Khi đồng nghiệp mời trà chiều nhưng lại quên gọi phần của bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đó là tình huống không hiếm gặp trong công sở, và cách ứng xử tinh tế cũng như khả năng điều chỉnh tâm lý sẽ giúp bạn duy trì mối quan hệ hòa nhã mà không gây ra bất kỳ sự khó xử nào. 

dan van phong 1 768x512 1
Khả năng điều chỉnh tâm lý – chìa khóa của mọi mối quan hệ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Khả năng điều chỉnh tâm lý – chìa khóa của mọi mối quan hệ

Mấy ngày trước, tôi lướt mạng và thấy một bài đăng như thế này:

Người đăng bài kể rằng, đồng nghiệp mời mọi người uống trà chiều. Đợi đến khi đồ ăn vặt được giao tới thì phát hiện chỉ thiếu mỗi phần của mình. Cô ấy vốn định giả vờ như không thấy và tiếp tục làm việc. Ai ngờ, vị đồng nghiệp lại gượng gạo cười và nói: “Xin lỗi nhé, lúc gọi món lại quên mất bạn rồi”.

Nếu không nói gì thì thôi, nhưng nói vậy lại khiến cô ấy cảm thấy khó chịu trong lòng. Khi đó cô ấy không nói gì, nhưng vẫn không thể nuốt trôi “cục tức” này vì vậy đăng tình huống này lên để trút bầu tâm sự với cư dân mạng.

Dưới bài đăng, các cư dân mạng đã bình luận rất sôi nổi về cách đáp trả lại trong tình huống này:

Có người thẳng thắn nói, hãy chủ động giữ sự bình yên trong lòng: “Thật không? Tôi còn tưởng bạn cố tình đấy!”

Có người đề nghị đáp lại với chút giọng mỉa mai: “Không sao đâu, tiết kiệm được phần nào hay phần đó, tôi hiểu mà”.

Lại có người cho rằng hãy trả đũa nhẹ nhàng: “Tuyệt quá, vậy lần sau tôi mời thì không cần mời bạn nữa nhé.

Bình luận của cư dân mạng tuy thú vị, nhưng nếu đặt vào đời thực thì vẫn cần tùy tình huống mà xử lý. Nếu đồng nghiệp thực sự chỉ vô tình quên đặt trà chiều cho bạn, nhưng bạn lại mãi bận tâm vì hành động vô ý của họ, cuối cùng bạn chỉ tự làm khổ chính mình mà thôi.

Có một thời gian, chủ đề #INFPworstpersonality# là chủ đề được tìm kiếm rất nhiều.

Do dự, lo lắng về mặt xã hội, rất nhạy cảm, dễ xúc động… INFP dường như đã hội tụ nhiều đặc điểm tính cách tiêu cực và được cư dân mạng đánh giá là “nhân cách tự làm khổ bản thân số một trong vũ trụ”.

Những người thuộc nhóm này thường có ý thức tự thân rất mạnh, là điển hình của người nhạy cảm và mâu thuẫn nội tâm cao.

Họ dễ dàng rơi vào đau khổ và tự làm tổn thương mình chỉ vì lời nói, hành động của người khác hay sự đánh giá từ bên ngoài. Có rất nhiều người trong xã hội thuộc kiểu tính cách INFP này:

Ví dụ: Khi báo cáo dự án trong văn phòng, anh ấy nhận được lời khen từ lãnh đạo. Thế nhưng, một đồng nghiệp lại đùa rằng: “Cậu làm hăng vậy, định giành hết hào quang của bọn tôi à?”

Một câu nói đùa vô ý, nhưng anh ta lại nghiêm túc nghĩ về nó. Suốt cả buổi tối anh ấy không ngừng nghĩ ngợi, càng nghĩ càng cảm thấy khó chịu trong lòng. Không ngờ sáng hôm sau, khi đến văn phòng, anh phát hiện người đồng nghiệp kia vẫn vui vẻ nói cười như mọi ngày, hoàn toàn không để tâm đến chuyện hôm qua.

Điều này khiến anh tự trách bản thân bởi mình đã mất ngủ cả đêm chỉ vì một câu nói chẳng đáng để bận tâm.

Nguyên nhân thất bại ở nơi làm việc thường không phải là do vấn đề về năng lực hay ngoại hình mà là do không có khả năng điều chỉnh tâm lý. Trong sự giằng co và lo lắng lặp đi lặp lại, bạn liên tục bào mòn bản thân, cuối cùng cạn kiệt năng lượng.

Thực ra, nhiều chuyện không cần phải nghĩ quá phức tạp. Đối mặt với những vấn đề như vậy, cách xử lý đơn giản chỉ gói gọn trong bốn chữ: Mỉm cười cho qua.

