Năm 2002, Tôn Lệ bắt đầu tài trợ cho một đứa trẻ vùng núi tên Hướng Hải Thanh, nhưng cuối cùng lại bị cậu ta “cắn ngược”. Cậu ta thậm chí còn lớn tiếng đe dọa sẽ “hủy hoại” Tôn Lệ. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra giữa họ? Tại sao ân nhân và người gặp khó khăn lại trở mặt thành thù? 23 năm trôi qua, Hướng Hải Thanh hiện giờ sống như thế nào?

New Project 30 1
Hướng Hải Thanh, “kẻ vô ơn” mà Tôn Lực đã hỗ trợ suốt 4 năm, hiện giờ thế nào? (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình từ Internet)

Vào năm 2002, khi quay bộ phim Ngọc Quan Âm, Tôn Lệ chỉ là một diễn viên mới vào nghề, mức lương mỗi tháng không cao. Chính vào thời điểm này, cô xem được phóng sự về học sinh vùng núi Trùng Khánh tên Hướng Hải Thanh trên truyền hình. Không chút do dự, cô liên hệ với đoàn làm phim, nói rằng muốn tài trợ cho cậu học sinh cấp ba mặc áo vá đến trường này.

Lúc đó, Tôn Lệ cũng không mấy dư dả. Lớn lên trong một gia đình đơn thân, cô từng sống với mẹ ở tầng hầm, thời điểm khó khăn nhất thậm chí còn không dám đi xe buýt. Có lẽ chính trải nghiệm đó đã khiến cô động lòng trắc ẩn, mỗi tháng gửi cho Hướng Hải Thanh 500 tệ tiền sinh hoạt phí – vào năm 2002, mức lương trung bình ở Bắc Kinh chỉ khoảng 2000 tệ, 500 tệ đủ cho một đứa trẻ vùng núi ăn cơm ở trường trong ba tháng.

Ngoài phiếu chuyển tiền, cô còn kiên trì viết thư tay, chia sẻ với “cậu em” chưa từng gặp mặt những bí quyết học tập, dạy cậu cách hòa nhập với các bạn học ở thành phố.

Năm 2005, Hướng Hải Thanh sau hai năm học lại cuối cùng cũng thi đỗ Đại học Thủy sản Thượng Hải. Tôn Lệ đích thân đưa cậu đến trường nhập học. Tại nhà ga, cậu bé vùng núi lần đầu tiên biết “chị Tôn” đã tài trợ mình suốt 3 năm lại là một ngôi sao lớn.

Kể từ ngày đó, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.

Hướng Hải Thanh phát hiện ra bạn cùng phòng đều dùng điện thoại Nokia đời mới nhất, còn mình vẫn dùng chiếc điện thoại cũ kỹ. Thấy bạn bè đi giày Nike Adidas, mình vẫn đi đôi giày vải bạt Tôn Lệ gửi. Thế là cậu ta bắt đầu thường xuyên gọi điện cho trợ lý của Tôn Lệ, khi thì nói cần mua sách tham khảo, khi thì nói muốn đăng ký lớp học thêm, số lần xin tiền mỗi tháng từ một lần tăng lên năm sáu lần. Điều nực cười nhất là có lần xin 800 tệ, quay lưng đi mua một đôi giày thể thao phiên bản giới hạn về khoe trong ký túc xá.

Đội ngũ của Tôn Lệ cảm thấy có gì đó không ổn, phái người đến trường điều tra mới phát hiện ra, Hướng Hải Thanh đã không còn là cậu học sinh nghèo khó trong phóng sự nữa. Cậu ta không chỉ nhận được khoản trợ cấp 6000 tệ mỗi năm của nhà nước, mà còn làm thêm gia sư, nhưng tất cả tiền đều dùng để mời khách ăn uống, sĩ diện hão. Vì vậy, Tôn Lệ quyết định ngừng tài trợ.

Thế nhưng, điều không ai ngờ tới là Hướng Hải Thanh đã viết một bức thư dài 6000 chữ đăng lên diễn đàn, trong từng câu chữ ám chỉ ngôi sao giàu có bất nhân, tự dựng cho mình vỏ bọc “học sinh nghèo bị bỏ rơi”.

Năm 2006, bài đăng này gây bão mạng, Tôn Lệ bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội, thời điểm cao nhất mỗi ngày cô nhận được hàng trăm lá thư nguyền rủa, ngay cả hợp đồng quảng cáo vừa ký cũng bị hủy bỏ. Hai mẹ con cô đều mất ngủ.

