“Giấy ly hôn” thời nhà Đường vừa ấm áp vừa hài hước khiến người đọc bật cười
- Trúc Nhi
- •
Trong xã hội phong kiến cổ đại, ly hôn là một vấn đề nhạy cảm và thường gắn liền với những nghi thức nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những “giấy ly hôn” của triều Đại Đường lại khiến người đọc không khỏi bật cười vì sự ấm áp và hài hước ẩn chứa trong từng câu chữ. Những bức thư ly hôn không chỉ thể hiện sự chia tay nhẹ nhàng mà còn phản ánh một phần văn hóa và tính cách đặc trưng của người thời nhà Đường, với sự tao nhã, tế nhị và đôi khi là sự bao dung đầy tình cảm.
Trong nhiều bộ phim cổ trang, ly hôn trong Trung Quốc cổ đại thường là chồng tức giận viết giấy tờ ly hôn, gửi vợ về nhà mẹ đẻ, và cuộc hôn nhân này sẽ kết thúc. Thực tế, đàn ông cổ đại không có quyền quyết định lớn đến thế đối với cuộc hôn nhân của mình, và chế độ ly hôn cổ đại không đơn giản như vậy, không phải muốn ly hôn là có thể ly hôn.
Ly hôn thời xưa: Phải đáp ứng ‘7 điều kiện’ và có ‘3 không thể ly hôn’
Trong chế độ ly hôn của Trung Quốc cổ đại, phương thức ly hôn điển hình nhất là “tống vợ”, còn gọi là “từ vợ”, tức là ly hôn qua “giấy ly hôn”. Trong hình thức ly hôn này, người phụ nữ không có quyền lên tiếng. Tuy nhiên, đàn ông cũng không thể ly hôn dễ dàng, chỉ khi đáp ứng một trong 7 điều kiện sau, họ mới có lý do ly hôn. 7 điều kiện này còn được gọi là ‘7 xuất’.
Không phục tùng cha mẹ chồng
Người xưa gọi cha mẹ chồng là “xú cữu” (tức là dì, cậu), vì vậy điều này cũng được gọi là “không phụng dưỡng xú cữu”, đây là điều quan trọng nhất trong “7 xuất”.
Không có con
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, hôn nhân chủ yếu nhằm mục đích ‘kế thừa dòng dõi’, và trong quan niệm xưa, ‘không có con’ là điều không thể tha thứ, được xem là ‘một trong 3 điều bất hiếu’. Theo ghi chép trong “Đường luật sớ nghị”, chỉ khi người vợ đã qua tuổi 50 mà vẫn chưa có con, thì mới có thể ly hôn vì lý do không có con.
Ngoại tình
Trong hôn nhân cổ đại, trách nhiệm quan trọng nhất của người phụ nữ là duy trì hòa thuận gia đình và sinh ra con cái nối dõi, vì vậy ‘ngoại tình’ là điều mà gia đình chồng tuyệt đối không thể chấp nhận.
Ghen tuông
Điều này thường áp dụng với các gia đình giàu có, nơi chồng có thể cưới thêm thiếp hoặc hầu. Trong mắt người xưa, việc có thêm con trai từ các thiếp là để duy trì hương hỏa cho gia đình, nhưng vợ ghen tuông sẽ cản trở sự truyền thừa gia tộc, vì thế ‘ghen tuông’ cũng là một lý do để ly hôn.
Nói nhiều
Để giữ gìn trật tự trong gia đình và tránh xung đột, phụ nữ được khuyên nên ít nói và tránh bàn tán chuyện thị phi. Phụ nữ hay nói nhiều thường bị coi là nguyên nhân gây rối loạn trong gia đình chồng, vì vậy, gia đình chồng có thể quyết định từ bỏ họ.
Có bệnh nặng
Trong thời cổ đại, ‘bệnh nặng’ thường chỉ hai loại bệnh: một là bệnh không thể chữa trị, hai là bệnh truyền nhiễm. Cả hai loại bệnh này đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của gia đình, điều này là không thể chấp nhận trong hệ thống đạo đức gia đình cổ đại, nơi gia đình được đặt lên hàng đầu.
Trộm cắp
Trong gia đình cổ đại, vợ không có quyền sở hữu tài sản riêng. Nếu vợ tự ý sử dụng tài sản trong nhà, đó được coi là “trộm cắp”, và có thể trở thành lý do để gia đình chồng ly hôn.
Ba điều không thể ly hôn
Chỉ cần đáp ứng “7 điều kiện”, liệu người chồng có thể ly hôn vợ ngay lập tức không? Chưa chắc. Nếu vợ đáp ứng bất kỳ điều kiện nào trong “ba điều không thể ly hôn”, trừ khi có lý do “ngoại tình” hoặc “bệnh nặng”, người chồng sẽ không dễ dàng bỏ vợ. Đây có thể coi là “luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong cổ đại”.
Ba điều này bao gồm:
- Người vợ đã chăm sóc cha mẹ chồng trong 3 năm không thể bị ly hôn.
- Người vợ mà chồng lấy khi nghèo khó không thể ly hôn khi gia đình trở nên giàu có.
- Người vợ đã không còn gia đình để quay về sau khi kết hôn không thể bị ly hôn.
Từ “7 điều kiện” và “3 điều không thể ly hôn”, có thể thấy các điều khoản này chủ yếu bảo vệ sự phát triển và ổn định của gia đình, mà không xem xét đến cảm xúc cá nhân.
Vì vậy, nếu các ông chồng ngày xưa muốn ly hôn chỉ vì mối quan hệ vợ chồng không hòa hợp, thì có lẽ không dễ dàng như vậy. Cuộc hôn nhân này thật sự không phải chỉ vì chồng muốn ly hôn là có thể ly hôn đơn giản.
Ly hôn trong triều Đại Đường: Ấm áp và tao nhã
Năm 1900, tại hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng, một số văn bản từ thời Đường đã được khai quật, trong đó có nhiều “Phóng thê thư” (giấy ly hôn) của người thời Đường. Nội dung cơ bản như sau:
“Phàm là nhân duyên vợ chồng, đều do 3 kiếp trước kết thành, nay mới se duyên làm phu thê. Như uyên ương sánh đôi, cùng bay cùng nghỉ, chung ngồi dưới hoa, đức hạnh hòa hợp, ân tình sâu đậm, hai thân nhưng một lòng. Nếu 3 năm bên nhau thuận hòa, ắt vợ chồng hòa hợp. Nhưng nếu 3 năm sinh oán, ắt hóa thành thù hận.
Nếu duyên phận không hòa hợp, e rằng là oan gia từ kiếp trước. Vì vậy mà nay đối mặt lại sinh oán hận. Vợ thì lời qua tiếng lại, chồng thì trái ý mà sinh ghét bỏ. Như mèo chuột đối đầu, như sói cừu chẳng thể chung đường. Đã lòng dạ khác biệt, khó mà đồng tâm, vậy hãy sớm mời thân tộc đôi bên để bàn chuyện chia ly, ghi rõ tài sản, mỗi người trở về con đường riêng.
Nguyện rằng sau khi ly biệt, nàng hãy chải lại mái tóc mượt mà, tô điểm đôi mày thanh tú, khéo phô dáng vẻ yêu kiều, chọn bậc quân tử xứng đáng mà gửi gắm cuộc đời. Dưới bóng trăng sân trước, mong nàng lại hòa tấu khúc nhạc uyên ương, tìm được tri âm tri kỷ. Giải hết oán kết, từ nay chẳng còn oán hận. Một lần chia tay, đôi bên nhẹ nhõm, mỗi người tìm niềm vui riêng. Ba năm lương thực, xin kính dâng làm sính lễ cuối cùng. Cầu chúc nàng vạn sự tốt lành, trường thọ thiên thu.
Vào thời gian năm nào, tháng nào, ngày nào, tại làng nào, tôi [tên người], kính cẩn lập nên thư này”.
Thỏa thuận ly hôn thể hiện sự chia tay nhẹ nhàng, giọng điệu ấm áp, từ ngữ tao nhã. Ban đầu là hồi tưởng về duyên phận, tưởng nhớ tình yêu, nhưng giờ đây không còn hòa hợp, “có thể là kẻ thù từ kiếp trước”, nên phải ly hôn. Ly hôn thì ly hôn, còn chúc vợ làm đẹp và tìm được người chồng giàu có. Sau khi ly hôn, người chồng còn phải chịu trách nhiệm cung cấp 3 năm chi phí sinh hoạt cho vợ, và thanh toán một lần duy nhất. Cuối cùng, còn “cầu chúc vợ sống lâu muôn tuổi”.
Giấy ly hôn thời Đường, từng từ từng chữ đọc lên, khiến người ta không khỏi bật cười. Dù đây là một nghi thức ngôn ngữ thời đó, nhưng cũng cho ta cảm nhận được sự khoan dung và tha thứ, tình cảm ấm áp và hài hước của người dân thời Đường xưa.
Từ khóa đời Đường giấy ly hôn
