Không có bộ sạc iPhone nào cắm vào những bức tường đá, không có lò vi sóng hay công tắc đèn trong các ngôi làng nhỏ ở thung lũng Bavona. Đây là, và từ hàng thế kỷ nay vẫn là, một lối sống khắc nghiệt đối với những người sinh sống trong chuỗi ngôi nhà bị lãng quên này, thuộc vùng nói tiếng Ý ở miền nam dãy Alps của Thụy Sĩ. Tựa như những căn nhà của người hobbit bước ra từ sách của Tolkien hay một thị trấn cổ tích, những căn nhà như hang động nằm len lỏi dưới và giữa những khối đá khổng lồ. Khắp nơi là tàn tích còn sót lại của những trận lở đá long trời.

New Project 61
Ngôi làng cổ ở dãy núi Alps phía nam Thụy Sĩ. (Ảnh: Shutterstock)

Bỏ qua sự khắc nghiệt, khung cảnh nơi đây đẹp đến kỳ diệu—gần như mang màu sắc huyền thoại. Vậy việc có người muốn sống ở đây, liệu có thật sự đáng ngạc nhiên?

“Ngày nay, chúng ta chỉ cần cho nổ những tảng đá chắn đường”, Flavio Zappa chia sẻ với tờ Houses of Switzerland. “Nhưng ngày xưa thì không thể làm vậy. Thế nên người ta đã xây nhà bên dưới, bên trên, hoặc bất cứ chỗ nào có thể.”

Là một nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu thời Trung Cổ, ông Zappa — với cặp kính tròn nhỏ và gương mặt rắn rỏi — đã thực hiện nhiều cuộc khai quật quy mô và lập bản đồ phần lớn những ngôi nhà đá đặc biệt này, được người dân địa phương gọi là splüi, trên khắp thung lũng.

Nằm lọt thỏm trong một thung lũng hẹp xinh đẹp, với những vách đá dựng đứng hai bên và lớp đá vụn dưới đáy thung lũng phủ đầy rêu và rừng cây hoang dã đang lan rộng, chưa đến 2% diện tích nơi đây có thể canh tác được. Người dân địa phương đã phải nghĩ ra những cách sáng tạo để làm nông nghiệp, tận dụng những mảnh đất nhỏ chỉ rộng khoảng 1 mét vuông. Họ đào các khu vườn bậc thang vào sườn vách đá—có nơi cao đến chóng mặt—để trồng lương thực; trong khi những tảng đá phủ đất, gọi là balòi, được dùng làm vườn rau nhỏ cho căn bếp.

“Địa hình nơi đây đầy đá, dốc đứng và khắc nghiệt”, ông Zappa nói. “Nhưng nếu tất cả những vùng đất tốt khác đã có người chiếm rồi, bạn chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến nơi khác”.

Tuy nhiên, bất chấp điều kiện khắc nghiệt và gồ ghề, những người dân ở thung lũng Bavona vẫn chọn sống tại đây—dù phần lớn chỉ vào mùa hè—bởi vì cuộc sống tách biệt khỏi lưới điện giúp họ kết nối với cội nguồn. Cuộc sống không có điện không bị xem là bất lợi, ông Zappa cho biết. Họ đã quen với việc dùng củi để sưởi ấm và thắp nến khi trời tối. Những ngày không có nắng ở vùng này khiến cho việc tích trữ nến trở nên cần thiết, tuy nhiên thời tiết mát mẻ lại giúp họ không cần đến tủ lạnh.

 

New Project 62
(Ảnh: Shutterstock)

Trong quá khứ, người dân sống ở các ngôi làng nhỏ như Foroglio và Sonlerto từng ở lại quanh năm, nhưng ngày nay—và thực tế là đã nhiều thế kỷ qua—phần lớn họ dành mùa đông ở những thị trấn dưới đèo như Cavergno và Bignasco, nơi có nhiều tiện nghi và điều kiện sống thoải mái hơn. Vào mùa hè, họ lại đưa gia súc lên thung lũng Bavona mát mẻ và cao hơn để chăn thả, theo một tập tục lâu đời gọi là transhumance (chăn thả du mục theo mùa).