Trong môi trường công sở, nhân viên xuất sắc nhất không hẳn là người giỏi giang hay thông minh nhất, mà thường là những người sở hữu “tâm lý vững”.

Họ giỏi từ bỏ những cảm xúc vô ích, tập trung vào cốt lõi của vấn đề, không để lời nói và cảm xúc của người khác chi phối, từ đó đạt được sự tương tác hiệu quả trong công việc.

Kẻ yếu tự làm khổ mình, người mạnh tự cứu lấy mình. Nếu bạn là một nhân viên dễ bị tổn thương, hãy thử “cởi bỏ nút thắt” trong tâm lý của mình:

Đối với những việc không chạm đến nguyên tắc hay giới hạn của bản thân, đừng bận tâm đến ánh mắt của người khác, cũng đừng để tâm đến những lời đánh giá tiêu cực. Biến chuyện phức tạp thành đơn giản, biến chuyện đơn giản thành không đáng quan tâm, đó mới là trí tuệ sinh tồn nơi công sở.

Quay lại vấn đề chính của bài đăng. Nếu bạn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, cách ứng xử có thể mềm mỏng hơn một chút.

Bạn có thể mỉm cười và nói với đồng nghiệp: “Vậy lần sau nhớ gọi bù cho tôi hai ly nhé!” Câu nói này không chỉ giúp hóa giải không khí ngượng ngùng mà còn tạo cơ hội để đồng nghiệp “gỡ gạc”.

Cái gọi là EQ cao chính là việc nói những lời phù hợp trong hoàn cảnh thích hợp, giúp bầu không khí trở nên hòa hợp và thoải mái hơn. Chỉ cần thêm một chút hài hước đúng lúc, bạn có thể khéo léo hóa giải mâu thuẫn, biến căng thẳng thành hòa nhã.

ca phe 5
Khả năng điều chỉnh tâm lý – chìa khóa của mọi mối quan hệ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trí huệ cảm xúc cao: Thể hiện nhu cầu của bạn

Có một tình tiết phỏng vấn rất kinh điển trong bộ phim Mỹ có tên ‘Theo đuổi hạnh phúc’.

Nhân vật chính Chris, vì một loạt sự cố xui xẻo trước buổi phỏng vấn, đành phải đến tham dự với bộ trang phục không chỉnh tề. Khi nhìn thấy bộ dạng của Chris, nhà tuyển dụng có phần khó chịu và chất vấn:

“Nếu có một người không mặc áo sơ mi mà đến dự phỏng vấn, cuối cùng lại được nhận vào làm, anh sẽ nghĩ gì?”

Trước câu hỏi đầy khó xử của nhà tuyển dụng, Chris mỉm cười và trả lời: “Tôi nghĩ chắc chắn anh ta đang mặc một chiếc quần rất ấn tượng.”

Nghe xong, nhà tuyển dụng sững người một giây, rồi không nhịn được mà phá lên cười. Một buổi phỏng vấn căng thẳng như vậy đã kết thúc trong không khí vui vẻ.

Cuối cùng, sau khi nghe Chris giải thích chân thành về sự muộn màng của mình, nhà tuyển dụng quyết định nhận anh vào làm. Chris cũng nhờ vào khả năng giao tiếp khéo léo của mình mà có được cơ hội làm ở một vị trí công việc quan trọng.

Trong giao tiếp, đối mặt với những tình huống bất ngờ, nhiều lúc chúng ta không cần phải quá căng thẳng, vội vàng giải thích hay biện minh. Khi gặp phải tình huống tiến thoái lưỡng nan, bạn có thể thử tạo không gian hòa giải, nói chuyện sao cho dễ nghe một chút. Việc này không chỉ làm dịu lòng người khác, thể hiện thái độ của bạn, mà còn xây dựng mối quan hệ tốt trong công sở, tại sao lại không làm thử?

Daniel Goleman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard, đã viết một cuốn sách có tên ‘Trí tuệ cảm xúc: Tại sao EQ lại quan trọng hơn IQ’.

Cuốn sách viết rằng trí tuệ cảm xúc bao gồm năm khía cạnh: tự nhận thức, tự quản lý, động lực, sự đồng cảm và kỹ năng xã hội. EQ cao không chỉ là “chất bôi trơn” cho các mối quan hệ xã hội, mà còn giúp chúng ta quản lý cảm xúc của chính mình. Thực tế, nhiều khi, EQ có thể là yếu tố quyết định thành công của một người.

Như một ông chủ bất động sản đã nói: “Trong cuộc sống hiện đại, IQ ngày càng chiếm ít vai trò trong thành công của con người, mà chính EQ mới là yếu tố quyết định thành công. Những người thành công trong mọi ngành nghề không phải là những người học giỏi hay IQ cao nhất, mà là những người có EQ cao nhất.”

Vì vậy, trong môi trường công sở, EQ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển nghề nghiệp của một người. Áp dụng đúng các kỹ năng giao tiếp cảm xúc, không chỉ giúp bạn tránh làm mất lòng người khác, mà còn xóa bỏ các khoảng trống trong giao tiếp, giúp chúng ta cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp.

Tất nhiên, khi gặp phải tình huống như “đồng nghiệp mời trà chiều, nhưng lại quên đặt cho bạn”, cũng có một trường hợp là đồng nghiệp cố tình không đặt cho bạn.

Nói cách khác, đồng nghiệp không quan tâm đến bạn và không muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bạn. Trong trường hợp này, chúng ta cũng không cần phải nỗ lực để làm vừa lòng hay chiều chuộng người đó nhằm duy trì mối quan hệ.

Không cùng tần số, không cần cưỡng cầu

Những nhóm không thể hòa nhập, thì cũng không cần phải ép mình vào. Dù sao thì, chỉ có cùng tần số mới có thể đồng điệu, nếu quan điểm sống của hai bên không hợp nhau, cuối cùng cũng khó có thể đi cùng một con đường.

Một chuyên gia tư vấn kinh doanh nổi tiếng là Liu Run, sau khi trải qua hai sự kiện với một giám đốc cấp cao của công ty, đã nhận ra rằng hai người không thể cùng tần số.

Khi hai người bàn về nguyên nhân sản phẩm có đánh giá không tốt, Liu Run đề xuất có thể bắt đầu từ phản hồi của người dùng, tóm tắt những điểm quan trọng để đưa ra giải pháp phù hợp.

Giám đốc lại cho rằng, phần bình luận chủ yếu là những lời nói xấu từ đối thủ cạnh tranh, không cần tốn thời gian đọc.

Khi Liu Run tiếp tục gợi ý nghe ý kiến từ các nhân viên để cải tiến sản phẩm. Giám đốc lại cho rằng, các nhân viên còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, vì vậy không đáng để lắng nghe.

Dù Liu Run đưa ra bất kỳ đề xuất nào, giám đốc đều từ chối hoặc không muốn hợp tác, không muốn trao đổi với anh. Cuối cùng, Liu Run quyết định không còn thảo luận bất kỳ vấn đề gì với giám đốc đó nữa, vì anh nhận ra rằng: giữa hai người có sự khác biệt rất lớn về quan điểm.

Vì vậy, anh ấy đã thốt lên: “Khoảng cách lớn nhất giữa con người với nhau chính là sự bất đồng trong nhận thức”.

Nói một cách đơn giản, hai người có nhận thức khác tần số sẽ không thể hòa nhập vào cùng một nhóm. Người thực sự thông minh là người biết chọn lựa nhóm phù hợp với tần số của mình, lựa chọn những người bạn đồng hành có thể cùng nhau tiến bước.

Trong xã hội học, có một lý thuyết rất nổi tiếng gọi là “Lý thuyết vòng tròn”. Nó bắt nguồn từ lý thuyết “Số Dunbar” nổi tiếng trong xã hội học.

Lý thuyết này cho rằng, trí tuệ của con người cho phép chúng ta có một nhóm bạn bè ổn định khoảng 148 người, làm tròn sẽ là 150 người. Con số này có phải ít hơn bạn nghĩ không? Đúng vậy, thực tế, phạm vi hoạt động của một người trong suốt cuộc đời là rất hạn chế.

Nếu vòng tròn xã hội càng lớn, thì sẽ càng tiếp xúc với nhiều “tạp âm xã hội”, và con người cũng dễ dàng đánh mất chính mình. Vì vậy, không cần phải cố gắng hòa nhập vào một nhóm không phù hợp chỉ vì muốn thể hiện sự hòa đồng. Thời gian và năng lượng dư thừa, tốt hơn là đầu tư vào bản thân.

Những người có cùng “trường năng lượng” sẽ tự động thu hút nhau; những người xuất sắc sẽ cảm nhận và tôn trọng lẫn nhau. Nơi công sở vốn dĩ là một chiến trường, và giao tiếp xã hội chính là sự trao đổi tài nguyên. Chỉ khi bạn có đủ năng lực mạnh mẽ và thành tích xuất sắc, bạn mới có thể đứng vững và nắm bắt quyền lực trong công sở. Đến lúc đó, những người xuất sắc sẽ bị bạn thu hút, và những nhóm xuất sắc sẽ tiến gần bạn hơn. 

Hãy xem công việc như một quá trình tu hành, gặp người thì rèn luyện tâm, gặp việc thì rèn luyện tính. Từ chối những xích mích nội tâm do bản thân tự gây ra, giải quyết mọi việc bằng trí tuệ cảm xúc cao và tránh xa những vòng luẩn quẩn vô ích. Bạn có thể có được cả sự nghiệp và chính bản thân mình.