Bạn bè không chỉ mang lại sự hỗ trợ và niềm vui mà còn tạo cho nhau cảm giác an toàn. Để duy trì một tình bạn bền vững, việc giữ cân bằng và tôn trọng lẫn nhau là điều cốt yếu. Đặc biệt, có những hành động và thói quen cần tránh để không làm tổn hại đến sự gắn kết quý giá này.

Du an moi 10
Dù mối quan hệ với bạn bè có tốt đến đâu, cũng đừng nói năng và hành xử một cách tùy tiện. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Một trong những bài học đầu tiên mà trẻ em nên được học là hiểu về tầm quan trọng của việc trở thành một người bạn tốt. Giá trị của sự chia sẻ, đồng cảm và việc sử dụng những lời nói tử tế chính là nền tảng vững chắc để một người có thể phát triển và hoàn thiện bản thân.

Tại sao trước tiên cần trở thành một người bạn tốt? Lý do rất đơn giản: Bạn phải là một người bạn tốt để có những người bạn tốt. Bạn bè mang đến cho chúng ta sự hỗ trợ, niềm vui và sự đồng hành. Họ luôn ở bên chúng ta trong cả những lúc khó khăn và những khoảnh khắc hạnh phúc. Thậm chí, đó sẽ là những mối quan hệ kéo dài suốt đời.

Nhưng trong cuộc sống ngày nay, chúng ta dường như đã quên mất cách hành xử đúng mực với người khác, nhất là với người thân và bạn bè. Cũng vì vậy mà nhiều mối quan hệ tốt đẹp dần rơi vào ngõ cụt, thậm chí đến mức thù hận nhau. Tại sao lại như vậy? Đó cũng là do chúng ta không biết và chưa làm đúng ở một số phương diện, đặc biệt là 5 điều này.

Không ăn nói thô lỗ

Nhiều người thường lợi dụng mối quan hệ thân thiết của mình để giễu cợt, thẳng thừng vạch trần khuyết điểm và chọc ghẹo điểm yếu của bạn bè trước mặt người khác. Cuối cùng, họ bào chữa cho hành vi thô lỗ của mình bằng cách nói: “Chúng ta có mối quan hệ rất thân thiết, chắc chắn bạn sẽ không để bụng những điều này đâu”.

Thật ra, những lời đó chỉ là sự bao biện, bởi sự chân thành là khi chúng ta luôn biết đặt mình vào vị trí của người khác, tự hỏi bản thân mình sẽ cảm thấy thế nào nếu có ai đó làm điều đó với mình.

Mỗi người đều có thế giới nội tâm và lòng tự tôn riêng. Vì vậy, dù có quen thuộc đến đâu, chúng ta vẫn cần tôn trọng lẫn nhau.

Dù chỉ là một câu nói đùa, bạn vẫn cần cẩn thận, vì nếu không, nó sẽ giống như việc bạn tát vào mặt ai đó nhưng lại “không cho phép họ kêu đau.” Lâu dần, những câu nói và hành vi thiếu suy nghĩ này sẽ như những vết thương hằn sâu vào trái tim của người đó, và cuối cùng, mối quan hệ cũng sẽ tan vỡ.

Không nhờ giúp đỡ một cách tùy tiện

Bạn có từng trải nghiệm hoặc chứng kiến những tình huống như: Bạn bè nhờ bạn nạp tiền điện thoại “miễn phí”; thường xuyên mượn những khoản tiền nhỏ mà không trả; hoặc khi bạn làm việc trong bệnh viện, họ hay nhờ bạn ưu tiên đăng ký khám trước để không phải xếp hàng? Hay mỗi khi có việc đi đâu, họ lại nhờ bạn chở, thay vì tự mình gọi xe dịch vụ hoặc tự đi?

Nếu bạn từ chối giúp đỡ, họ sẽ tỏ thái độ không hài lòng và nói: “Chúng ta đã là bạn bè nhiều năm như vậy, hiện tại bạn cũng không bận rộn gì cả. Thật ích kỷ quá đi!”

Chúng ta nên hiểu rằng, nếu hai người đã rất quen nhau, thì người bạn ấy nhất định sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ đối phương. Tuy nhiên, nếu họ từ chối, thì chắc chắn là vì họ đang gặp tình huống khó xử nào đó.

Đừng ‘truyền tả’ những cảm xúc tiêu cực cho bạn bè

Khi tâm trạng không tốt, chúng ta thường tìm đến những người bạn thân thiết để trò chuyện và giãi bày tâm sự. Việc này sẽ giúp mọi người giải tỏa được nỗi niềm trong lòng. Tuy nhiên, cần nhớ rằng bạn bè không phải là “thùng rác cảm xúc” cho mọi vấn đề của chúng ta. 

Nếu bạn thường xuyên giải phóng năng lượng tiêu cực lên người khác, họ không chỉ trở nên cáu kỉnh mà còn có thể cảm thấy chán ngán với những chủ đề của bạn, bất kể đó là người bạn thân thiết đến đâu. Vì vậy, hãy cân nhắc và chia sẻ một cách hợp lý, để duy trì sự tích cực và hỗ trợ lẫn nhau trong mối quan hệ.

Đừng phản bội lòng tin của người khác

Mỗi người đều có giới hạn chịu đựng riêng, và khi một sai lầm xảy ra, nó có thể mang đến cho đối phương sự tổn thương vô hạn. Dù là mối quan hệ tốt đẹp đến đâu, thì cũng có những sai lầm không thể được tha thứ. 

Vì vậy, xin hãy nhớ: Đừng làm những điều quá đáng chỉ vì bạn đã quá thân quen với người ấy. Ngược lại, bạn cần nỗ lực để trở nên đáng tin cậy hơn nữa trong mối quan hệ này.

Đừng quên trả nợ dù là số tiền nhỏ nhất

Vì tin tưởng, nhiều người sẵn sàng cho bạn bè vay những khoản tiền mà họ đã phải cực khổ mới kiếm được. Tuy nhiên, không phải ai cũng ‘nhớ’ đến việc trả lại. Khi thực sự cần tiền, người cho vay sẽ phải đắn đo rất lâu mới dám hỏi nợ. Đáp lại, họ nhận được câu trả lời: “Chúng ta có mối quan hệ tốt như vậy, bạn không tin tôi sao? Khi nào có, tôi nhất định sẽ trả!”

Tình huống này thật quá khó xử. Nếu tiếp tục đòi tiền, bạn có thể mất bạn; còn nếu không đòi, bạn sẽ có thể mất tiền. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ rằng có vay thì phải có trả. Trong cuộc sống, những người thân thiết với chúng ta, như anh em và bạn bè, xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Do đó, chúng ta không nên tạo ra những rắc rối vô lý hay làm tổn thương họ chỉ vì chúng ta đã quá thân với họ.

Những người thường nói câu “chúng ta thân thiết như vậy…”, có thể là những người không thực sự quan tâm đến cảm xúc của người khác. Họ có thể xem mối quan hệ này là một sự quen biết hời hợt, mà không nhận ra giá trị của một kết nối thực sự.

Chúng ta kết giao với nhau vì tình cảm sâu sắc dành cho nhau. Trong quá trình xây dựng mối quan hệ, việc giúp đỡ và thấu hiểu là điều thiết yếu. Cho nên, dù mối quan hệ bạn bè có thân thiết đến đâu, chúng ta cũng cần tôn trọng nhau. Đừng để mất đi người bạn tri kỷ chỉ vì thiếu kỹ năng ứng xử.