi dưỡng sự tự tin cho con ngay từ nhỏ quan trọng không kém việc rèn luyện các kỹ năng khác. Vậy làm thế nào để giúp trẻ phát triển sự tự tin? Dưới đây là 10 bí quyết hữu ích dành cho cha mẹ.

1. Khuyến khích trẻ thử nghiệm những điều mới

Trong môi trường an toàn, hãy khuyến khích trẻ khám phá, thử nghiệm những điều mới và học các kỹ năng mới, thay vì chỉ lặp đi lặp lại những gì đã biết. Thực tế, quá trình tiếp thu và thành thạo kỹ năng mới giúp trẻ dần xây dựng sự tự tin, bởi chúng tự mình trải nghiệm, đón nhận thử thách và khẳng định khả năng của bản thân.

2. Cho phép trẻ mắc sai lầm, chấp nhận thất bại

Cho phép trẻ mắc sai lầm và cho chúng hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi. Đừng để trẻ quá lo lắng vì lỗi lầm, điều quan trọng là học hỏi từ đó để trưởng thành và tránh lặp lại lỗi tương tự.

Tương tự, hãy để trẻ trải nghiệm thất bại và hiểu rằng thất bại không đồng nghĩa với kết thúc. Ngược lại, qua mỗi lần vấp ngã, trẻ có thể rút kinh nghiệm, nỗ lực hơn và tìm ra cách tốt hơn để tiến về phía trước.

Cách trẻ đối diện với sai lầm và thất bại sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời chúng.

3. Kịp thời công nhận sự kiên trì của trẻ

Một người tự tin không phải vì họ chưa từng thất bại, mà bởi họ không dễ dàng bỏ cuộc trước thất bại. Ngay cả khi thất bại, họ vẫn có thể đối diện một cách lý trí.

Vì vậy, khi thấy trẻ dũng cảm đối mặt với thất bại, kiên trì thử lại nhiều lần, hãy kịp thời công nhận và khen ngợi. Đây là một phẩm chất vô cùng quan trọng.

2 me day con gai hanh phuc la biet uoc muon vua du image
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

4. Khen ngợi nỗ lực của trẻ trong quá trình cố gắng

Việc tiếp thu bất kỳ kiến thức hay kỹ năng mới nào đều cần trải qua một quá trình nỗ lực. Chỉ khi cố gắng, trẻ mới có thể nhìn thấy kết quả.

Vì vậy, ngay từ nhỏ, hãy giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của sự nỗ lực. Khi cố gắng đủ lớn, kết hợp với hướng đi và phương pháp đúng, thành công sẽ đến một cách tự nhiên.

5. Khuyến khích trẻ khám phá sở thích và thế mạnh

Mỗi đứa trẻ đều có sở thích và thế mạnh riêng. Việc phát hiện ra những đặc điểm này giúp trẻ hiểu rõ bản thân hơn, từ đó nhận thức được điểm mạnh và khả năng của mình.

6. Làm gương về sự tự tin

Muốn con tự tin, trước hết cha mẹ phải là tấm gương cho con. Tuy nhiên, làm gương không có nghĩa là chúng ta phải thể hiện sự hoàn hảo tuyệt đối hay chưa từng thất bại.

Thay vào đó, hãy để trẻ thấy cách chúng ta chủ động đón nhận thử thách, nỗ lực chuẩn bị và không ngừng cố gắng. Ngay cả khi gặp áp lực, điều quan trọng là giữ vững tinh thần tích cực và lạc quan để truyền cảm hứng cho trẻ.

7. Đặt mục tiêu hợp lý và từng bước thực hiện

Hãy cùng trẻ đặt ra những mục tiêu rõ ràng và hợp lý. Khi đạt được một mục tiêu, trẻ sẽ có thêm động lực để tiếp tục cố gắng.

Cha mẹ nên quan sát và tìm hiểu xem con muốn làm gì, mong muốn đạt được điều gì. Nếu đó là một mục tiêu lớn hoặc một ước mơ dài hạn, hãy giúp trẻ chia nhỏ thành từng giai đoạn và từng bước thực hiện.

Thông qua quá trình này, trẻ sẽ rèn luyện kỹ năng đặt mục tiêu, lập kế hoạch và kiên trì thực hiện—những điều sẽ mang lại lợi ích suốt đời.

8. Khuyến khích trẻ tham gia công việc gia đình

Trẻ em dành phần lớn thời gian để học tập và làm bài tập. Tuy nhiên, ngoài việc học, cha mẹ cũng nên tạo cơ hội để trẻ tham gia làm việc nhà trong khả năng của mình.

Thông qua những công việc hàng ngày này, trẻ sẽ cảm nhận được vai trò của mình trong gia đình và hiểu rằng bản thân có giá trị, từ đó hình thành sự tự tin và trách nhiệm.

9. Dạy trẻ từ nhỏ rằng: Không cần theo đuổi sự hoàn hảo

Nhiều người lớn dành cả đời để theo đuổi sự hoàn hảo và phải chịu nhiều áp lực vì điều đó. Do vậy, tốt nhất hãy để trẻ sớm nhận ra rằng không cần thiết phải theo đuổi sự hoàn hảo tuyệt đối.

Khi trẻ xem các bộ phim, chương trình truyền hình hoặc lướt mạng xã hội, cha mẹ nên nhắc nhở rằng những hình ảnh hoàn mỹ trên đó chỉ là câu chuyện được phóng đại hoặc nó chỉ biểu hiện một phần nhỏ của thực tế.

Con người vốn dĩ không hoàn hảo – và điều đó hoàn toàn bình thường.

10. Để trẻ biết rằng mình luôn được yêu thương

Hãy để trẻ hiểu rằng, dù có chuyện gì xảy ra – dù là thất bại, phạm sai lầm hay kết quả học tập không như mong đợi – cha mẹ vẫn luôn ở bên và yêu thương con vô điều kiện.

Tình yêu thương của cha mẹ là vô giá và cũng là nguồn động lực lớn nhất giúp trẻ dám thử thách, dám đối mặt với thất bại, từ đó trưởng thành hơn.

Việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ là dễ dàng, vì thế chúng ta cần không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Mỗi đứa trẻ đều có tính cách và nhu cầu riêng, đòi hỏi cha mẹ phải linh hoạt trong cách giáo dục. 

Sự kiên nhẫn, thấu hiểu và tình yêu thương sẽ là nền tảng vững chắc giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, cha mẹ cũng cần tự rèn luyện và điều chỉnh bản thân để trở thành tấm gương tốt, bởi cách hành xử của cha mẹ chính là bài học sống động nhất cho con cái.

Hãy cùng nhau trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn!

Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang