Hệ thống tàu điện ngầm của Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ
- Minh Minh
- •
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất có tàu điện ngầm. Nhưng văn hóa đi tàu và cách quản lý của họ lại khiến cả thế giới phải nể phục.
Ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka, các ga tàu điện ngầm thường tập trung ở các khu vực tương tự nhau (chủ yếu nằm ở trung tâm thành phố, với một số tuyến vươn ra các vùng ngoại ô của vùng đô thị).
Khi vào sân ga, bạn sẽ thấy có nhiều dòng kẻ được làm mới và in đậm để hướng dẫn hành khách đứng đúng vị trí chờ chuyến, đặc biệt là phải giữ khoảng cách an toàn với tàu. Họ bố trí nhân viên đứng ở các nhà ga cũ để nhắc nhở mọi người đứng sau vạch vàng khi tàu đến và rời ga. Tới giờ cao điểm, nhân viên còn đứng giang tay hướng dẫn để hành khách di chuyển hiệu quả và an toàn tối đa.
Với các hành khách tàn tật, nếu gia đình báo cho nhà ga số toa tàu, chuyến tàu, thì nhân viên sẽ tới tận nơi đón vị khách đó. Họ sẽ chuẩn bị cả tấm lót tiện cho việc di chuyển xe lăn. Với các hành khách bị choáng ngất, nhân viên sẽ gọi xe cấp cứu hoặc đưa về khu vực nhân viên trong ga để chăm sóc.
Các hướng dẫn ở ga và trên toa tàu được dịch ra nhiều ngôn ngữ để phục vụ cả khách nước ngoài.
Tuy tàu điện ngầm của Nhật Bản mang đến rất nhiều tiện ích và giá rất rẻ, bạn vẫn sẽ gặp một số khó khăn trong lần đầu trải nghiệm. Mật độ các tuyến tàu điện ở Nhật được coi là dày đặc nhất thế giới. Một ngày ở ga Shinjuku, Tokyo đón tới hơn 3,6 triệu lượt hành khách. Trong giờ cao điểm, mật độ còn dày đặc hơn, chỉ 1-2 phút/chuyến ở những tuyến chính. Các tuyến tàu đi từ Tokyo tới khu vực Tohoku, Niigata, Nagoya, Osaka… dao động từ 4-10 phút/chuyến. Mật độ dày đặc nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng nhưng không đảm bảo là mọi người đều có chỗ ngồi. Ga tàu điện ngầm Nhật Bản lúc nào cũng chật cứng hành khách vào giờ cao điểm. Đó là lý do họ có nghề oshiya – người đẩy người lên tàu hỏa. Các học sinh thường đăng ký làm oshiya như việc bán thời gian.
Nếu có được chỗ ngồi từ lúc tàu vắng, bạn không nhất thiết phải nhường chỗ cho người già, bà bầu lên sau đó, bởi người Nhật không muốn bị xem là vô dụng, phải nhờ vả đến người khác. Khoang tàu điện nào cũng có hai hàng ghế dành cho những người già, bệnh tật, phụ nữ có thai. Khi đi tàu ở Thái Lan, bạn sẽ cảm thấy rất ái ngại nếu không muốn nhường chỗ cho người khác, bởi trên tàu của họ bật sẵn các quảng cáo yêu cầu hành khách nhường chỗ cho người già, trẻ em và bà bầu. Ở Nhật, khi chỗ đã kín, bạn có quyền nhường hoặc không nhường chỗ mà chẳng bị ai dị nghị. Đôi khi, người ta chỉ cảm ơn sự tử tế của bạn chứ không ngồi vào chỗ. Tuy nhiên, với những người sức khỏe thực sự có vấn đề, họ sẽ rất cảm ơn bạn nếu có một chỗ ngồi.
Trên tàu đông như vậy nhưng người dân Nhật Bản giữ trật tự và vệ sinh cực kỳ tốt. Nếu có điện thoại, họ sẽ nói chuyện rất nhỏ hoặc báo với người kia rằng mình đang ở trên tàu không thể nói chuyện được. Tiếng động duy nhất bạn nghe thấy là người ra vào ở cửa tàu. Ở sân ga có máy bán hàng tự động cung cấp đầy đủ nước, đồ ăn vặt, bữa ăn nhanh… nhưng không ai mùa đồ để ăn trên tàu cả. Nhân viên vệ sinh liên tục quét dọn sân ga, khoang tàu, phòng WC, cầu thang, hành lang nên bạn có thể yên tâm là xung quanh không hề có bụi và rác. Những lúc tàu quá đông, bạn sẽ cảm thấy không khí bị ngột ngạt, nhưng chắc chắn không phải do tàu bẩn gây ra.
Ngoài ra, hệ thống tàu điện của Nhật còn rất đúng giờ. Chỉ trong 1 phút, ga Tokyo, Shinjuku, hay Shibuya sẽ có hàng trăm chuyến tàu giao nhau. Nếu họ không đúng giờ, tình trạng giao thông sẽ trở nên hỗn loạn. Tuy vậy, trong lịch sử, họ đã từng để xảy ra sự cố khiến 7 chuyến tàu khác bị chậm trễ, làm ảnh hưởng đến 3.300 hành khách. Lúc đó, chuyến tàu đi từ Tokyo đến Sendai chạy với vận tốc 280km/h có một khoang cửa bị mở khi tàu chạy nên các nhân viên buộc phải dừng tàu để xử lý sự cố trong 15 phút. Sau đó, quan chức Nhật Bản đã đứng ra xin lỗi toàn bộ khách bị ảnh hưởng do sự chậm trễ.
Minh Minh (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản Văn hóa Nhật Bản tàu điện ngầm