Đừng để dành điều tốt nhất cho đến cuối cùng
- Triệu Lệ
- •
Chữ “bận” (忙) là sự kết hợp của chữ “tâm” (心) và chữ “vong” (亡), cứ mãi bận rộn rồi thì tâm cũng sẽ chết.
Tác giả Điền Duy chia sẻ trong cuốn sách ‘Hoa điền bán mẫu’ rằng: “Chúng ta nhận được những kịch bản khác nhau trong đời. Có người thì bình lặng, người thì nồng nhiệt, khi thì cười, lúc lại khóc. Dù ra sao, ta vẫn phải diễn cho đến khi hạ màn.”
Cuộc đời của chúng ta quá quý giá, đến mức mà dù có sống ra sao cũng có cảm giác như đã lãng phí. Nếu phải đưa ra một lời khuyên để không lãng phí cuộc đời, thì tôi nghĩ đó chính xác là: Đừng để dành điều tốt nhất cho đến cuối cùng.
Phần 1: Đời này chưa hoàn thành
Phần 2: Đừng để dành điều tốt nhất cho đến cuối cùng
Đừng đợi đến khi quá muộn, đây là điều mà tất cả mọi người đều hiểu, nhưng không phải ai cũng làm được.
Nhà văn nổi tiếng Mạc Ngôn đã chia sẻ trải nghiệm của một người bạn như sau:
Vợ của người bạn qua đời, khi thu dọn những di vật mà vợ để lại, anh ấy nhìn thấy một chiếc khăn choàng lụa còn chưa tháo mác. Bởi vì chiếc khăn này rất đẹp, rất đắt tiền nên vợ anh cứ mãi không nỡ dùng, cứ muốn đợi đến dịp đặc biệt.
Kết quả là cho đến ngày ra đi rồi cũng chưa đeo được chiếc khăn.
Anh ấy cảm khái rằng: Đừng để dành những gì tốt đẹp vào dịp đặc biệt rồi mới lấy ra dùng, mỗi ngày đang sống đều là ngày đặc biệt rồi!
Cũng giống như người vợ kia – chiếc khăn đẹp cứ mãi tiếc không choàng, chúng ta cũng luôn cất giữ những điều tốt đẹp để dành đến sau này, kết quả lại chẳng được như mong muốn.
Khi còn trẻ muốn đi leo núi mà chưa đi được, kết quả là về già bạn đành nhìn núi thở dài.
Khi đi mua sắm thích một cái áo nhưng đắt quá, đợi đến khi đủ tiền thì áo đã lỗi thời rồi.
Còn nhỏ, con muốn chơi đùa với bạn mà bạn mãi bận rộn, đến khi có thời gian thì con đã lớn rồi, cũng chẳng còn muốn chơi cùng bạn nữa.
Con trẻ muốn đi thả diều, đến khi bạn có thời gian thì con đã không còn thích diều nữa.
Vợ luôn nấu cơm, ôm con chờ bạn về nhà cùng ăn, nhưng bạn cứ mãi bận công việc, tiệc tùng ở công ty, đến một ngày về nhà ăn cơm cùng vợ con thì cô ấy đã bế con bỏ đi rồi.
Cha mẹ già muốn bạn có thể thỉnh thoảng về thăm họ nhưng bạn cứ lo làm ăn mãi, đến khi có thời gian về thăm cha mẹ thì họ đã qua đời…
Cuộc sống cũng giống như một giỏ táo tươi ngon vậy, bạn cứ chần chừ mãi không ăn. Đến cuối cùng táo bị hỏng rồi, bạn mới cảm thấy tiếc và bắt đầu ăn những quả chưa hỏng hết, ăn xong táo hỏng thì những quả tươi cũng đang hỏng, bạn lại tiếp tục phải ăn táo hỏng…
Bạn muốn để dành điều tốt nhất cho đến cuối cùng, nhưng lại thành ra cả đời chỉ ăn táo hỏng.
Thực phẩm sẽ hết hạn, hạnh phúc cũng vậy!
Hạnh phúc chẳng những sẽ hết hạn, mà còn sẽ biến mất khi chúng ta bận rộn.
Chữ “bận” (忙) là sự kết hợp của chữ “tâm” (心) và chữ “vong” (亡), cứ mãi bận rộn rồi thì tâm cũng sẽ chết.
