Để nuôi dạy ra đứa trẻ có tư duy tích cực, cha mẹ cần chú ý 3 điều này
- Vương Hòa
- •
Nếu bạn muốn nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh và có tinh thần tích cực thì đời sống vật chất thường không phải là yếu tố quan trọng nhất. Chìa khóa nằm ở nội tâm của trẻ: liệu trẻ có tràn đầy tình yêu thương, sự tự tin, lòng dũng cảm và khả năng phục hồi tâm lý để vững vàng đối mặt với thực tế cuộc sống hay không.
Khi lớn lên mà không được vun đắp những sức mạnh nội tâm ấy, trẻ rất dễ cảm thấy lạc lõng và tuyệt vọng giữa thế giới xung quanh.
Muốn con có một tinh thần tích cực, cha mẹ chính là người đóng vai trò then chốt. Dưới đây là ba điều quan trọng mà cha mẹ nên đặc biệt quan tâm.
Đừng biến thành tích học tập thành thước đo duy nhất của con
Ở nhiều gia đình, điểm số đã vô tình trở thành tiêu chí duy nhất để đánh giá trẻ. Trong phim tài liệu “Chúng ta chống lại bệnh trầm cảm như thế nào”, Tiểu Hoa – một học sinh trung học – kể rằng em luôn phải gồng mình vì áp lực học hành. Nếu xếp hạng ba, người lớn chỉ hỏi: “Vậy ai đứng nhất, ai đứng nhì?” Ngay cả khi đạt giải nhất, các câu hỏi vẫn tiếp tục: “Con đứng đầu khối chưa? Xếp hạng bao nhiêu toàn trường?”
Tiểu Hoa nói: “Câu ‘Con có thể làm tốt hơn’ giống như mục tiêu không bao giờ chạm tới. Tôi như con lừa chạy mãi theo củ cà rốt trước mặt”.
Với nhiều trẻ, học tập trở thành con đường duy nhất để khẳng định bản thân. Dù giỏi ở lĩnh vực nào khác, các em cũng hiếm khi được công nhận. Nếu thi tốt, cả nhà vui. Nếu thi không tốt, chỉ còn lại những tiếng thở dài.
Một em nhỏ từng hỏi mẹ: “Con làm gì mẹ mới vui?” Mẹ đáp: “Nếu con học giỏi, mẹ sẽ tạ ơn Chúa”.
Với trẻ, điều đó có nghĩa: “Bố mẹ chỉ vui khi con học giỏi. Con chỉ là công cụ học tập”.
Nhiều em học vì nhiệm vụ, không phải vì ý nghĩa. Các em mất phương hướng, không tìm thấy giá trị trong cuộc sống, và dần xa cách mọi người xung quanh. Khi liên tục thất bại trẻ dễ rơi vào trạng thái tự phủ nhận, thấy cuộc sống và việc học trở nên vô nghĩa. Những suy nghĩ tiêu cực ấy âm thầm bám theo suốt hành trình trưởng thành.
Ngược lại, trẻ được đồng hành và động viên sẽ ít cảm thấy trống rỗng. Một tâm hồn tươi sáng luôn có một mái nhà ấm áp phía sau – nơi các em biết rằng: “Dù con ra sao, nhà vẫn luôn bao dung con.”
Chỉ khi được yêu thương, thấu hiểu và tôn trọng, trẻ mới có thể lớn lên một cách mạnh mẽ và phong phú từ bên trong.
Đừng kiểm soát con cái với danh nghĩa “vì con”
Mối quan hệ cha mẹ – con cái dễ rơi vào cái bẫy mang tên “kiểm soát”. Một cậu bé 14 tuổi từng tức giận gọi cảnh sát khi phát hiện cha mẹ lắp camera trong phòng. Khi cảnh sát đến, người cha bình thản hỏi: “Con có bao nhiêu quyền riêng tư? Cha là ai mà không được theo dõi con?”
Rất nhiều cha mẹ sử dụng lý do: “Mẹ là ai với con?”, “Mẹ làm vậy chẳng phải vì con sao?”, nhưng thực chất ẩn sau là mong muốn được kiểm soát tuyệt đối. Họ không nhận ra rằng kiểu “chăm sóc” này gây tổn thương sâu sắc cho con trẻ.
Càng kiểm soát, cha mẹ càng dễ mất con.
Ngay từ nhỏ, trẻ đã hình thành ý thức độc lập. Nếu cha mẹ can thiệp vào mọi thứ – từ ăn mặc đến lựa chọn học hành, lập gia đình – thì những “quan tâm” đó dần trở thành xiềng xích.
Khi lớn lên, trẻ cần không gian để tự quyết định và trải nghiệm. Một trong những điều đau đớn nhất là sống mà không được chọn lựa.
Gia đình hạnh phúc cần có ranh giới; con cái hạnh phúc cần sự buông bỏ và tôn trọng. Chỉ khi cha mẹ biết lùi lại, trẻ mới có cơ hội mạnh mẽ trưởng thành thông qua chính hành trình của mình.
Đừng phá hủy sự độc lập của con nhân danh tình yêu
Là người lớn, chúng ta thường không hiểu được nỗi đau mà trẻ em phải đối mặt. Nhiều người thắc mắc: “Trẻ con thì có thể gặp rắc rối gì chứ?”
Thực tế, áp lực và tổn thương có thể xuất hiện ở mọi giai đoạn của cuộc sống – kể cả khi còn nhỏ.
Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn căng thẳng cho trẻ, nhưng có thể dạy các em cách đối diện và vượt qua, từ đó rèn luyện khả năng phục hồi tâm lý – một năng lực không tự nhiên mà có, mà phải được bồi đắp theo thời gian.
Tôi từng biết một phụ huynh gửi con đến trại hè. Đứa trẻ không chỉ rất độc lập mà còn chủ động giúp đỡ giáo viên. Khi thấy một số bạn nhỏ chưa quen môi trường mới và buồn vì nhớ nhà, em liền an ủi các bạn. Giáo viên khen em là “mặt trời nhỏ” giữa tập thể.
Nhiều người tò mò hỏi người mẹ về bí quyết nuôi con. Bà chỉ nhẹ nhàng nói: “Có lẽ vì tôi khá thoải mái. Tôi để con tự mình thử nhiều thứ. Nhờ vậy, con dần khám phá ra khả năng của bản thân và sẵn sàng hỗ trợ người khác”.
Trong thực tế, lý do khiến nhiều trẻ yếu đuối, dễ nản chí và không chịu được thất bại lại đến từ sự chăm sóc quá mức của cha mẹ. Khi trẻ gặp vấn đề, cha mẹ lập tức can thiệp và không cho trẻ cơ hội tự giải quyết. Điều đó dần tước đi sự tự tin, tính độc lập và tinh thần trách nhiệm của trẻ.
Một đứa trẻ như vậy sẽ dễ cảm thấy bất lực khi phải đối diện với thất bại. Các em thiếu khả năng thích nghi, không đủ mạnh mẽ về tâm lý để vượt qua khó khăn.
Trẻ cần được rèn luyện thông qua trải nghiệm thực tế. Từ những việc nhỏ nhất, các em học được bài học, tích lũy kinh nghiệm và từng bước xây dựng sự tự tin.
Đừng đánh giá thấp quá trình rèn luyện này. Nó giúp trẻ phát triển tính độc lập và năng lực tự lực. Ngay cả khi cha mẹ không ở bên trẻ vẫn có thể đối mặt với vấn đề trong học tập hay cuộc sống thay vì trốn tránh hoặc suy sụp.