Sự việc sau đó đảo ngược một cách khá kịch tính.

Một phóng viên đã đến Đại học Thủy sản Thượng Hải bí mật điều tra, phanh phui hồ sơ chi tiêu thực tế của Hướng Hải Thanh – mỗi tháng tiền điện thoại hơn 300 tệ, bữa nào cũng ăn ở nhà hàng, còn dẫn bạn gái đi du lịch Hàng Châu; theo lời kể của bạn học cùng lớp, cậu ta thường xuyên khoe khoang “chị tôi là Tôn Lệ”, lợi dụng hào quang của ngôi sao để trà trộn vào hội sinh viên.

Năm 2006, nhà văn Hàn Hàn đã viết trên blog cá nhân của mình: “Người dân thường trong thành phố thậm chí còn không được nuôi chó lớn, vì sao mà Tôn Lệ lại có thể nuôi sói ở Thượng Hải?”. Sau đó, làn sóng lên án “con sói” không ngừng nổi lên, thậm chí còn có người tuyên bố thành lập “Bạch Nhãn giáo” (ý chỉ kẻ vong ơn bội nghĩa) để chế giễu Hướng Hải Thanh.

Dưới áp lực dư luận, Hướng Hải Thanh trở thành mục tiêu chỉ trích của mọi người. Nhiều cơ quan truyền thông vẫn liên tục đến trường yêu cầu phỏng vấn Hướng Hải Thanh, cậu ta không chịu nổi sự quấy rầy này, đành phải nghỉ học một năm.

Năm 2009, Hướng Hải Thanh tốt nghiệp đại học, do vết nhơ trước đó, cậu ta liên tục gặp khó khăn trong việc tìm việc, Thượng Hải dường như không còn chào đón cậu ta nữa. Bất đắc dĩ, cậu ta phải trở về quê nhà.

Nghe nói hiện tại cậu ta làm nhân viên bình thường trong một công ty nhỏ, sống qua ngày với mức lương ít ỏi. Đáng buồn hơn, chịu ảnh hưởng từ vụ “quyên góp” của Tôn Lệ, cái tên Hướng Hải Thanh gần như đã trở thành thuật ngữ chỉ những “kẻ vong ơn bội nghĩa”.

Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Tôn Lệ nói rằng lúc đó cô tức giận đến mức 3 ngày không ngủ được, nhưng cũng ngộ ra một đạo lý “giúp người phải có phương pháp”. Vì vậy, hiện tại cô làm từ thiện chỉ thông qua các quỹ chính quy, tuyệt đối không chuyển khoản riêng.

Đôi khi, kẻ yếu chỉ biết đòi hỏi thì không đáng thương. Người biết ơn mới xứng đáng với lòng tốt của người khác.

“Giúp đỡ là tình nghĩa, không giúp đỡ là bổn phận”, đối với sự giúp đỡ của người khác, phải có lòng biết ơn, không được phụ lòng tốt của người khác.

Vài năm trước, ở Trung Quốc cũng có một câu chuyện điển hình về lòng vô ơn thật đáng sợ, khiến xã hội Trung Quốc chấn động.

Uông Giai Tinh du học ở Nhật bản 5 năm, trước giờ chưa từng đi làm, học phí và phí sinh hoạt mỗi tháng đều do một tay người mẹ vất vả chu cấp. Đến khi mẹ cậu không thể kiếm được tiền gửi nữa và cậu phải về nước, ngay khi vừa ra khỏi sân bay, cậu liền rút dao đâm người mẹ đang đợi mình tận 9 nhát.

Thanh niên 25 tuổi vốn dĩ cần tự lập, dựa vào tiền làm thêm để trang trải cuộc sống. Nhưng Uông Giai Tinh lại thản nhiên hưởng thụ số tiền mà người mẹ vất vả chu cấp hàng tháng. Khi người mẹ kia không thể kiếm được tiền gửi nữa thì cậu ta không màng đến tình mẫu tử, trong tâm tràn đầy oán hận mà ra tay tàn ác với chính người sinh ra mình. 

Câu chuyện trên đã thức tỉnh rất nhiều bậc cha mẹ: Những đứa trẻ không biết cảm ơn sau này sẽ còn đáng sợ hơn cả sói dữ. Vì vậy, giáo dục trẻ sống có trách nhiệm và biết cảm ơn thực sự rất quan trọng. 

Lý Ngọc theo Vision Times