Có rất nhiều người vô tình đánh mất chính mình và những điều quan trọng nhất cuộc đời trong lúc bận rộn. Vừa hy sinh, vừa mất đi. Cả đời vội vã chạy nên không thể nào tận hưởng được phong cảnh đẹp bên đường.
Trước đây tôi từng đọc được một câu chuyện rằng, ở vùng núi Quý Châu có một bà cụ, con gái đi làm xa, mỗi năm chỉ về nhà ăn Tết với mẹ một lần, sau đó lại vội vã đi.
Mẹ thương con công việc bận rộn nên luôn nói rằng mình khỏe, lần nào bị bệnh cũng không cho con hay, sức khỏe mỗi ngày một yếu đi nhưng lại giả vờ là mình rất khỏe.
Bệnh lâu ngày, cuối cùng vào một đêm nọ, bà mẹ qua đời, sau đó vài ngày hàng xóm mới phát hiện ra. Con gái biết chuyện vội vàng quay về gào khóc trước thi thể của mẹ: “Mẹ ơi, con hối hận lắm, thật sự rất hối hận.”
Lúc này đây, hối hận và nước mắt đều đã muộn…
Từ đây về sau, trong nhà sẽ không còn hình bóng bố mẹ đợi chờ. Liệu chúng ta có giống như cô gái này chăng, vẫn cứ luôn trì hoãn:
Đợi sau khi kiếm được nhiều tiền sẽ đón bố mẹ đến sống cùng để bố mẹ an hưởng tuổi già.
Đợi đến khi sự nghiệp ổn định hơn sẽ bày tỏ với người mà mình thích.
Đợi làm xong công việc sẽ cùng người thân đi du lịch…
Kết quả là, cứ để họ mãi chờ đợi, chờ đợi… để rồi đánh mất những người yêu thương mình nhất!
Sống cho hiện tại, đừng bỏ lỡ thời gian
Một câu chuyện ngày xưa kể về ngày cuối cùng của một tội phạm tử hình như sau:
Có một thanh niên ăn không ngồi rồi, toàn là đi trộm gà trộm chó. Một ngày nọ, anh ta đi trộm ngựa ở doanh trại quân đội, bất cẩn bị bắt được. Tướng quân nổi giận lôi đình muốn chặt đầu anh ta để cảnh cáo dân chúng, nhưng cho phép anh ta nói ra tâm nguyện cuối cùng của mình trước khi chết.
Người thanh niên đau khổ nói: “Tôi muốn nấu cơm cho mẹ, từ nhỏ tôi luôn làm mẹ tức giận mà chưa từng hiếu kính với bà.”
Tướng quân hỏi: “Còn gì nữa không?”
“Tôi muốn xin lỗi Tiểu Thúy, tôi đã hứa sẽ tặng trâm ngọc cho cô ấy, nhưng xem ra là không làm được rồi.”
“Còn nữa không?”
Anh ta gào khóc nói: “Tôi còn muốn học để kiếm việc làm, không muốn trộm gà trộm chó nữa, thế nhưng bây giờ nói gì cũng đã muộn rồi….”
Tướng quân nghe xong cuối cùng lại thả anh ta đi và nói:
“Ngươi đường đường là nam nhi, hiếu kính mẹ già, tặng trâm ngọc cho người yêu, học nghề – vì sao đến ngày cuối cùng mới nghĩ đến làm những điều này vậy?. Ta lệnh cho nhà ngươi từ nay về sau phải xem mỗi ngày đều là ngày cuối cùng, có như vậy thì mới không phụ ta tha cho người một mạng.”
Chàng trai đã thức tỉnh, quyết không thể để những điều quan trọng đến phút cuối mới làm, nếu không thì sẽ tiếc nuối cả đời.
Đừng để những điều tốt đẹp nhất đến lúc cuối cùng mới làm, đừng để người quan trọng nhất đến phút cuối cùng mới yêu thương họ!
Tác giả: Triệu Lệ
Minh Ngọc lược dịch
Xem thêm:
Từ khóa Bài học cuộc sống Ý nghĩa nhân sinh Suy ngẫm Mục đích cuộc đời Ý nghĩa cuộc sống