Cả người lẫn vật đều phải thích nghi với không gian sống vô cùng hạn chế. Gia súc được đưa vào trú trong những chuồng đá được đào sâu dưới các tảng đá lớn, còn con người thì xây dựng theo chiều cao—dựng nên các công trình bằng đá nhiều tầng để tăng diện tích sử dụng. Ở đây có nhà ở, nhà thờ thời Trung Cổ, xưởng rèn và nhiều công trình khác. Giữa những tòa nhà bằng đá, các lối đi nhỏ hẹp len lỏi qua địa hình hiểm trở đầy đá tảng.

New Project 63
(Ảnh: Shutterstock)

Bằng chứng về các khu định cư trong thung lũng Bavona được cho là có từ cách đây khoảng 5.000 năm, dù một khu nghĩa trang thời La Mã ở phía nam cho thấy đế chế châu Âu cổ đại này đã từng ghé qua đây sớm nhất vào khoảng thế kỷ I trước Công nguyên.

Một nền kinh tế nông mục với những đàn dê đã tạo ra các loại phô mai cứng và những phương thức canh tác khiêm tốn. Những “cánh đồng treo” theo dạng bậc thang—nay đã trở nên nổi tiếng của vùng—đã giúp cư dân giành lại đất để trồng lúa mạch đen, kê, khoai tây, hành và cây gai dầu.

Tuy nhiên, vào khoảng năm 1500 sau Công nguyên, Tiểu Kỷ Băng Hà đã dần làm sụp đổ lối sống giản dị ấy. Mùa đông kéo dài hơn, mùa hè thì ẩm ướt hơn, mưa khiến hàng trăm thác nước làm tràn các con sông, cuốn trôi những vùng đất canh tác vốn đã khan hiếm. Người dân thung lũng Bavona mất hết hy vọng trụ lại nơi này, và một cuộc di cư hàng loạt xuống đèo đã nhanh chóng diễn ra.

Còn có cả những trận lở đất. “Chúng đã đổ một lượng đá khổng lồ xuống đáy thung lũng”, Rachel Gadea Martini, điều phối viên của Quỹ Thung lũng Bavona, chia sẻ với Swiss Info. “Người dân địa phương không còn cảm thấy an toàn ở đó nữa và bắt đầu rời khỏi thung lũng”.

Cộng thêm việc nơi đây không có đường xe chạy cho đến năm 1955, làn sóng di cư ấy đã khiến các khu định cư trông như bị bỏ quên trong dòng thời gian. Người dân chỉ quay lại vào mùa hè để tiếp tục lối sống mộc mạc—vì họ thích như vậy. Thậm chí đến tận những năm 1950, khi điện năng lượng thủy điện được đưa vào thung lũng Bavona, phần lớn cư dân trong vùng vẫn vui vẻ chọn sống tách biệt khỏi lưới điện. (Xem thêm những ảnh có liên quan)

Đã từng có các cuộc thảo luận, nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu; 12 ngôi làng trong thung lũng cùng nhau bỏ phiếu, và 11 trong số 12 chọn tiếp tục sống không dùng điện, ưu tiên cuộc sống giản dị hơn.

Ngày nay, bạn có thể đi bộ khám phá thung lũng Bavona trong các chuyến đi trong ngày xuất phát từ những thành phố gần đó như Lugano và Locarno, hoặc nghỉ lại tại những chỗ ở thơ mộng ở Bignasco; món gnocchi phô mai với xốt bơ xô thơm là đặc sản địa phương không nên bỏ qua. Một chuyến đi bằng cáp treo từ San Carlo sẽ đưa bạn lên đến đỉnh, nơi có khung cảnh toàn cảnh hùng vĩ khiến người ta phải choáng ngợp.

Theo hầu hết các lời kể, người dân thung lũng Bavona vẫn sống rất ổn với ánh nến và không có điện. Ngoài vài tấm pin mặt trời hiếm hoi trên mái nhà—chỉ đủ cấp vài watt cho tủ đông—đa số đều thấy hài lòng với cuộc sống tối giản. Sạc điện thoại hay lò vi sóng ư? Xin miễn.

Lý Ngọc theo The Epoch Times